Hôm nay (26/4), Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Bảo trợ người khuyết tật (NKT) và trẻ mồ côi Việt Nam lần thứ VI (nhiệm kỳ 2022 - 2027), Lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Hội và Chương trình “Một trái tim - Một thế giới” lần thứ XVII chính thức khai mạc tại Hà Nội. Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng đối với công tác hội ở trung ương và 45 tổ chức thành viên.

Đại hội có nhiệm vụ tổng kết 5 năm hoạt động nhiệm kỳ V (2017-2022), nhìn nhận những kết quả đạt được, chưa đạt được, rút ra bài học kinh nghiệm, đồng thời đề ra phương hướng hoạt động nhiệm kỳ VI (2022 - 2027). Tham dự Đại hội có 350 đại biểu chính thức được lựa chọn từ 47 tỉnh, thành, những cá nhân tiêu biểu. Trong đó, có 182 đại biểu là nữ, 26 đại biểu người dân tộc, 24 đại biểu tôn giáo. Đặc biệt, có nhiều đại biểu là người khuyết tật hoặc trưởng thành từ trẻ mồ côi nay là cán bộ hội, doanh nghiệp hoặc những nhân tố tích cực trong hoạt động trợ giúp người khuyết tật, trẻ mồ côi.

Ngày 25/4/1992, Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam được Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) cho phép thành lập và từ đó Ngày 25/4/1992 trở thành ngày truyền thống của Hội. Trải qua 30 năm hoạt động, xây dựng và phát triển, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tạo điều kiện của các đồng chí lãnh đạo Đảng, nhà nước; sự hưởng ứng, ủng hộ, đồng hành của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân các mạnh thường quân, các nhà hảo tâm trong và ngoài nước, Hội bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt nam đã không ngừng lớn mạnh và trưởng thành về mọi mặt.

Từ chỗ những ngày đầu mới chỉ có cơ quan Hội ở Trung ương và hơn một chục Hội thành viên cấp tỉnh được thành lập với tổng số khoảng 5.000 Hội viên, đến nay Hội đã có 45 Hội cấp tỉnh, 292 hội cấp huyện, 2006 hội cấp xã, 1.565 chi hội và 5.938 hội viên tập thể, 566.335 hội viên cá nhân, tạo thành mạng lưới tương đối rộng rãi ở các địa phương, cơ sở. Hoạt động Hội ngày càng đa dạng, thiết thực và hiệu quả, trong đó hoạt động vận động nguồn lực cộng đồng để trợ giúp đối tượng là hoạt động chủ yếu.

Kết quả vận động tăng dần hàng năm, từ chỗ bình quân mỗi năm chỉ vận động được trên dưới 200 tỷ giai đoạn đầu, đến nay bình quân mỗi năm Hội vận động được từ 500 đến 600 tỷ đồng bao gồm cả tiền và hiện vật quy thành tiền. Nguồn lực đó đã trợ giúp cho hàng chục triệu lượt người khuyết tật, trẻ mồ côi, người nghèo trong cả nước cải thiện điều kiện chăm sóc sức khỏe, nhà ở, đi lại, học hành, học nghề, việc làm, sinh kế…

Tham dự Đại hội, Thượng tọa Thích Thiện Quý, trụ trì chùa Tâm Thành - Đồng Tháp đánh giá cao vai trò của Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam trong 30 năm qua: Tham gia tích cực vào công tác tuyên truyền, phổ biến luật pháp, chính sách về người khuyết tật, về trẻ em cũng như các chủ trương chính sách của đảng, Nhà nước đến cộng đồng; tham gia có trách nhiệm vào quá trình hoạch định và xây dựng chính sách; làm tốt vai trò đại diện tiếng nói của NKT, của trẻ em, góp phần xây dựng một xã hội không rào cản; chăm lo cải thiện đời sống tinh thần, khuyến khích người khuyết tật, trẻ mồ côi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tự tin, tự lực vươn lên, khắc phục khó khăn, hòa nhập cộng đồng.

Có thể nói trong 30 năm hoạt động, Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam đã không ngừng nghiên cứu, sáng tạo, đổi mới hoạt động để ngày càng thực hiện tốt hơn vai trò của một tổ chức xã hội từ thiện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khuyết tật và trẻ mồ côi. Bằng những chương trình, hoạt động cụ thể, hiệu quả, hướng tới sự bền vững, Hội đã thu hút nguồn lực, tiềm năng của xã hội, cộng đồng, nhiều cán bộ cấp cao của Đảng và Nhà nước ở Trung ương và địa phương, tham gia lãnh đạo, hoạt động Hội, góp phần giúp người khuyết tật, trẻ mồ côi và người khó khăn trong cả nước cải thiện cuộc sống, tạo điều kiện để họ phát huy khả năng, tham gia các hoạt động xã hội, thực sự hòa nhập cộng đồng. Dấu ấn ghi nhận sự trưởng thành, lớn mạnh của Hội không gì thuyết phục hơn là con số trị giá vận động được để tổ chức trợ giúp người khuyết tật, trẻ mồ côi, người khó khăn khác được hưởng lợi thông qua các chương trình, dự án trợ giúp Hội thực hiện tăng mạnh theo từng năm.

Một trong những nhiệm vụ của Hội là “vận động sự ủng hộ bằng tiền và hiện vật của các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước theo quy định của pháp luật để tổ chức các hoạt động trợ giúp người khuyết tật và trẻ mồ côi cải thiện đời sống vật chất và tinh thần”. Xác định công tác vận động nguồn lực xã hội là yếu tố quyết định đối với sự tồn tại, phát triển của Hội; Trung ương Hội và các tổ chức thành viên đã luôn đặt sự quan tâm thường xuyên, hàng đầu cho công tác này. Bằng việc đa dạng hóa các hoạt động tuyên truyền, bảo trợ, đẩy mạnh phát triển tổ chức, hợp tác quốc tế, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, viên chức của Hội từ TW đến cơ sở… Hội đã không ngừng mở rộng quan hệ, tìm kiếm và thu hút nguồn tài trợ, làm cho hoạt động trợ giúp đối tượng của Hội tăng lên theo từng năm, đặc biệt tăng mạnh trong những năm gần đây.

Trong 30 năm qua, Trung ương Hội và các tổ chức thành viên đã trực tiếp vận động ủng hộ được tổng số tiền và hiện vật quy ra tiền là hơn 5.385 tỷ đồng. Ngân sách nhà nước hỗ trợ 458 tỷ đồng (chiếm khoảng 9% so với tổng quỹ hội vận động được) để thực hiện nhiệm vụ chi thường xuyên và thực hiện nhiệm vụ nhà nước giao.

Bà Nguyễn Thị Kim Loan, thành viên Ban vận động Quỹ Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam cho biết, từ nguồn lực quý giá đó, Hội triển khai các hoạt động nhằm giải quyết những nhu cầu bức thiết nhất của NKT, TMC trên cơ sở bám sát các chương trình, đề án của Chính phủ, nhiệm vụ Nhà nước và kế hoạch, chỉ tiêu của Hội. Hội đã thực hiện các hoạt động, trợ giúp cho trên 25,8 triệu lượt đối tượng được hưởng lợi.

Với những kết quả đạt được trong 30 năm qua, Hội đã được Đảng, nhà nước khen thưởng với nhiều phần thưởng cao quý: 01 Huân chương Lao động Hạng Nhất, 02 Huân chương Lao động hạng Nhì, 01 Huân chương Lao động Hạng Ba và nhiều Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, của Bộ trưởng các Bộ. Hội là địa chỉ tin cậy, nơi gửi gắm tấm lòng, tình cảm và sự sẻ chia của các nhà tài trợ, các mạnh thường quân đối với người khuyết tật, trẻ mồ côi, người nghèo; là chỗ dựa tinh thần, là mái ấm thân thương của người khuyết tật, trẻ mồ côi trong cả nước./.