Chuyện là trên đường đến cơ quan, tôi thường gặp một cụ già đã trạc ngoài 70 tuổi dạo bước, lúc thì trên vỉa hè đường Phan Chu Trinh, khi ở đường Hoàng Diệu. Điều đáng chú ý ở cụ là lần nào gặp, tôi cũng thấy cụ vận bộ đồ đại cán của quân đội, ngực cài Huân chương lấp lánh; hông khoác chiếc ra-đi-ô hiệu Nationnal có vỏ bằng da nâu; vai kia khoác chiếc ca - táp nâu, trên tay lại còn kèm theo chiếc cặp “cán bộ” màu đen... Rõ ràng, nhìn cụ, người ít hiểu nhất cũng đoán được cụ là người đã tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, và đã từng phục vụ trong quân đội. Một lần, tình cờ gặp cụ trên đường Trần Cao Vân, tôi chủ động chào cụ, và cũng là để tìm hiểu xem cụ ở đâu. Cụ hỏi lại tôi: - Mày cũng biết tao hả? Tôi bảo: - Cháu biết trước đây ông làm ở Sở Văn hóa- Thông tin! Cụ già “xì” một tiếng: - Mày biết tao làm bảo vệ thì nói làm gì! Rồi cụ đi thẳng. Tôi hơi bị bất ngờ và ngạc nhiên. Tuy nhiên, sau đấy tôi đoán ra rằng cụ bực vì tôi chỉ biết cụ dưới vai trò một người làm bảo vệ công sở hôm nay, chứ không phải là một người lính, một chỉ huy oai hùng của một thời trận mạc...

Một cụ già khác tôi cũng thường gặp trong... quán cơm bình dân. Tôi thấy cụ ngồi ở một chiếc bàn nơi góc quán, nhẩn nha xúc từng thìa cơm, nhai một cách chậm rãi. Nhiều bữa sau, thấy cụ vẫn đi ăn cơm ở đấy, tôi bê đĩa cơm của mình đến bên cạnh, làm quen, thì được cụ dãi bày: cụ có 3 người con, một cô lớn thì đã đi lấy chồng; cậu hai đang học đại học ở Sài gòn, còn cậu út đang học lớp 10. Cụ bà cũng còn khỏe, ngày ngày vẫn làm vườn và nuôi heo. Tuy nhiên, các cụ... “không gần” nhau được, do tính tình không hợp.

Về già, cơ thể con người ta có nhiều chuyển đổi về tâm, sinh lý: các bộ phận cơ thể bị lão hóa; hoạt động, đi lại chậm chạp, và đặc biệt là tư duy, xét đoán thường thiên về chủ nghĩa kinh nghiệm. Trong khi đó, cuộc sống ngày nay lại biến đổi từng ngày, tốt, xấu, tiêu cực, tích cực đan xen.... đã tác động đến nhiều thành phần trong xã hội - trong đó có người già. Trong cơ chế thị trường, con cháu lo làm ăn, lo chuyện sinh nhai, ít có điều kiện quan tâm, chăm sóc bố mẹ già. Bởi vậy, tuổi già thường có tâm trạng cô đơn; nhiều cụ tủi thân vì nghĩ rằng con cháu đã bỏ rơi mình, không quan tâm đến mình như ngày xưa mình đã quan tâm, chăm sóc chúng.

Tuổi già thường sống với hoài niệm, sống bằng hoài niệm. Họ hít thở bầu không khí thực tại, nhưng trong tâm tưởng, trong suy nghĩ, trong cảm xúc của họ luôn hướng về quá khứ đã qua, về thời mình đã sống. Họ thường lấy cái hôm qua, vấn đề của hôm qua để so sánh với ngày hôm nay; lấy cái quá khứ mà họ đã trải để soi vào này hôm nay... để từ đó đề ra những yêu cầu, nguyên tắc sống cho mình, và cho... mọi người. Có lẽ bởi vì thế mà ta thường cho các cụ là khó tính, là không dễ chiều; thậm chí, một số người còn cho các cụ là bảo thủ, là lạc hậu v.v.

Người già là vốn quý của xã hội, bởi chính họ đã từng trải cuộc đời, có cả một kho kinh nghiệm trong những năm tháng đã sống, đã cống hiến cho xã hội. Chính họ đã góp phần nuôi dạy những thế hệ cháu con. Về già, các cụ có quyền được hưởng sự chăm sóc của toàn xã hội. Đảng và Nhà nước ta đã có những chính sách đãi ngộ thỏa đáng đối với người già, như chế độ hưu trí, chế độ, chính sách đối với người có công v.v... Tuy nhiên, ngoài sự ưu đãi về vật chất, còn một điều vô cùng quan trọng là sự chăm lo về tinh thần cho các cụ. Điều đáng mừng là nhờ kinh tê phát triển, nhiều địa phương đã có những “ sân chơi” dành cho tuổi già như: thành lập câu lạc bộ hưu trí, câu lạc bộ dưỡng sinh, câu lạc bộ thơ tuổi già v.v... giúp các cụ được tham gia vào những hoạt động bổ ích, có lợi cho tuổi già.

Tuy nhiên, điều đáng buồn là vẫn còn không ít trường hợp con cái hắt hủi bố mẹ, coi bố mẹ là gánh nặng, là người nhiễu sự; đã không giúp được việc gì mà còn lắm điều. Vì vậy, mới có chuyện: con cái phân công nhau cõng mẹ già về nuôi trong nhà một tháng; hết tháng lại cõng mẹ sang nhà anh (hoặc em) để... trả!

Chúng ta, ai rồi sẽ cũng sẽ bước về tuổi xế chiều. Tuổi già hôm nay chính là ngày mai của chúng ta! Đạo lý Việt Nam là kính già, mến trẻ. Hãy hiểu và thông cảm với nỗi niềm của người già để có những đối xử vẹn tình, trọn nghĩa, đúng đạo làm người. Ông bà ta có câu: “Yêu trẻ, trẻ đến nhà; kính già, già để tuổi cho”. Mong sao không còn cảnh người già phải sống trong nỗi cô đơn sau khi đã vắt kiệt sức mình cho con cháu!

Nguồn: Đinh Trường An đăng trên Báo Đắc Lắc online