Nghị quyết 57 - NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia (gọi tắt là Nghị quyết 57), với những chính sách cụ thể gắn thực tiễn nhằm giúp các viện nghiên cứu, các cơ sở giáo dục đại học và các nhà khoa học có điều kiện phát huy tối đa khả năng nghiên cứu khoa học, khả năng sáng tạo để tạo ra những sản phẩm khoa học mang tính đột phá góp phần thúc đẩy sự phát triển của khoa học công nghệ đưa Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới.

Nghị quyết 57 không chỉ có tác động mạnh mẽ đến các cơ sở giáo dục đại học công lập mà có ảnh hưởng lớn tích cực đến hệ thống giáo dục ĐH dân lập, PGS.TS Nguyễn Phú Khánh – Phó HT Đại học Phenikaa khẳng định.

"Chúng tôi nghĩ rằng vai trò của trường ĐH là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng được sự phát triển kinh tế xã hội. Nghị quyết 57 đưa ra vấn đề quan trọng đó là sự đột phá trong công nghệ."

Hiện thực hóa Nghị quyết 57, ĐH Phenikaa đã mở 1 số chương trình đào tạo phù hợp với định hướng phát triển trong lĩnh vực KHCN đặc biệt, trong những ngành như: hệ thống điện tử thông minh, tăng cường chất lượng đào tạo STEM, tự động hóa... Bên cạnh đó trường luôn cập nhật kiến thức mới, tiên tiến cho lĩnh vực đào tạo khoa học mũi nhọn: Công nghiệp tự động hóa, cơ điện tử, trí tuệ nhân tạo.

PGS, TS Nguyễn Phú Khánh khẳng định: Nghị quyết 57 có nhiều vấn đề hay nhưng hay nhất là việc đề cập đến việc chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học. ĐH Phenikaa là trường có số lượng đề tài nghiên cứu khoa học được nhà nước đầu tư lớn nhưng quá trình triển khai cũng có những rủi ro. Nghị quyết 57 đưa ra chính sách Chính phủ chấp nhận sự rủi ro trong nghiên cứu khoa học là hiểu rất rõ thực trạng quá trình nghiên cứu của nhà khoa học.

"Chúng ta biết rằng không phải nghiên cứu nào cũng thành công, khi nhà nước đưa ra cơ chế chấp nhận rủi ro thì ĐH Phenikaa, các nhà khoa học cảm thấy như được truyền cảm hứng, sẵn sàng dấn thân hơn để tìm hiểu những ngành mũi nhọn, ngành khó".

Điểm thứ 2, Nghị quyết 57 đang tạo ra tâm lý phấn khởi không chỉ cho các nhà khoa học, mà ngay cả đối tượng các em sinh viên cũng có thêm chất xúc tác để tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học, đi theo lĩnh vực khoa học công nghệ.

Nghị quyết 57 tạo ra động lực cho các trường tư thục

PGS, TS Nguyễn Phú Khánh chia sẻ: Với những cơ sở giáo dục ĐH tư thục trước đây "tự thân vận động ", giờ có chính sách hỗ trợ từ nhà nước, hỗ trợ kinh phí, tạo cơ chế sẽ thúc đẩy mạnh hoạt động đổi mới sáng tạo. Không chỉ các thầy cô giáo, giảng viên, các nhà khoa học mà các em sinh viên cũng có thể dấn thân, có thể dám chấp nhận rủi ro, dấn thân trải nghiệm và đồng hành cùng các thầy cô giáo, các nhà khoa học tạo nên những sản phẩm mang tính đột phá.

Bên cạnh Nghị quyết 57, Chính phủ còn đưa ra Nghị quyết 68 liên quan đến lĩnh vực kinh tế tư nhân. Các trường ĐH muốn phát triển mảng đổi mới sáng tạo, nghiên cứu khoa học thì cần liên kết đào tạo, Nghị quyết 57, Nghị quyết 68 sẽ hỗ trợ cơ chế chính sách và thu hút được sự đầu tư từ các doanh nghiệp tư nhân hợp tác với các trường ĐH để nghiên cứu, chế tạo ra những sản phẩm mang tính mũi nhọn và đột phá nhiều hơn, đáp ứng được xu hướng phát triển của Việt Nam hiện nay.

Muốn thực hiện được các hoạt động nghiên cứu khoa học giá trị và nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực việc thu hút các nhà khoa học giỏi là điều vô cùng quan trọng. tại trường ĐH Phenikaa chính sách thu hút, sử dụng nhân tài đặc biệt được coi trọng.

PGS, TS Nguyễn Phú Khánh cho rằng: Các nhà khoa học giỏi luôn mong muốn được phát triển, được tạo điều kiện tốt nhất để nghiên cứu khoa học. Chính vì vậy cần tạo ra môi trường học thuật, tạo ra hệ sinh thái học thuật lành mạnh cho họ sáng tạo và phát triển. Nhà khoa học không thể nghiên cứu một mình cho nên dù có chính sách ưu đãi, có mức lương bổng cao nhưng nếu không tạo môi trường tốt nhà khoa học cũng không phát huy được.

Việc tạo môi trường thuận lợi cho các nhà khoa học, cùng với cơ chế, chính sách như Nghị quyết 57, Nghị quyết 68 của nhà nước, bản thân các tập đoàn, các cơ sở giáo dục Đại học phải có ngân sách hỗ trợ cho các nhà khoa học thực hiện các nghiên cứu. Tại ĐH Phenikaa, có nhiều chính sách thu hút các nhà khoa học trẻ: ở cấp trường kinh phí không giới hạn mà phụ thuộc vào năng lực, phụ thuộc vào đề tài của các nhà khoa học triển khai. Khi mới về trường, các nhà khoa học chưa thể tiếp cận được những đề tài lớn để nghiên cứu, vì vậy những đề tài nhỏ hơn với sự hậu thuẫn của trường sẽ giúp các nhà khoa học trẻ yên tâm có nguồn kinh phí để tiếp tục phát triển nghiên cứu của mình và từ đó nâng tầm nghiên cứu lên theo các đề tài lớn.

Theo PGS, TS Nguyễn Phú Khánh: Nhà khoa học rất cần "đồng đội", mạng lưới, hệ sinh thái. Vì vậy cần tạo nhóm nghiên cứu để cho các nhà KH đóng góp trí tuệ cùng tháo gỡ khó khăn. Cần tạo nhóm nghiên cứu mạnh, nhóm nghiên cứu tiềm năng từ 3 đến 5 nhà khoa học hoặc nhiều hơn để cùng với các nhà khoa học khác nghiên cứu, đồng thời có chính sách hỗ trợ học phí, học bổng dành cho các bạn nghiên cứu sinh, học sau tiến sĩ. Với sự tham gia của nhóm nghiên cứu gồm các nhà khoa học uy tín, sự đam mê hỗ trợ của các bạn sinh viên cao học, nghiên cứu sinh chắc chắn chúng ta có đội ngũ nhân sự nghiên cứu.

Cuối cùng vấn đề rất quan trọng là cơ sở vật chất và kinh phí. Ngoài kinh phí nghiên cứu của các trường còn có quỹ đổi mới sáng tạo để hỗ trợ cho các nghiên cứu của các thầy cô các nhà khoa học đồng thời hỗ trợ cho các nhà khoa học nộp công trình nghiên cứu của mình vào các dự án nghiên cứu của nhà nước. ĐH Phenikaa luôn tạo cơ sở vật chất tốt nhất có thể để các nhà khoa học có phương tiện, phòng thí nghiệm, đo đạc, hỗ trợ cho NCKH đồng thời có cơ chế lương bổng, chính sách, cơ chế hỗ trợ đề tài, tạo nguồn kinh phí, tuyển cộng tác viên, ứng viên cao học, nghiên cứu sinh cho các nhà khoa học yên tâm nghiên cứu và có cơ chế hỗ trợ phòng thí nghiệm các cơ sở thí nghiệm thực hành cho các nhà khoa học. Đó chính là lý do, ĐH Phenikaa thu hút và giữ chân được nhiều nhà khoa học trẻ và có năng lực thực sự, PGS, TS Nguyễn Phú Khánh chia sẻ./.