Bia hơi là đặc sản Hà Nội từ thời… bao cấp, và cái thú uống bia đã “nằm sâu” trong tâm trí nhiều người cao tuổi.
Cầm trong tay phiếu, chờ xếp hàng để mua bia hơi, ông Trần Nhung ở phố Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm Hà Nội vui ra mặt. Ông bảo, thói quen xếp hàng mua bia hơi này đã được duy trì 30 năm rồi, từ hồi còn đi làm, đến lúc về hưu, ông vẫn duy trì thói quen này bởi nó giúp ông “sống lại” thời trẻ, giúp ông “cảm nhận” việc giao tiếp xã hội
“30 năm nay tôi uống ở đây rồi…có phút thư giãn, ngồi cũng các hội viên thể thao, tâm tình, có tình người… cứ 2h chiều tôi ra đây, chơi thể thao, bơi lội, chơi cờ và uống bia rồi tâm sự”.
Giống như ông Nhung, có rất nhiều cụ ông, cụ bà cũng tìm ra cửa hàng bia hơi để gặp gỡ, trò chuyện, ôn lại những câu chuyện đã qua. Nhu cầu uống bia của họ không nhiều, cụ ông chỉ tầm 1-2 cốc, 2-3 cụ bà thì chia nhau 1 cốc, nhưng quan trọng là được gặp nhau, được giao lưu và trò chuyện. Ông Phùng Văn Tê, ở phố Quốc Tử Giám cứ đến chiều là lên CLB, và sau khi chơi thể thao, ông lại ra ngồi tán chuyện cùng với những “đồng đội” bên cốc bia hơi. Ông Tê cho biết, từ hồi 40 tuổi, nay 77 tuổi, ngày nào ông cũng đều ra quán bia hơi đều đặn.
“… mùa hè, trời nóng thì uống đã lắm, mùa đông hanh hanh uống cũng đã…uống nhiều vui chuyện chứ không nghiện”, ông Tê chia sẻ.
Nhiều cụ còn cho rằng, ra hàng bia hơi cũng để bản thân sống lại "thời trai trẻ”, sống lại cảm xúc tự vận động, lấy cốc, lấy ghế… tự phục vụ cho thoải mái… các cụ ngồi uống bia có thể trò chuyện, có thể lấy điện thoại xem tin tức, mà vẫn vui…
Các cửa hàng bia hơi mà các cụ “chọn” đều có “tuổi đời” khá lâu, nhiều hàng bia xuất hiện từ thời bao cấp, vì vậy chọn quán bia cũ, gặp bạn xưa, ôn chuyện dĩ vãng đã trở thành thói quen của nhiều cụ.
“Quán bia này có từ thời bao cấp… mua phải xếp hàng bằng đồng xu, nó chạy từ phía này qua phía kia, đến ai người đó lấy… uống thế này cũng là dịp nhớ lại thời kỳ đó", bà Bích Thủy, ở Cầu Giấy kể.
Có những câu chuyện không thể sẻ chia cùng con cháu, các cụ sẽ đem ra bàn bia để tâm sự. Mỗi người một câu, mỗi người một ý, đóng góp vào khiến không khí buổi chiều tại quán bia rôm rả hẳn lên.
Trong xã hội hiện đại ngày nay, nhu cầu giao tiếp xã hội đang ngày càng trở nên quan trọng với người cao tuổi. Người cao tuổi sau khi về hưu thường sẽ không giao tiếp với nhiều người, vì vậy các cụ thường cảm thấy hụt hẫng, buồn chán không biết phải làm gì. Hậu quả của việc này chính là mắc một số bệnh như suy giảm trí nhớ, gặp các vấn đề về tâm thần. Các cụ tâm sự rằng ra quán bia không phải để nhậu nhẹt, say sưa, mà ra đây để tìm những tâm hồn đồng điệu, chia sẻ những thú vui, sống lại ngày tháng cũ. Đó cũng là một niềm vui không dễ kiếm khi tuổi đã về chiều.