Ở làng Bá Dương Nội, nhắc đến nghệ nhân Nguyễn Hữu Kiêm, hầu như ai cũng biết. Không chỉ là “lão làng” của thú chơi diều truyền thống tại địa phương, ông còn có công lớn trong việc đưa cánh diều và tiếng sáo diều của Việt Nam đến với bạn bè quốc tế.

Nghệ nhân Nguyễn Hữu Kiêm cho biết, cha ông rất mê diều và chơi sáo. Ngay từ nhỏ, ông thường mải mê xem cha làm diều, khoét sáo. Khi đó, ông tự tay tạo cho mình những cánh diều nhỏ xinh. Chiều đến, ông lại theo cha ra những triền đê, cánh đồng để buông diều. Cứ thế, tình yêu với cánh diều và tiếng sáo trong ông lớn dần theo năm tháng. Ở tuổi trưởng thành, làm việc trong ngành điện lực, những khi đến các tỉnh, thành công tác, ông còn tranh thủ tìm hiểu về thú chơi diều của người dân các địa phương.

Nhận thấy đây là thú chơi mang đậm bản sắc văn hóa của người Việt Nam, ông Kiêm đứng ra xin thành lập Câu lạc bộ chơi diều xã Hồng Hà vào năm 2004. Mục đích là tạo sân chơi cho những người đam mê diều ở địa phương, đồng thời thúc đẩy các hoạt động giao lưu về thú chơi này với bạn bè quốc tế. “Để gìn giữ và phát huy nét văn hóa truyền thống của quê hương, chúng tôi thành lập Câu lạc bộ (CLB) diều. Hiện CLB có 35 thành viên, người cao tuổi nhất là 90, trẻ nhất là 18. Các cụ 90 tuổi không còn chơi diều nữa nhưng các cụ tham gia để cổ vũ các bạn trẻ. Chúng tôi tổ chức các buổi giao lưu ở trong nước và nước ngoài. Bản thân tôi đi giao lưu ở 7 nước. Có những quốc gia tôi đến 2-3 lần. Tôi từng sang tận Pháp, tham dự lễ hội diều lớn nhất thế giới với khoảng 50 quốc gia tham gia”, ông Kiêm chia sẻ.

Ông Kiêm cho rằng, thú chơi diều sáo ở nước ta có từ lâu đời, tồn tại cùng với sự phát triển của nền văn minh lúa nước, tập trung ở vùng đồng bằng Trung du, Bắc bộ. Trong đó, làng Bá Dương Nội, xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng, Hà Nội được coi là “cái nôi” của thú chơi này. Tại đây, chỉ nghe tiếng sáo diều, người ta thể đoán được tính cách, tâm tư của người chơi. Theo nghệ nhân Nguyễn Hữu Kiêm, đây cũng là nét đặc sắc của cánh diều Việt Nam khi so sánh với cánh diều của các nước trên thế giới. “Qua giao lưu diều với các nước trên thế giới, tôi thấy mỗi dân tộc đều có cánh diều của riêng mình. Việt Nam có cánh diều sáo. Cánh diều mộc mạc nhưng sáo diều thì không quốc gia nào nào có”, ông Kiêm tự hào.

Với niềm đam mê và nỗ lực không ngừng, ông Kiêm đã góp phần đưa cánh diều sáo Việt Nam đến với bạn bè quốc tế. Từ các hoạt động giao lưu, ông còn nhận ra tiềm năng phát triển kinh tế từ chú chơi diều sáo, đồng thời kiến nghị với chính quyền có chương trình phát triển thú chơi này trong kế hoạch phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương . “Tôi đến các nước, như Thái Lan chẳng hạn, họ đưa thú chơi diều vào trong các hoạt động du lịch rồi. Họ tổ chức các sự kiện với quy mô lớn và hiện đại, thu hút rất nhiều du khách”, ông Kiêm chia sẻ.

Trước đề nghị của ông Kiêm, ông Nguyễn Văn Hà, Chủ tịch UBND xã Hồng Hà cho rằng đây là lời góp ý rất đáng ghi nhận. Bởi ông Kiêm không chỉ am hiểu về cánh diều, tiếng sáo của địa phương mà còn nghiên cứu về công tác bảo tồn và phát huy thú chơi diều của một số nước. Ông Hà cho biết, chính quyền xã Hồng Hà đã đưa thú chơi diều sáo vào các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương. “Thực hiện công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của địa phương, chúng tôi đã quy hoạch một khu đất rộng để làm trung tâm văn hóa, nơi vui chơi giải trí cho nhân dân trong và ngoài xã"- ông Hà cho biết.

Với những đóng góp trong việc bảo tồn thú chơi diều sáo, năm 2005, ông Kiêm được Trung ương Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian. Năm 2015, ông được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú. Tiếp đó, năm 2022, ông lại vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân vì "Đã có nhiều cống hiến xuất sắc trong gìn giữ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc ".

Ông Kiêm tâm sự, với niềm đam mê và trách nhiệm, ông sẽ không ngừng nỗ lực đưa diều sáo Việt Nam bay cao, vươn xa ngang tầm với những di sản văn hóa phi vật thể của thế giới.

Nghe bài viết dưới đây: