Cả nước đang hướng về đồng bào lũ lụt các tỉnh miền núi phía Bắc lại bàng hoàng đau xót trước thông tin ngày 16/9, tại trường tiểu học và THCS Bùi Thị Xuân xã Ea Sin, huyện Krong Búk, tỉnh Đăk Lăk, một phụ huynh lái ô tô bán tải vào sân trường, do thiếu quan sát đã tông vào nhóm 3 học sinh lớp 2 làm một em tử vong, hai em còn lại bị xây xát nhẹ nhưng ảnh hưởng tâm lý thì rất nặng nề.

Thời điểm xảy ra vụ tai nạn, bảo vệ nhà trường không có mặt tại vị trí làm việc mà đang tưới rau ở phía sau khu tập thể của trường nên không biết phụ huynh lái xe vào sân trường, vụ tai nạn xảy ra rất nhanh nên không ai kịp ngăn chặn, xử lý.

Sau khi tai nạn xảy ra, công an huyện đã tạm giữ hình sự với tài xế để làm rõ vụ việc. Qua điều tra bước đầu cho thấy vị phụ huynh gây tai nạn này mới lấy bằng lái xe được 3 tháng.

Lãnh đạo phòng giáo dục huyện Krong Búk cho biết: Công an cũng đang làm việc với hiệu trưởng và bảo vệ nhà trường để xem xét, làm rõ trách nhiệm (nếu có) của những người liên quan đến vụ tai nạn đáng tiếc này.

Vụ tai nạn ở trường tiểu học và THCS Bùi Thị Xuân (xã Ea Sin, huyện Krong Búk, tỉnh Đăk Lak) không phải là lần đầu tiên xảy ra vụ việc xe ô tô gây tai nạn ngay trong sân trường. Cách đây vài năm sự việc đau lòng này đã từng xảy ra ở một trường học tại Hà Nội và Sơn La. Cụ thể vào năm 2018 tại Trường Tiểu học Vân Hồ (Sơn La), một giáo viên lùi ôtô trong khu vực sân trường đã tông trúng 2 học sinh đang chơi trong giờ ra chơi khiến một em tử vong và một em bị gãy tay và chân. Cả hai em đều là học sinh lớp 1 của Trường tiểu học Vân Hồ. Vụ việc đã gióng lên hồi chuông cảnh báo đối với các nhà trường và bản thân chủ phương tiện giao thông: Sân trường không phải là đường giao thông công cộng, càng không phải là sân tập lái để cho lái xe có thể tự tung tự tác.. .

Hàng ngày, học sinh đi từ nhà đến trường bằng nhiều phương tiện khác nhau, có em được cha mẹ chở đến bằng ô tô, xe máy, nhưng nhiều em tự đi xe đạp hoặc đi xe bus … Khi đã bước chân vào cổng trường em học sinh nào cũng có tâm lý thoải mái đi lại, chạy nhảy trong sân trường bởi ở đó là nơi học tập, vui chơi chứ không phải là nơi tham gia giao thông với rất nhiều phương tiện xe cộ mà người tham gia giao thông ai cũng phải thận trọng.

Điều đáng nói là trường học nào giờ đây cũng có cổng ra vào, có bảo vệ canh gác kiểm soát người ra người vào, có trách nhiệm nhắc nhở khách đến liên hệ công tác, chỉ dẫn chỗ đỗ xe … Đặc biệt giờ cao điểm chính là lúc các em học sinh đến trường và tan trường, không có lý do gì để bảo vệ nhà trường bỏ vị trí của mình đi tưới rau vào giờ rất cần sự có mặt của họ, dẫn tới việc phụ huynh tự ý lái xe vào sân trường gây tai nạn thương tâm như vậy. Còn đối với phụ huynh, việc đi xe vào trường khi trong sân trường có nhiều học sinh đang đi lại mà không có sự hướng dẫn của bảo vệ là hành vi thiếu văn hóa, thiếu tôn trọng quy định của nhà trường và rồi còn gây ra vụ tai nạn đau xót.

Trường học phải là nơi an toàn nhất đó chính là mong mỏi của phụ huynh, là mục tiêu của giáo dục và mục tiêu của xã hội. Việc một số trường học tranh thủ làm kinh tế bằng cách mở dịch vụ trông giữ xe ô tô qua đêm cũng từng bị chỉ trích. Tuy nhiên, hiện tại nhiều cơ sở giáo dục vẫn triển khai trông giữ xe nhưng có cách quản lý chặt chẽ, có quy định cụ thể giờ gửi xe, giờ bắt buộc xe phải di chuyển khỏi sân trường để không ảnh hưởng đến việc dạy và học, đảm bảo an toàn cho các hoạt động vui chơi của học sinh.

Câu chuyện đau lòng vừa xảy ra ở trường tiểu học THCS Bùi Thị Xuân (xã Ea Sin, huyện Krong Búk tỉnh Đăk Lăk) khiến tôi nhớ tới sự nghiêm túc ở Trường THPT Giao Thủy B, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định. Ở đó, hàng mấy chục năm nay vẫn duy trì nguyên tắc: Bất cứ ai đã vào cổng trường đều phải xuống dắt xe. Sự tôn nghiêm của ngôi trường ấy góp phần rèn luyện đạo đức cho học sinh và nhắc nhở cả các phụ huynh; và có lẽ vì vậy thành tích dạy và học của ngôi trường này luôn ở mức cao mà rất nhiều trường phải mơ ước. Học sinh không chỉ có kiến thức mà còn là những người biết kính trên nhường dưới, biết tôn sư trọng đạo và đi học, đi làm, ra cuộc sống có thói quen tuân thủ pháp luật, sống và làm việc theo pháp luật.

Không phải bỗng nhiên trong môi trường giáo dục người ta xây dựng văn hóa đồng phục, nó vừa thể hiện sự nề nếp chuẩn mực vừa làm cho những em học sinh giảm đi sự phân biệt giàu nghèo, cùng nhau học tập, vui chơi, hòa đồng, bình đẳng. Phụ huynh cũng cần tôn trọng những nguyên tắc của nhà trường, tôn trọng thầy cô và tôn trọng bạn bè của con mà bớt đi sự “chơi trội” để tránh xảy ra những vụ việc đáng tiếc, xa hơn cách ứng xử của mình chính là bài học dạy con biết trân trọng người khác, biết tuân thủ pháp luật.

Văn hóa học đường không chỉ là những quy định dành riêng cho giáo viên, học sinh, nhân viên trong trường mà những người liên quan khi đến trường cũng phải có trách nhiệm tuân thủ. Vụ tai nạn thương tâm xảy ra trong sân trường cũng đòi hỏi mỗi nhà trường cần thực hiện nghiêm túc nội quy ra vào trường học để sân trường, lớp học thật sự là chốn an toàn cho các em học tập và vui chơi, giải trí./.