Nghe bài viết tại đây:

Quy trình của ngành dệt may và da dày vốn đã phức tạp, đòi hỏi nhiều công đoạn, máy móc, phụ phẩm khác nhau. Đặc biệt, trong quá trình đó, nhiều loại hóa chất được sử dụng để tạo nên sản phẩm với màu sắc đa dạng, sắc nét.

Theo Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS), ngành dệt may của Việt Nam phát thải khoảng 5 triệu tấn CO2 mỗi năm. Các quy trình xử lý ướt hàng dệt may (sợi, vải và hàng may) sử dụng rất nhiều tài nguyên nước cho các khâu giặt, giũ, tiền xử lý, nhuộm và hoàn tất sau xử lý. Quá trình sản xuất của mình, ngành dệt may tạo ra nhiều loại chất thải, bao gồm cả dạng khí, dạng lỏng, và dạng rắn.

Tại Hội thảo quốc tế “Hợp tác phát triển bền vững ngành Dệt may và Da giày Việt Nam” diễn ra sáng ngày 5/12, bà Nguyễn Thị Lâm Giang – Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công thương nhận định, ngành Dệt may, Da giày trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng là ngành cũng phải đối mặt với áp lực thách thức về sử dụng tài nguyên, năng lượng và gây tác động đến môi trường tự nhiên.

Trong bối cảnh đó, Chính phủ Việt Nam, Bộ Công Thương và các Bộ ngành cũng đã quan tâm, chỉ đạo, nghiên cứu, xây dựng và ban hành các chủ trương, chính sách nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững mỗi ngành nói riêng và toàn ngành công nghiệp và thương mại nói chung.

Bà Lâm Giang cho biết, việc hợp tác giữa Bộ Công thương với Tổ chức Sáng kiến Thương mại Bền vững (IDH) và các bên liên quan sẽ ưu tiên đối với việc áp dụng, nhân rộng các mô hình bền vững, thúc đẩy chứng nhận, dán nhãn sinh thái đối với các sản phẩm dệt may da giày; khuyến khích, tôn vinh các doanh nghiệp thực hành tốt về Phát triển bền vững; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường đối với các sản phẩm xanh, sản phẩm tái chế, sản phẩm các-bon thấp đáp ứng các yêu cầu quy định, tiêu chuẩn quốc tế về biến đổi khí hậu và kinh tế tuần hoàn; Phát triển mạng lưới hợp tác, kết nối và liên kết bền vững theo chuỗi.

Ngành dệt may hiện có khoảng 7.000 doanh nghiệp có từ 10 lao động trở lên, tổng cộng khoảng 3,4 triệu lao động. Trong giai đoạn 2000-2019 ngành dệt may có tốc độ tăng trưởng hai con số, khoảng 17% mỗi năm.

Ông Huỳnh Tiến Dũng – Giám đốc Quốc gia của Tổ chức Sáng kiến Thương mại Bền vững (IDH) tại Việt Nam cho rằng, ngành dệt may và da dày luôn là ngành mũi nhọn trong nền kinh tế nước ta, GDP đóng góp hơn 20%, tạo công ăn việc làm cho 8-10% dân số nước ta trong độ tuổi lao động.

Trong những năm qua, tổ chức IDH đã đồng hành với chính phủ Việt Nam hỗ trợ các ngành phát triển bền vững. Đặc biệt, ngày 26 tháng 9 năm 2024 vừa qua, IDH đã ký Bản ghi nhớ hợp tác phát triển bền vững ngành Dệt may và Da giày Việt Nam. Ông Dũng nhận định đây là giai đoạn ngành đang phải đối diện với những yêu cầu khắt khe hơn của thị trường.

"Ví dụ như quy định mới của Liên minh châu Âu liên quan đến trách nhiệm giải trình của doanh nghiệp, các nhãn hàng đòi hỏi về lộ trình giảm cacbon, net zero và cả cam kết của Việt Nam trong thỏa thuận thương mại".

Theo ông Trương Văn Cẩm - Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS), mô hình phát triển bền vững bao gồm 3 yếu tố: nhân lực, tăng trưởng kinh doanh và môi trường bền vững. Ông Cẩm phân tích, hiện nay, khoảng 54% nguyên phụ liệu dệt may phải nhập khẩu từ Trung Quốc, gây nên tình trạng mất cân đối trong chuỗi cung ứng. Việc phụ thuộc nguyên liệu này không chỉ tăng nguy cơ biến động chi phí sản xuất, mà còn ảnh hưởng đến khả năng đáp ứng các yêu cầu về bền vững.

"Kinh doanh thì phải có lãi. Muốn ổn định thì phải có nguồn lao động bền vững và muốn cạnh tranh trên thị trường quốc tế thì cần đáp ứng các tiêu chí môi trường, trách nhiệm xã hội" - ông Cẩm nói.

Ngoài ra, các quy định như đạo luật chống lao động cưỡng bức và các chỉ thị môi trường của EU đang buộc các doanh nghiệp phải đầu tư lớn để tuân thủ, đồng thời tăng chi phí kiểm soát chuỗi cung ứng. Việc áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế về bền vững như kinh tế tuần hoàn, sản xuất xanh, tiết kiệm năng lượng đòi hỏi chi phí cao. Ông Huỳnh Tiến Dũng cho rằng, các doanh nghiệp rất mong muốn nhận được hỗ trợ về nguồn lực để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh.

Trong chiến lược phát triển ngành Dệt may và Da giày Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035 (Quyết định 1643/QĐ-TTg) cũng đã đặt ra: Đến năm 2035, ngành Dệt May và Da Giầy Việt Nam phát triển hiệu quả, bền vững theo mô hình kinh tế tuần hoàn; hoàn thiện chuỗi giá trị sản xuất trong nước, tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu; phát triển được một số thương hiệu mang tầm khu vực và thế giới.

Vì vậy, yếu tố môi trường vừa là thách thức vừa là cơ hội chuyển đổi. "Đây là thời điểm Việt Nam cần có giải pháp để phát triển bền vững và cạnh tranh" - ông Huỳnh Tiến Dũng - Giám đốc Quốc gia, IDH Việt Nam nêu quan điểm./.