Bộ Giáo dục và Đào tạo, cơ quan chủ trì soạn thảo Dự án Luật Nhà giáo đã đề xuất miễn học phí với con đẻ và con nuôi hợp pháp của nhà giáo đang công tác. Căn cứ độ tuổi của giáo viên và dự tính độ tuổi con cái họ, mức chi dự kiến khoảng 9.200 tỷ đồng mỗi năm.
Dự án Luật Nhà giáo được xây dựng trên tinh thần có các chế độ, chính sách đãi ngộ phù hợp, tương xứng với vị trí, vai trò của nhà giáo nhằm thu hút, tạo điều kiện để nhà giáo yên tâm công tác, yêu nghề, tâm huyết và trách nhiệm với nghề. Đề xuất này cũng theo tinh thần đó.
Tuy nhiên, đề xuất này chưa cho thấy những căn cứ xác đáng, đặc biệt nó còn tạo nên làn sóng dư luận về tính công bằng đối với con em các ngành nghề, lĩnh vực khác.
Việc miễn học phí cho con giáo viên liệu có công bằng với con công nhân, con y bác sĩ, con những người làm việc dưới hầm lò hay con của các chiến sĩ, sĩ quan quân đội, công an…? Và nếu kể ra thì ngành nghề nào cũng có sự đóng góp cho xã hội và đều “đáng được ưu tiên”.
Nhiều giáo viên cũng cảm thấy đề xuất này khiến họ tự dưng có “đặc quyền, đặc lợi” so với những viên chức hưởng lương nhà nước khác. Thậm chí, có cô giáo còn lên tiếng “xin được từ chối không nhận”.
Nhà giáo dù đời sống còn có khăn, nhưng cũng không thể coi họ là đối tượng yếu thế trong xã hội. Nhận một sự ưu đãi không đúng đối tượng cần ưu đãi, mang tính “đặc quyền đặc lợi” cũng khiến họ cảm thấy thiếu được trân trọng thậm chí là xấu hổ và tủi thân.
Để thu hút giáo viên đến và gắn bó với nghề, cần có những chính sách phù hợp. Nhưng chính sách nào cũng phải nằm trong tổng thể tương quan với các ngành nghề khác. Không thể “ra chính sách lấy được”.
Dự thảo Luật Nhà giáo cũng đã quy định lương nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và được hưởng các phụ cấp ưu đãi nghề, các phụ cấp khác tùy theo tính chất công việc, theo vùng miền do pháp luật quy định.
Thiết nghĩ, đây là quy định cụ thể hóa chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 29-NQ/TW và cũng thể hiện sự trân trọng, đãi ngộ đặc biệt với nhà giáo, giúp họ yên tâm sống được với nghề.
Nhưng đối với những ưu đãi bất hợp lý, thiếu căn cứ khác thì có lẽ cũng không nên tồn tại. Bởi chính sách suy cho cùng là để phục vụ cuộc sống chứ không phải cứ ra chính sách “lấy được”./.