Trong mỗi trái tim người Việt, tình yêu quê hương, đất nước và con người luôn là đề tài cảm hứng cho rất nhiều thi nhân. Đây cũng là chủ đề và nguồn cảm hứng chưa bao giờ cạn đối với mỗi người yêu thơ không kể tuổi tác, chuyên hay không chuyên. Mỗi bài thơ đều ẩn chứa những tình cảm dạt dào về con người và cảnh sắc ở nhiều vùng miền khác nhau trên khắp đất nước Việt Nam. Với những người cao tuổi, thơ là cách để bày tỏ cảm xúc, là nguồn động viên tinh thân để bản thân sống vui khỏe. Không những thế, mỗi khi gặp nhau còn là dịp để các cụ yêu thơ trao đổi thông tin và giao lưu với nhau.
Với những người cao tuổi, tình yêu và nỗi niềm đều được gửi gắm qua những vần thơ. Sáng tác thơ, đọc thơ, nghe thơ đã trở thành thú vui không thể thiếu của người cao tuổi yêu thơ như bà Thái Thị Thành, phường Định Công, Hoàng Mai, Hà Nội. Yêu thơ từ khi còn trẻ và qua năm tháng, tình yêu ấy được nuôi dưỡng, vun đắp cho đến nay, giọng ngâm thơ của bà Thái Thị Thành luôn được mọi người trầm trồ, thán phục. Không chỉ ngâm những bài thơ đầy cảm xúc của những người bạn già mà bà Thành còn sáng tác rất nhiều bài thơ về gia đình, về cuộc sống. Bà Thành cho biết, bà gửi gắm bao tâm tình qua những bài thơ về tình yêu gia đình, quê hương.
Không giống như bà Thành, bà Trần Thị Thu Nga ở Cầu Giấy, Hà Nội lại chỉ bắt đầu làm thơ từ khi về nghỉ hưu. Bà Nga sáng tác rất nhiều bài thơ, rất nhiều thể loại, nhiều nhất là những bài thơ viết về cảnh đẹp đất nước, về non xanh nước biếc và con người hữu tình. Bà Nga viết rất nhiều về đất nước, về con người đã gặp. “Thơ từ cảm xúc thật đi ra, không cần chau chuốt ngôn từ, tạo ra sự đồng cảm giữa người già với người già”, bà Nga chia sẻ.
Cũng viết về quê hương, đất nước nhưng cảnh đẹp ở các vùng miền được ông Nguyễn Văn Thành ở Thanh Xuân, Hà Nội đưa vào trong thơ đẹp như những bức tranh. Ông Thành cho biết, tình yêu với thơ đã tạo động lực cho ông đi khắp mọi miền Tổ quốc, để nhìn ngắm và thu vào trong thơ và ngược lại, qua những cảnh đẹp đó lại khiến ông và những người bạn thơ đồng hành thêm yêu đất nước con người, thêm yêu thơ hơn. Việc giao lưu về thơ và cùng các bạn thơ đi du lịch khắp nơi đã giúp ông cảm nhận về vẻ đẹp của đất nước sâu sắc hơn và ngày càng nhiều cảnh sắc tươi đẹp được ông gửi gắm trong những vần thơ.
Người cao tuổi tìm đến thơ để gửi gắm tiếng lòng và cũng là để động viên bản thân sống vui sống khỏe. Đó không chỉ là những rung cảm trước cảnh đẹp của quê hương mà còn là những vần thơ mang ánh thép, đầy hơi thở của thời cuộc. Với những người cao tuổi như bà Nguyễn Thị Thu, thơ đóng vai trò rất lớn trong cuộc sống. Những vần thơ mang bao tâm tình, cả niềm vui lẫn nỗi buồn của những người cao tuổi như bà vì thơ giúp bà rất nhiều, giúp cho tinh thần bà luôn thoải mái, đầu óc minh mẫn hơn. “Thơ giúp tôi phấn chấn rất nhiều, sống lạc quan, yêu đời”, bà Thu cho biết.
Qua những vần thơ của người cao tuổi có thể thấy được cả sự đổi thay của đất nước qua từng giai đoạn. Những buổi giao lưu của những người cao tuổi yêu thơ đã giúp họ có thêm động lực để vượt qua khó khăn trong cuộc sống. Có thể nói, thơ chính là món ăn tinh thần của nhiều người cao tuổi, với những tâm tình tuổi già. Đôi khi là sự hồi tưởng về quá khứ, cũng có khi thơ chỉ là nơi để giải tỏa những căng thẳng, những nỗi niềm khó nói của chính họ như chia sẻ của ông Nguyễn Văn Quang, ở Ba Đình, Hà Nội. Đối với người cao tuổi, thơ ca chính là nguồn cổ vũ động viên tinh thần những người cao tuổi yêu thơ như ông.
Thơ của người cao tuổi mộc mạc như chính bản thân họ.Người cao tuổi đến với thơ rất tự nhiên, tuy rằng có những bài thơ rất đơn sơ, hồi tưởng lại những ký ức xưa nhưng hơn hết đó là tâm tình, là cách giúp người cao tuổi sống vui khỏe cả thể chất và tinh thần./.