Đổi mới giáo dục cần sự kiên định vì mục tiêu “học thật, thi thật, nhân tài thật”

Sau mỗi kỳ thi, xã hội lại sôi động bởi các cuộc tranh cãi về đề thi dễ hay khó, có vừa sức thí sinh, có giống đề minh họa hay không? Thông thường các cuộc tranh cãi dừng ở mức đó, nhưng với những người hiểu về giáo dục thì câu hỏi mà họ đặt ra sẽ là: Đề thi có đủ mức phân hóa, có đánh giá đúng năng lực của thí sinh không? Đây chính là mục tiêu của giáo dục mà mối kỳ thi là cái mốc đánh giá quá trình học tập, đánh giá năng lực của mỗi thí sinh.

Năm 2025 này là năm kỳ thi tốt nghiệp THPT có những sự khác biệt so với những kỳ thi trước, bởi thí sinh tham dự kỳ thi này là những em học sinh được học chương trình Giáo dục phổ thông mới 20218. Ngoài ra, kỳ thi còn có sự tham gia của những thí sinh tự do, những em học theo chương trình giáo dục phổ thông cũ. Vì vậy, đề thi cũng được phân làm 2 dạng cho 2 đối tượng thí sinh khác nhau.

Ngay sau khi kết thúc môn thi thứ nhất, đề thi môn ngữ văn được đánh giá cao là đề thi có tính logic, từ cách chọn văn bản đọc hiểu, tư liệu cũ mà chủ đề không cũ đó là chủ đề về tình bạn, tình đồng chí, lòng biết ơn, tình yêu quê hương, đất nước. Phần nghị luận văn học có sự gắn kết với phần nghị luận xã hội, chủ đề xuyên suốt đề văn là tình yêu nước, là nhận thức của người trẻ về những đổi thay của đất nước và trách nhiệm của mình với quê hương, đất nước trong mọi bối cảnh.

Nếu như đề thi Ngữ văn được xã hội đánh giá cao thì ở đề thi Toán và đề thi Anh văn lại bị thí sinh và xã hội kêu khó, có phần không giống như đề minh họa. Ở các môn thi tổ hợp khác, đề thi cũng có những thay đổi nhằm tiệm cận hơn trong việc đánh giá năng lực của thí sinh.

Theo yêu cầu mới, cách thức ra đề thi đã có những thay đổi hướng tới mục tiêu không chỉ kiểm tra kiến thức mà còn nhằm mục đích đánh giá năng lực của thí sinh.

Ở kỳ thi tốt nghiệp THPT những năm trước, đề thi môn Toán và môn tiếng Anh có độ phân hóa không cao, đặc biệt là đề thi môn tiếng Anh quá dễ vì vậy trong "cơn mưa điểm 10" không phải thí sinh nào cũng có trình độ tương đương nhau. Điều ấy phản ánh thực trạng: đề thi không đủ độ phân hóa năng lực trình độ của thí sinh, tạo ra tình trạng khó khăn cho công tác xét tuyển Đại học, trình độ đầu vào không đồng đều dù điểm số đạt yêu cầu xét tuyển,kết quả này kéo theo những bất ổn trong quá trình học tập ở bậc đại học và ảnh hưởng không nhỏ đến phân bố nhân lực giữa các lĩnh vực ngành nghề và đặc biệt ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng nguồn nhân lực ở các lĩnh vực trọng điểm.

Ở một kỳ thi phải đảm bảo 2 mục tiêu: Công nhận tốt nghiệp THPT và làm căn cứ để xét tuyển ĐH thì việc ra đề thi có tính phân hóa cao là điều cần thiết. Tỷ trọng các câu hỏi trong đề thi tốt nghiệp THPT năm nay hoàn toàn đảm bảo yêu cầu này. Với những thí sinh có lực học bình thường,hoàn toàn có thể trả lời được những phần thi “vừa phải" để đạt mức 5-7 điểm. Còn ở 1 số câu hỏi khó hơn, đề thi nhắm đến đối tượng những thí sinh có kiến thức tốt hơn đủ năng lực để đạt mức điểm 8-9 -10. Với kết quả này, các trường Đại học, cao đẳng sẽ dễ dàng hơn khi xét tuyển thí sinh cho những ngành học phù hợp và quá trình đào tạo cũng sẽ thuận lợi hơn.

Giáo dục đào tạo là lĩnh vực đặc thù không ngừng đổi mới. Chúng ta đang tiếp tục con đường đổi mới giáo dục nhằm từng bước nâng cao chất lượng giáo dục, hội nhập quốc tế. Vì vậy qua mỗi kỳ thi, cụ thể là việc ra đề thi có tính phân hóa cao là điều cần thiết để qua đó ngành giáo dục biết được chất lượng thật của quá trình dạy và học từ đó đưa ra những điều chỉnh phù hợp. Việc đề thi có tính phân hóa cao cũng giúp chính thí sinh và phụ huynh thay đổi cách nhìn nhận để biết năng lực của bản thân mình, của con em mình ở đâu từ đó có định hướng học tập, cố gắng trau dồi kiến thức, kỹ năng, khát khao cầu thị, học hỏi, bớt chủ quan, ảo tưởng.

Việc nghiêm túc trong kiểm tra, đánh giá, thông qua sự phân hóa của đề thi góp phần ngăn chặn bệnh thành tích từ trứng nước, tạo ra thế hệ những con người biết mình là ai, ở đâu, năng lực thật sự thế nào để có phương hướng tu dưỡng, học hỏi, phấn đấu.

Chúng ta mong muốn sự công bằng trong xã hội, thì việc đề thi có tính phân hóa, đánh giá đúng năng lực của người học chính là giải pháp của sự công bằng trong học tập, thi cử, đánh giá. Sự nghiêm túc, công bằng ngay từ đầu sẽ giúp chúng ta thực hiện được mục tiêu “ học thật, thi thật, nhân tài thật” - như yêu cầu Thủ tường Chính Phủ Phạm Minh Chính đặt ra cho ngành giáo dục. Đây cũng là giải pháp tao nguồn nhân lực chất lượng, yếu tố sống còn của một xã hội phát triển văn minh, thịnh vượng