Tại hội nghị trực tuyến Tổng kết công tác năm 2021, triển khai nhiệm vụ lao động, người có công và xã hội năm 2022, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết: Trong năm 2021, đại dịch Covid-19, đặc biệt là đợt bùng phát lần thứ 4 đã ảnh hưởng lớn đến vấn đề lao động, việc làm, an sinh xã hội của người dân. Ước tính số người bị mất việc làm chiếm khoảng 5% và 32% số người phải tạm nghỉ hoặc tạm ngừng sản xuất, kinh doanh; gần 50% người bị cắt giảm giờ làm hoặc buộc phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên. Đây là một mức giảm đáng kể, làm suy yếu sức mua của thị trường và ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống người lao động.

Công tác đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài cũng bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 do nhiều quốc gia đóng cửa, thực hiện giãn cách xã hội và không tiếp nhận lao động. Ước thực hiện cả năm đưa khoảng 45 nghìn lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Trong bối cảnh đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành liên quan trình Chính phủ ban hành các chính sách hỗ trợ nhằm đảm bảo an sinh xã hội, trong đó có những chính sách chưa có tiền lệ như Nghị quyết 68, Nghị quyết 116. Đây là các quyết sách quan trọng, kịp thời bổ sung và gia tăng năng lực hoạt động cho hệ thống an sinh xã hội ứng phó hiệu quả hơn trong đại dịch.

Chỉ trong thời gian vài tháng, với điều kiện rất khó khăn, Nghị quyết 68 và Nghị quyết 116 đã đem lại hiệu quả rất thiết thực. Trung ương và các địa phương đã dành tổng kinh phí 71.482 tỷ đồng thực hiện các chính sách hỗ trợ gần 742 nghìn lượt người sử dụng lao động và trên 42,8 triệu lượt người lao động và các đối tượng khác.

Ngoài ra, Chính phủ còn xuất cấp gạo cứu đói cho người dân, huy động nguồn lực xã hội hóa của tổ chức cá nhân cùng hàng triệu “túi an sinh” để hỗ trợ người dân trong đại dịch. Trong năm 2021, các chính sách, pháp luật về người có công, lĩnh vực lao động và xã hội ngày càng hoàn thiện. Bảo vệ tốt hơn về quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động, người già, trẻ em, người có công với cách mạng.

Có thể nói các chính sách đã triển khai với nguồn lực tuy chưa thật lớn, song đã đáp ứng kịp thời các yêu cầu cấp bách của nhiệm vụ an sinh xã hội, hỗ trợ nền kinh tế, đặc biệt là các trung tâm, các địa bàn tăng trưởng trọng điểm vượt qua giai đoạn khó khăn.

Cũng trong năm 2021, Chính phủ ban hành nghị định điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng có hiệu lực thi hành từ tháng 1 năm 2022 (Nghị định 108), với mức điều chỉnh tăng thêm 7,4% mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng cho người hưởng lương hưu thấp, người về hưu trước năm 1995. Dù ngân sách khó khăn, Nhà nước vẫn dành hơn 12.000 tỷ đồng cho việc tăng lương hưu, trợ cấp xã hội này.

Một điểm sáng nữa mà ngành LĐ-TB và XH đạt được trong năm 2021 là Hiệp định song phương Việt Nam - Hàn Quốc về bảo hiểm xã hội với Chính phủ Hàn Quốc. Đây là hiệp định đầu tiên cấp Chính phủ về bảo hiểm xã hội mà Việt Nam ký kết với một đối tác nước ngoài, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho người lao động của hai quốc gia.

Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, những kết quả và nỗ lực của ngành Lao động-Thương binh và Xã hội trong năm 2021 đã góp phần hoàn thành nhiệm vụ, chỉ tiêu phát triển kinh tế, xã hội chung của đất nước. Bên cạnh việc tham mưu các chính sách chưa có tiền lệ như Nghị quyết 68 và Nghị quyết 116, Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội vẫn duy trì được những hoạt động chung trong các lĩnh vực người có công, an sinh xã hội, đào tạo nghề, bảo vệ trẻ em…Tuy nhiên, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng: Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội cần quan tâm nhiều hơn đến lĩnh vực người có công, tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan nhằm chăm sóc tốt hơn những thương binh nặng, gia đình có công với cách mạng.

Bên cạnh đó, ngành LĐ - TB và XH cũng phải tập trung triển khai hiệu quả giải pháp nhằm ổn định và khôi phục thị trường lao động, tạo việc làm cho người lao động; thực hiện có hiệu quả chương trình giảm nghèo bền vững, cần có thêm nhiều biện pháp bảo vệ trẻ em khỏi bạo lực xâm hại; quan tâm người yếu thế.

“Liên quan về Tết, chúng ta cố gắng năm nay lo Tết thật an toàn, ấm cúng cho bà con. Ngoài những đối tượng có công, người nghèo được hỗ trợ thì cần chú ý đến những đối tượng thực sự khó khăn do đại dịch”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.

Trong năm 2022, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành Quyết định số 01, với 5 trọng tâm chỉ đạo điều hành; 15 nhóm nhiệm vụ giải pháp và 83 nhiệm vụ cụ thể, yêu cầu các đơn vị, địa phương nghiêm túc tổ chức thực hiện, bảo đảm đồng bộ với các nhiệm vụ trong Chương trình phòng, chống dịch COVID-19 và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội. Trên cơ sở đó để thực hiện mục tiêu bảo đảm an sinh, hỗ trợ việc làm, xây dựng thị trường lao động ổn định và phát triển, góp phần hỗ trợ phục hồi sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; phục hồi và phát triển kinh tế.