Nghe chương trình tại đây:
Càng có tuổi, người ta càng thấu hiểu và dễ bao dung hơn so với thời còn trẻ. Nhưng điều đó cũng đồng nghĩa với việc khi đã ra quyết định là đã có sự cân nhắc, suy ngẫm. Có lẽ vì vậy, một khi người cao tuổi đã quyết ly hôn thì tỷ lệ hòa giải thành công rất thấp. Vậy chúng ta hãy cùng tìm hiểu đâu là những lý do khiến hôn nhân tuổi già dễ tan vỡ.
5 lý do khiến hôn nhân tan vỡ ở người già
-Một trong những lý do lớn nhất dẫn đến "ly hôn hoa râm" là sự không chung thủy. Đây là lựa chọn của một trong hai đối tác khi phát hiện nửa kia phụ bạc mình, khiến họ không còn ý định níu kéo dù vì bất cứ lý do nào.
-Vấn đề tiền bạc: Trong cuộc khảo sát "Căng thẳng ở Mỹ" năm 2020 do Hiệp hội Tâm lý Hoa Kỳ thực hiện, 64% người trưởng thành cho biết, tiền bạc là nguồn căng thẳng đáng kể trong cuộc sống của họ. Mỗi người có một cách quản lý tiền bạc khác nhau nên dễ nảy sinh mâu thuẫn.
-Thiếu giao tiếp giữa hai người: Nghiên cứu hành vi của các cặp vợ chồng do Viện Gottman thực hiện cho thấy, có 4 phong cách giao tiếp gây ra sự kết thúc của một mối quan hệ, đó là: chỉ trích, khinh thường, phòng thủ và "ném đá". Trong mối quan hệ vợ chồng, khi một trong những lối ứng xử này xuất hiện, giữa hai người hình thành sự xa cách và tâm lý không tin cậy, dần là nguyên nhân dẫn đến chia tay.
-Tổ ấm nguội lạnh khi hai người di chuyển theo những hướng khác nhau và có những ưu tiên khác nhau, giữa họ dần không còn điểm chung nào. Đó là lúc tổ ấm- điều mà hai người cùng vun đắp trở nên trống rỗng và mất đi mọi giá trị cảm xúc. Đây có thể là khởi đầu cho việc một trong hai phía tìm một tình yêu mới, khiến hôn nhân tan vỡ.
-Những mâu thuẫn, bất đồng quan điểm tồn đọng suốt nhiều năm không được giải thích có thể giống như một đám lửa âm ỉ, một lúc nào đó sẽ bùng phát, cháy dữ dội và làm tan vỡ hôn nhân.
"Chữa lành" mối quan hệ bằng sự chân thành
Nhiều cặp vợ chồng loay hoay trong những mâu thuẫn vặt vãnh hàng ngày. Họ không biết hoặc ngại bày tỏ tình cảm, sự quan tâm, tha thứ của mình dành cho đối phương. Những thứ đó cứ tích tụ mỗi ngày rồi dần dần, họ xa nhau sau khi đã cùng nhau trải qua gần nửa cuộc đời. Nhưng thật ra, giữ lửa hôn nhân không khó như chúng ta vẫn nghĩ, chỉ cần để tâm và chăm chút nó một tí.
![Người già sống bằng hoài niệm (Ảnh: Internet)](/sites/default/files/styles/large/public/2024-07/giu-lua-hanh-phuc-tuoi-gia.jpg)
Từ khi về hưu, bà Phan Thị Lý ở Hà Nội nhận ra vấn đề sức khỏe của hai vợ chồng suy giảm. Họ đều mắc các bệnh của thời đại như: huyết áp, tiểu đường, mỡ máu… Sức khỏe suy giảm khiến tâm trạng của cả hai rơi vào lo lắng, buồn bực. Theo bà Lý, nếu để lâu sẽ phát sinh các mâu thuẫn từ nhỏ đến lớn trong gia đình. Vậy là ông bà cùng rủ nhau tập thể dục.
"Mỗi ngày tối thiểu 3km, mưa to thì nghỉ nhưng mưa nhỏ thì chúng tôi vẫn cầm ô đi" - Bà nói.
Đi bộ vừa giúp ông bà rèn luyện sức khỏe dẻo dai, cơ khớp vận động linh hoạt vừa giúp cả hai có thời gian riêng tư bên ngoài, sẻ chia những suy nghĩ, những câu chuyện trong ngày. Thói quen đó được bà duy trì nhiều năm nay. Bà Lý tiết lộ, sức khỏe cải thiện khiến chuyện giường chiếu của vợ chồng bà cũng nồng ấm hơn.
Sự mãn nguyện của hôn nhân là thứ không thể che giấu. Nó được thể hiện ở nụ cười và thần sắc gương mặt. Để làm mới mình, bà Lý đặc biệt quan tâm đến vẻ ngoài.
"Ăn mặc rất quan trọng, không nên quá lố nhưng cũng không không nên xuề xòa" - Bà không cho rằng cứ già là phải mặc đồ của người già. "Tại sao cứ phải mặc đồ được cho là của người già. Tôi thích đồ phù hợp, gọn gàng là được". Ở tuổi ngoài 70, bà vẫn thích mặc áo phông, áo sơ mi, các loại quần chất liệu thoáng mát và những đôi giày nhẹ, ôm sát vừa chân. "Tuyệt đối không mặc váy ngắn vì nó sẽ phô diễn hết điểm yếu trên cơ thể của người có tuổi, mặc váy lòe xòe đi lại không an toàn, dễ vấp ngã" - bà khuyên.
Câu chuyện của vợ chồng bà Lý khiến nhiều thính giả nhận ra rằng: tuổi già càng cần thời gian cho nhau. Đây là điều mà rất nhiều cặp đôi bỏ qua, họ bận vì chăm cháu thay con hoặc vì nhìn nhau mỗi ngày mà quên nói những lời yêu thương.
Các chuyên gia khuyên rằng, các cặp đôi nên cùng nhau duy trì những thói quen tốt như: Tập thể dục, tập yoga, đánh cầu lông, đánh cờ, chăm sóc cây cảnh, nuôi cá, trồng rau… Luôn vận động và hướng ngoại vừa giúp con người chống lại bệnh tật, vừa giúp duy trì trạng thái cảm xúc vui vẻ, tích cực trong cuộc sống. Ông Hà Văn Đức ở Khâm Thiên, Hà Nội được vợ rủ đi khiêu vũ nên đã giúp ông thay đổi nhịp sống tuổi già. "Bà xã tôi đi tập lâu rồi. Một lần bà bảo tôi đến xem. Đến thấy thích quá, toàn những người lịch sự, nói năng mềm mỏng, từ đó tôi tham gia câu lạc bộ", ông Đức kể.
Ông Đức tự nhận mình trẻ ra, bệnh khớp cũng thuyên giảm rõ rệt. Ngoài ra ông dành thời gian đọc các thông tin tích cực trên báo đài và rèn luyện cách buông bỏ những lắng lo thường ngày.
"Muốn sống hạnh phúc phải bỏ bớt chuyện của người khác, mình biết chuyện nhà mình thôi" - ông chia sẻ.
Chuyên gia tâm lý Lê Thị Tình Tuyết cho rằng, giữ lửa hôn nhân không chỉ là chuyện của hai người mà cần cả sự vun vén của con cháu. Đó chính là không gian và chất xúc tác để ông bà không quên đi những kỷ niệm cũ và những điều tốt đẹp dành cho nhau.
"Người già sống bằng hoài niệm. Ví dụ ngày kỷ niệm nào đó, tổ chức riêng cho ông bà, kỷ niệm sẽ ùa về với hai người. Hay là chuyện khuyến khích bố mẹ nắm tay nhau khi ra đường mà không phải ngại ngần cũng là một cách ông bà thể hiện tình cảm với nhau" - chuyên gia Tình Tuyết cho biết.
Đừng để hôn nhân thành nỗi “ám ảnh”. Chính loại cảm xúc tiêu cực mà bản thân mỗi chúng ta tự tạo ra mới thật sự đáng sợ. Khi đã gật đầu cùng nhau đi đến trọn đời trọn kiếp thì dù già đi, vẫn cùng nhau đi hết "hỉ -nộ- ái- ố" ở đời./.