Nguồn gốc làng trường thọ

Làng Trúc Lâm hiện gồm 2 tổ dân phố, số 1 và 2, thuộc phường Hương Long (thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên-Huế), cách phía tây kinh thành Huế khoảng 3km. Trong làng có 12 họ lớn với hơn 800 hộ dân cùng sinh sống sau lũy tre xanh biếc.

Theo sử sách, sau khi từ các tỉnh ở xứ Đàng Ngoài theo dòng chảy nam tiến đến xứ Thuận Hóa, người dân làng Trúc Lâm đã khai hoang, lập ấp, trồng tre, dựng làng vào đầu đời Hồng Đức, năm Canh Dần 1470, dưới triều vua Lê Thánh Tông nhà Hậu Lê, tính đến nay đã hơn 550 năm.

Các tài liệu của làng Trúc Lâm cũng ghi nhận, thuở xưa, nơi đây đất rộng người thưa, người dân đến đây khai phá đất đai, trồng tre, dựng làng, lấy tên là Trúc Lâm, nghĩa là rừng tre.

Một trưa mùa hè, tại làng Trúc Lâm có thể cảm nhận bầu không khí trong lành, mát mẻ của vùng đất thuần nông nằm ngay trong lòng thành phố.

Ông Phan Văn Nhân, Tổ trưởng tổ dân phố 1 (phường Hương Long) cho biết, trước đây hầu hết người dân làng Trúc Lâm làm nông nghiệp, sống bằng nghề đi rừng đốt than, lấy lá nón, giang, mây về bán. Trước giải phóng, cả làng không có một người nào làm nghề xây dựng.

Đặc biệt, Trúc Lâm nổi tiếng là làng trường thọ ở Huế. Hiện nay cả làng có hơn 130 người từ 80 tuổi trở lên, trong đó nhiều người còn khỏe mạnh, minh mẫn, như cụ Hoàng Thị Cháu (98 tuổi), Phan Tiều (96 tuổi), Phan Xường (92 tuổi),…

"Riêng những người từ 70 tuổi đến dưới 80 không thể kể hết được, nhiều cụ vẫn tham gia lao động sản xuất, giúp con cháu làm ruộng, vườn bình thường", ông Nhân cho biết.

Người làng Trúc Lâm ai cũng rành gia đình cụ Hoàng Thị Cháu.

Ông Nguyễn Xuân Vinh, con trai cụ Cháu cho biết, dù đã cao tuổi nhưng cụ vẫn rất minh mẫn, đặc biệt ít đau ốm.

Khi còn trẻ, để chăm lo gia đình, nuôi 6 người con ăn học, cụ Cháu phải làm việc rất vất vả, từ chăm sóc ruộng vườn đến thu mua nông sản của người dân trong làng, gánh bộ lên ga Huế nhập hàng đi Đà Nẵng và gánh ra chợ Đông Ba bán.

"Mẹ tôi có trí nhớ tốt lắm, ngày xưa buôn bán bà chẳng cần sổ sách nhưng không quên thứ gì bao giờ. Khi trong nhà có việc, giỗ, chạp, bà tính toán mọi thứ rất nhanh chóng, chính xác", ông Vinh chia sẻ.

Ông Phan Văn Nhân cho biết, trước đây từng có một nhóm người Nhật Bản đến làng Trúc tìm hiểu cách sống, cách ăn uống của người dân khi hay tin nơi đây có nhiều người cao tuổi mà vẫn khỏe mạnh. Cũng kể từ đó, biệt danh làng trường thọ Trúc Lâm được biết đến rộng rãi.

Ông Nhân cho rằng, đời sống của người dân Trúc Lâm đa số gắn bó với công việc đồng áng, chăm sóc vườn cây trái, thường xuyên lao động, sử dụng thực phẩm sạch do chính mình sản xuất…, cộng với không khí trong lành là những yếu tố giúp người dân duy trì sức khỏe, nhiều người trường thọ.

Theo ông Phan Văn Thảo, Bí thư Chi bộ tổ dân phố 1 (phường Hương Long), cũng nhờ các cụ cao niên mà những việc quan trọng của làng Trúc Lâm được ghi chép lại đầy đủ, truyền cho con cháu mai sau. Nhiều lễ cúng tế lớn trong năm của làng vẫn do người cao tuổi đứng tế hoặc chỉ dẫn.

Ngôi làng có nhiều điều độc đáo

Không chỉ được gọi là làng trường thọ, Trúc Lâm còn duy trì một nghi lễ khá đặc biệt, đó là lễ tế cô hồn. Lễ tế cô hồn của làng Trúc Lâm được tổ chức trang trọng, theo trình tự chặt chẽ.

Lễ tế bắt đầu từ mùng 7 đến rạng sáng mùng 8 tháng 3 âm lịch hàng năm, địa điểm tổ chức tại rú (rừng) Bắp, ngọn núi linh thiêng của làng. Theo trình tự xoay vòng, 12 họ lớn trong làng sẽ thay nhau đứng ra lo liệu lễ tế chính vòng tròn một lượt. Trưởng họ tộc trong năm được giao phụ trách sẽ là người thực hiện các nghi lễ chính suốt thời gian diễn ra lễ tế.

Đến ngày lễ, dân làng Trúc Lâm gánh gồng các mâm lễ vật do gia đình tự làm một cách tươm tất, không nếm thử trong khi chế biến như: bánh lọc, bánh tày, bánh tét, bánh nậm, bánh chưng, xôi chè, các loại trái cây,... các loại giấy cúng, hoa, nhang đèn, bánh khô làm sẵn cho đến các loại nông sản do con dân sản xuất lên rú Bắp. Đoàn người đi nối tiếp nhau dài cả mấy trăm mét.

Lễ tế hoàn chỉnh, dân làng Trúc Lâm xin lễ vật đã cúng về tổ chức ăn uống, mời người thân, bạn bè, hàng xóm đến dự, đông vui không khác gì ngày Tết.

Ngoài ra, Trúc Lâm còn có những địa danh mang dấu ấn lịch sử, như: miếu Ông, rú Bắp, cồn Kê, cồn Hàu, cồn Chùa, cồn Côi, cồn Tranh, cồn Xứ Mua, cồn Ô Bang.

Là một ngôi làng hình thành từ xa xưa, thuần nông nên nơi đây từng có đàn tiên nông và lễ tịch điền, có mô đất cao được gọi là mụp ông Quy, có hòn đá mọc được người dân xây miếu thờ, nền Văn chỉ (nền thánh), 9 cái giếng nằm dọc bìa làng, miếu Ngũ hành và hệ thống miếu các xóm, miếu thờ ngài khai canh, chùa Trúc Lâm,… tạo nên một ngôi làng có đầy đủ các thiết chế văn hóa, cộng đồng./.

(Theo Dantri.com)