Chưa có thống kê cụ thể, song thực tế cho thấy, mạng xã hội đang nhan nhản những nội dung vô bổ, nhảm nhí, thậm chí là độc hại. Và người Việt thì đang tiêu tốn quá nhiều thời gian vào những thứ mà người ta gọi là “rác mạng” đó.
Từ chuyện Phạm Thoại - mẹ Bắp lùm xùm từ thiện đến nhóm Quang Linh Vlog, Hằng Du Mục, hoa hậu Thùy Tiên quảng cáo kẹo rau củ sai sự thật, rồi những ồn ào tình ái mập mờ giữa nam streamer ViruSs với những cái tên đình đám khác... Có thể nói, drama nối tiếp drama - nói theo cách của cư dân mạng là “hóng biến mệt nghỉ”. Hóng trong nước chưa đủ, thậm chí còn hóng sang tận xứ kim chi với “nam thần” diễn viên Kim Soo Hyun... đến giờ vẫn chưa có hồi kết.
Thế mới thấy, người dùng mạng xã hội Việt Nam, đặc biệt là giới trẻ, đang tiêu tốn quá nhiều thời gian vào việc “hóng”, chủ yếu là drama của người nổi tiếng. Không ngạc nhiên sao được khi cả triệu người sẵn sàng thức khuya, đặt lịch, bỏ cả nhu cầu nghỉ ngơi cuối tuần chỉ vì một cái hẹn livestream nhảm nhí, thậm chí chấp nhận cả việc trả tiền để được tham gia tương tác.
Có người ngụy biện, phải theo xu thế (trend) để không bị tụt hậu. Nhưng thực tế là, họ đang tự lấy dây buộc mình, tự để mình rơi vào hiệu ứng đám đông. Việc tham gia bình luận, chia sẻ bất chấp kiểm chứng đúng - sai, hay cổ vũ đến mức thái quá của nhiều cư dân mạng đã không còn dừng lại ở sự vô hại, để thỏa chí tò mò, để “cho vui” trên internet nữa. Bởi đằng sau sự “hóng” đó là sự “lên đồng” của cả một cộng đồng mạng, thậm chí kéo nhau từ môi trường ảo sang hành xử nhau trên môi trường thực. Nó cho thấy những lỗ hổng rất đáng lo ngại trong văn hóa ứng xử, văn hóa mạng, nhiều trường hợp còn có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Theo Báo cáo “Cuộc sống số của người Việt Nam” vừa được Q&Me công bố hồi đầu năm, có đến 51% người trẻ trong độ tuổi 18-29 dành hơn 3 giờ mỗi ngày để sử dụng mạng xã hội. Một báo cáo khác của Viện Nghiên cứu thanh niên cũng cho thấy, hoạt động ưa thích nhất của thiếu niên những lúc rảnh rỗi là tham gia các ứng dụng như Facebook, YouTube, Tiktok... với thời lượng 2, 3 giờ/ngày. Trong đó đáng chú ý có một tỷ lệ nhỏ lên tới 10 giờ/ngày.
Trong cộng đồng những người "lên mạng" với thời gian nhiều như vậy, chắc hẳn không ít người ở trạng thái nghiện mạng xã hội, đặc biệt là người trẻ. Với thực tế thông tin xấu độc tràn lan, mà cư dân mạng, nhất là người trẻ, thiếu kiến thức, không biết tự sàng lọc, tránh thông tin nhảm, độc, thì rất dễ bị dẫn dắt theo những suy nghĩ, hành vi tiêu cực và nhiễm một thứ văn hóa độc hại, phản giá trị. Sẽ ra sao nếu những nội dung nhảm nhí này cứ tự do lôi cuốn và chi phối người dùng mạng, đặc biệt là giới trẻ?
Ở một số quốc gia trên thế giới như Trung Quốc, Hàn Quốc… quyền lực giám sát của công chúng được thể hiện mạnh mẽ. Án “phong sát” đối với những nghệ sĩ có hành vi lệch chuẩn cũng khiến các nghệ sĩ phải cẩn trọng nhiều hơn trong hành xử, đặc biệt trên không gian mạng. Đây cũng có thể coi là một sự thanh lọc chủ động từ chính những người nổi tiếng.
Còn ở Việt Nam thì sao? Chúng ta đã có Bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng, Bộ quy tắc ứng xử dành cho người hoạt động nghệ thuật, rồi Nghị định 147/2024/NĐ-CP với những quy định nghiêm ngặt đối với các hoạt động livestream trên các nền tảng mạng xã hội… Tuy nhiên, chừng đó vẫn là chưa đủ. Chúng ta cần thêm nhiều biện pháp chế tài mạnh mẽ mới mong đẩy lùi thông tin nhảm, xấu độc và làm trong sạch môi trường mạng.
Vậy nên, việc kiểm soát nội dung trên internet cần được các cơ quan quản lý nhà nước đẩy mạnh hơn nữa trên cơ sở cộng đồng trách nhiệm cùng với chính các nền tảng mạng xã hội, làm sao bảo vệ người dùng, đặc biệt là giới trẻ khỏi những ảnh hưởng tiêu cực từ các nội dung không phù hợp, xử lý nghiêm các vi phạm, không để “vàng thau lẫn lộn”.
Cùng với đó, gia đình, nhà trường và truyền thông phải tăng cường giáo dục nhận thức, trang bị kiến thức và tư duy phản biện, tạo sức đề kháng để mỗi người trẻ biết chọn lọc thông tin.
Và với những người dùng mạng xã hội, cũng đừng quên tự hỏi mình: “hóng” những điều nhảm nhí, liệu có đáng?./.