Xấp xỉ 90 tuổi, sức khỏe suy giảm, ông Nguyễn Minh Thắng, ở quận Hà Đông, Hà Nội đi lại khó khăn. Dẫu vậy, ông Thắng vẫn có trí tuệ minh mẫn, đặc biệt là trí nhớ. Đã 70 năm trôi qua kể từ ngày được vinh dự đứng trong hàng ngũ của người lính cụ Hồ về tiếp quản thủ đô nhưng ông vẫn nhớ như in những gì được chứng kiến trong suốt hành trình từ “An toàn khu” về Hà Nội. “Chúng tôi từ Thái Nguyên hành quân về thủ đô Hà Nội để làm nhiệm vụ. Chúng tôi đi theo hướng vành đai trắng ở Vĩnh Phúc. Sau một đêm hành quân, tới sáng 20/9/1954, chúng tôi tiếp cận được bờ sông Hồng. Lúc đó đã có hàng nghìn chiếc thuyền đợi sẵn ở đó. Tất cả 3 trung đoàn, gồm: trung đoàn 88, trung đoàn 102 và trung đoàn 36 cùng khối sư đoàn bộ vượt sông để sang đất Hà Đông”, ông Thắng nhớ lại.
Ông Thắng kể khi qua sông, cứ 12 người ngồi chung 1 thuyền, mỗi bên 6 người và cùng nhau chèo thuyền vượt sông. Sang đến bên kia sông Hồng, ông và những người đồng đội tiếp tục hành quân về phía huyện Chương Mỹ, rồi sau đó đóng quân tại huyện Thường tín. Hơn 10 ngày sau, đúng 4 giờ sáng 10/10/1954, đơn vị được lệnh vào tiếp quản Thủ đô. “Chúng tôi tập trung lên đê rồi tiến về Hà Nội. Chúng tôi đi vào phía Ô Cầu Dền, phố Huế, Nguyễn Công Trứ, tiếp quản nhà thương Đồn Thủy, (nay là bệnh viện 108); tiếp quản trại lính dù, Viện Vi trùng học (nay là viện Vệ sinh dịch tễ). Khoảng 9 giờ sáng 10/10/1954, cả 4 trung đoàn đều đã vào các cửa ô để tiếp quản các cơ sở Pháp để lại. Trung đoàn 88 chúng tôi tiếp quản khu Hai Bà. Sau khi tiếp quản xong, hàng ngày chúng tôi thay nhau đi tuần tra, bảo vệ thành phố. Ngày chúng tôi đi bộ, đêm thì đi bằng ô tô, đi khắp cả 5 cửa ô”, ông Thắng nhớ lại.
Theo ông Thắng, vào tháng 10/1954, toàn thành phố Hà Nội chỉ có khoảng 7,5 triệu dân. Nếu đạp xe, chỉ hết khoảng 2 giờ đồng hồ là có thể đi hết chu vi vành đai thủ đô.
Ông Thắng vẫn nhớ rõ cảm xúc khi đó - niềm vui không thể tả xiết, bởi trước đó những người lính cụ Hồ phải chiến đấu gian khổ. Toàn thành phố, ai cũng đều chung niềm phấn khởi khiến thủ đô tưng bừng, náo nhiệt như một ngày hội lớn. “Chúng tôi bộ đội phấn khởi, tự hào vì đã giành được độc lập cho dân tộc. Khi về tiếp quản, bộ đội chúng tôi được người dân chào đón, mời bánh mời kẹo, thuốc lá, vẫy cờ hoan hô… Lúc bấy giờ, không khí của Hà Nội như ngày hội lớn”, ông Thắng kể.
Ông Nguyễn Văn Cận, ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội cũng thấy mình may mắn khi được đứng trong hàng quân về tiếp quản Thủ đô và chứng kiến thời khắc lịch sử thiêng liêng của Hà Nội cách đây 70 năm. “Khi vào tiếp quản Thủ đô, tôi mới 18 tuổi. Tôi vẫn nhớ khi đó, Hà Nội là một rừng cờ, rừng hoa. Người dân đứng 2 bên phố vẫy chào đông vui náo nhiệt. Hầu như nhà nào cũng có băng-rôn, khẩu hiệu. Chúng tôi không biết bà con chuẩn bị những thứ ấy từ khi nào!”, ông Cận nhớ lại.
Năm nay, ông Nguyễn Phạm Tích, ở quận Thanh Xuân, Hà Nội bước sang tuổi 93, chân chậm, mắt mờ. Tuy nhiên, hình ảnh về Hà Nội trong ngày 10/10./1954 chưa khi nào phai mờ trong trí nhớ. “Đơn vị của tôi thuộc về thông tin, liên lạc, lúc đó vào tiếp quản và ở trong khu vực thành cổ Hà Nội, gần chỗ cột cờ Hà Nội bây giờ. Chúng tôi có nhiệm vụ sáng kéo cờ lên, chiều hạ cờ xuống. Lính chúng tôi ít được ra ngoài nhưng những hình ảnh chúng tôi thấy được chủ yếu là cờ đỏ sao vàng rực rỡ, người dân náo nức đón chào bộ đội về tiếp quản thủ đô”, ông Tích kể.
Ông Tích cho biết, cứ mỗi dịp 10/10 hàng năm, ông thường kể về những hình ảnh của Hà Nội trong ngày giải phóng để con cháu nghe và trân trọng hòa bình mà cha ông đã giành lại từ kẻ thù. Ông mong muốn thế hệ hôm nay và mai sau sẽ phát huy truyền thống yêu nước của quân và dân ta, xây dựng thủ đô hà Nội nói riêng và đất nước nói chung ngày càng giàu mạnh.
Có lẽ không riêng gì ông ông Thắng, ông Cận hay ông Tích, những ai đi qua thời khắc quân ta về tiếp quản Thủ đô ngày 10/10/1954 đều không thể quên hình ảnh, không khí của quân và dân Hà Nội khi đó. Đó cũng là điều giúp các cụ luôn sống, phấn đấu hết mình vì sự bình yên và phát triển của Hà Nội nói riêng và Tổ quốc nói chung.
Nghe bài viết dưới đây: