Nghe chương trình tại đây:
Trẻ lại nhờ ca hát
Ở tuổi 72, bà Trần Thu Hiền sống tại phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội vẫn miệt mài với các buổi tập văn nghệ mỗi tuần.
"Thật ra chị em trong quá trình tập luyện cũng là lúc dạy nhau, chia sẻ với nhau những kinh nghiệm về cách giữ gìn sức khỏe hoặc bài thuốc hay" - bà Hiền chia sẻ.
Từng công tác tại Ban Tuyên giáo Trung ương, sau khi nghỉ hưu, bà Hiền tiếp tục gắn bó với các hoạt động cộng đồng ngay tại nơi mình sống. Mỗi động tác di chuyển, bà cảm nhận rõ cơ thể mình được vận động, tinh thần như trẻ lại.

Ở các tổ dân phố, đội múa của những người cao tuổi không chỉ đơn thuần là phong trào, mà còn là “linh hồn” của những sự kiện như bầu tổ trưởng, hội nghị khu dân cư. "Chúng tôi luôn bận rộn tập các tiết mục mới" - bà Hiền nói.
Người trẻ nhất đội cũng ngoài 60, người lớn tuổi nhất đã hơn 80 – vậy mà không ai bỏ buổi nào, không ai muốn đứng ngoài cuộc chơi của tinh thần.
"Phụ nữ luôn luôn đi đầu trong các phong trào, chỗ nào cần là chị em có mặt. Mặc dù chị em phụ nữ ở đâu ngồi lâu thì cũng có chuyện bàn cãi, nhưng cũng chả sao cả, vì cãi nhau đấy, to tiếng đấy nhưng mà rất vui, xong lại bảo nhau tập".
Cũng lựa chọn văn nghệ để sống khỏe, bà Đào Thị Thuyết, 76 tuổi, ở quận Ba Đình, Hà Nội, đã có hơn 30 năm là quân nhân ngành y. Sau khi nghỉ hưu, bà tham gia hoạt động cộng đồng, từ Chi hội trưởng phụ nữ đến chăm sóc thiếu nhi tổ dân phố.
Bà Thuyết luôn tâm niệm chăm sóc gia đình, con cái và bản thân mình có được sức khỏe tốt thì mới tham gia công tác quần chúng, phục vụ cộng đồng.
"Người già phải vận động, phải sinh hoạt, phải để tế bào thần kinh làm việc. Nếu không, ai rồi cũng sẽ nhanh chóng bị lão hóa cả thể xác lẫn tinh thần" - bà nói.
Bà Thuyết không chỉ tham gia các câu lạc bộ sức khỏe ngoài trời, mà còn trực tiếp biên đạo những tiết mục múa cho đội phụ nữ tổ 17. Các bài múa, bài hát với bà là những "bài thuốc tinh thần", giữ cho trí nhớ sắc bén, cho thân thể dẻo dai.
Văn nghệ không phải “lãnh địa” riêng của phụ nữ. Bác Phạm Văn Phủng, 75 tuổi, ở phường Vĩnh Phúc, Ba Đình, Hà Nội, cũng chứng minh hành trình sống vui, sống khỏe sau nghỉ hưu không thể thiếu âm nhạc.
Là cựu cán bộ Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng, nghỉ hưu năm 2010, bác nhanh chóng tham gia Hội Người Cao tuổi và các câu lạc bộ dân ca, nhạc cổ truyền.
"Mình bây giờ cũng già rồi, giọng yếu hơn, không còn vang khỏe như thời trẻ. Nhiều lúc cũng nghĩ nên rút về phía sau để các cháu, các em, các bác trẻ hơn tham gia. Nhưng đôi khi, cái đam mê nó vẫn trỗi dậy, bất kể tuổi tác, lại muốn được tham gia vào các hoạt động chung" - ông Phủng tâm sự.

Không chỉ tham gia các buổi biểu diễn của tổ dân phố, bác Phủng còn tích cực sưu tầm những bài dân ca phù hợp với người cao tuổi. Với bác đó là một cách học, học để trí não chậm lão hóa.
"Nếu mình chịu khó học một bài hát, dù mất nhiều công sức, nhưng chắc chắn nó có tác dụng duy trì trí nhớ, giúp trí não đỡ xuống cấp nhanh" - bác nói.
Không cần những liệu pháp đắt tiền, không cần những toa thuốc dài dằng dặc, những buổi tập văn nghệ đơn giản – với múa dân vũ, hát dân ca, dưỡng sinh đã mang đến "liều vaccine" kỳ diệu cho người cao tuổi.
Từ nghề điện sang hát chầu văn
Ở tuổi mà nhiều người ngại thử thách, bà Bùi Thị Phượng (tỉnh Hòa Bình) lại bắt đầu một hành trình mới: học hát chầu văn – một bộ môn nghệ thuật đòi hỏi sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa hát, nhịp phách và đàn nguyệt.
“Khi nghỉ hưu, tôi thấy mình có quá nhiều thời gian trống. Tôi chọn học hát để tự làm mình vui hơn. Mỗi lần học xong, tôi ngủ ngon hơn, trí nhớ cải thiện, tay chân cũng bớt đau do được luyện tập đều”, bà Phượng chia sẻ.

Bà Phượng là dân ngành điện, máy móc, con số khô khan. Từ việc không biết nhạc lý, bà kiên trì theo học tại Trung tâm Văn hóa Hà Nội. Sau hơn 4 năm gắn bó, bà không chỉ thuộc lòng các bài hát, mà còn gõ phách, múa phụ họa và biểu diễn đều đặn.
“Tôi không có năng khiếu, chỉ có sự kiên trì. Tập mãi, tay bớt đau, trí nhớ tốt hơn và quan trọng nhất là tinh thần thấy rất thoải mái. Nhiều lần đi diễn dưới trời mưa, ướt cả người nhưng vẫn vui như trẻ nhỏ”, bà Phượng nhớ lại.
Với bà, mỗi buổi sinh hoạt tại CLB không chỉ là học hát, mà còn là dịp để gặp gỡ bạn bè, nói chuyện, chia sẻ, cười đùa. Đó chính là “liều thuốc tinh thần” quý giá nhất sau tuổi nghỉ hưu.
Không cần đến những thực phẩm chức năng đắt tiền, các cụ đã tìm thấy "bí quyết sống khỏe" từ chính sự vận động và kết nối cộng đồng. Âm nhạc, múa hát, và sự giao lưu đã giúp họ duy trì sức khỏe thể chất và tinh thần.
Các chuyên gia cũng khẳng định, để giảm lão hóa, người cao tuổi nên tập thể dục đều đặn như đi bộ, khiêu vũ, đạp xe, múa dưỡng sinh; Ăn uống lành mạnh: nhiều rau xanh, ngũ cốc nguyên hạt, ít đường muối; Tránh chất kích thích: từ bỏ rượu, thuốc lá; Ngủ đủ giấc: tối thiểu 7–8 giờ mỗi ngày; Luôn học hỏi hỏi cái mới: học hát, học múa, học sử dụng công nghệ./.