Đã tròn 76 năm kể từ ngày 7/9/1945, Đài Tiếng nói Việt Nam chính thức ra đời với buổi phát thanh đầu tiên từ Hà Nội. Đồng hành cùng dân tộc vượt qua mọi gian lao, thử thách, Đài Tiếng nói Việt Nam ngày càng khẳng định vị thế là cơ quan báo chí hàng đầu của đất nước, xứng đáng với sự tin yêu của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Từ nửa cuối tháng 8/1945, trên đường từ chiến khu Việt Bắc về Hà Nội chuẩn bị Tổng khởi nghĩa, Bác Hồ đã căn dặn các đồng chí cùng đi rằng, sau khi giành được chính quyền thì một trong những công việc quan trọng đầu tiên là phải lập cho được đài phát thanh quốc gia.

Ngày 2/9/1945, bộ phận kỹ thuật mạnh dạn dùng máy phát 300W truyền thử trực tiếp Lễ Tuyên ngôn Độc lập từ Quảng trường Ba Đình. Đúng 11h30 trưa 7/9/1945, Đài Tiếng nói Việt Nam chính thức cất tiếng chào đời với lời xướng: “Đây là Tiếng nói Việt Nam, phát thanh từ Hà Nội, Thủ đô nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa” trên nền ca khúc hùng tráng “Diệt phát xít” của nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi.

Đài chính thức truyền đi bản Tuyên ngôn Độc lập bất hủ do Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên đọc năm ngày trước tại Quảng trường Ba Đình lịch sử. Tiếp đó là tin tức thời sự bằng ba thứ tiếng: tiếng Việt, tiếng Pháp và tiếng Anh. Sau này, Thủ tướng Phạm Văn Đồng xúc động nhớ lại: “Khoảnh khắc thời gian ấy, giờ phút lịch sử ấy chỉ diễn ra trong 90 phút, nhưng mãi mãi in đậm vào ký ức của người Việt Nam”.

Từ 90 phút phát sóng ngày đầu tiên đến nay, Đài Tiếng nói Việt Nam đã trở thành cơ quan truyền thông quốc gia đầu tiên hội tụ đủ 4 thể loại báo chí: phát thanh, truyền hình, báo viết và báo điện tử; phủ sóng rộng khắp trong nước và quốc tế. 76 năm qua, các cán bộ, phóng viên, phát thanh viên của Đài luôn đồng hành, kết nối triệu triệu con tim người Việt trên chặng đường bảo vệ và xây dựng đất nước.

Hơn 20 năm trước, khi đang là ca sĩ kiêm MC của Đoàn ca múa Bộ đội Biên phòng, chị Hải Yến đã quyết định dự thi vào Đài Tiếng nói Việt Nam trong đợt Đài tuyển phát thanh viên, chị chia sẻ: “Nghề phát thanh viên đòi hỏi một sự nghiêm túc, nhiệt huyết, không ngại khó ngại khổ…cần rất nhiều thứ. Khi đã vào phòng thu là hoàn toàn tạm quên hết những việc riêng tư mà sống với tác phẩm và nhân vật trong tác phẩm”. Những phát thanh viên như chị Hải Yến luôn cố gắng thể hiện giọng đọc truyền cảm, gần gũi nhất tới thính giả bạn nghe đài.

Hơn 20 năm gắn bó với nghề, phát thanh viên Hải Yến chưa khi nào hối tiếc về sự lựa chọn của mình. Bước chân vào phòng thu là lúc chị thăng hoa với tác phẩm bởi với chị phòng thu như một “sân khấu đặc biệt” của riêng mình để thể hiện giọng đọc hấp dẫn, thu hút khán thính giả. Miệt mài với những đóng góp của mình, chị Hải Yến đã vinh dự được nhận giải thưởng “Tiếng nói Việt Nam” cho phát thanh viên, người dẫn chương trình xuất sắc. Đây là nguồn động lực để chị tiếp tục phấn đấu nhiều hơn nữa, xứng đáng với sự yêu quý, tin tưởng của đồng nghiệp và khán thính giả.

Do tính chất công việc đi đêm về hôm thường xuyên theo lịch phát sóng nên các phát thanh viên như chị Minh Nguyệt phải gác việc gia đình sang một bên để tập trung cho chuyên môn. Dù gặp không ít vất vả nhưng chị luôn đam mê và nhiệt huyết với nghề. “Công việc của mình đi đêm về hôm, có khi mọi người chuẩn bị nghỉ ngơi sau một ngày làm việc thì phát thanh viên bọn mình bắt đầu đi làm ca đêm. Cũng có khi mọi người đang say giấc thì bọn mình đã đi làm ca sáng rồi” – chị Minh Nguyệt tâm sự.

Đằng sau các chương trình hấp dẫn, ấn tượng với thính giả chính là những cống hiến thầm lặng của đội ngũ kỹ thuật với lịch làm việc ca kíp, đêm hôm và không có ngày nghỉ, ngày lễ Tết, không có ngày thứ 7, chủ nhật.

Ông Đặng Văn Điểm luôn tự hào được gắn bó gần nửa đời người với Đài khi còn là kỹ thuật viên Phòng truyền âm khống chế - Trung tâm âm thanh. Trong thời gian công tác, ông cùng các đồng nghiệp thực hiện việc truyền tải tín hiệu liên tục 24/24 cho các trạm phát sóng khắp mọi miền Tổ quốc. Đó là công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ, bình tĩnh và chính xác cao trong từng thao tác, ông Điểm bày tỏ “Để đáp ứng công việc đòi hỏi sự chính xác, đảm bảo tính liên tục trên sóng, không được sai sót, không cho phép làm lại, bản thân mỗi kỹ thuật viên phải luôn trau dồi tự phấn đấu khẳng định mình trong công việc”.

Nhân dịp kỷ niệm 76 năm ngày thành lập Đài Tiếng nói Việt Nam, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Đỗ Tiến Sỹ đã gửi thư chúc mừng tập thể phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên, nghệ sĩ và người lao động toàn Đài.

Trong thư, Tổng Giám đốc Đỗ Tiến Sỹ khẳng định trong suốt chiều dài lịch sử 76 năm qua, Đài Tiếng nói Việt Nam đã thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, văn hóa, kinh tế, quốc phòng, an ninh và đối ngoại với các chương trình hấp dẫn, lay động, cuốn hút lòng người, là nhịp cầu hữu nghị thân thiện, tin cậy, nối Việt Nam với bạn bè thế giới.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tất cả 4 loại hình truyền thông của Đài và các nền tảng số hàng ngày đã chuyển tải kịp thời thông tin chỉ đạo điều hành của đồng chí Tổng Bí thư, của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ và Chủ Tịch nước, Thủ Tướng Chính phủ, Chủ Tịch Quốc hội...tới công chúng. Phóng viên của Đài ở trong nước cũng như thường trú tại nước ngoài đã dũng cảm, dấn thân tác nghiệp tại các địa bàn “nóng” trong điều kiện vô cùng khó khăn. Một số phóng viên đã nhiễm bệnh, chịu đựng nỗi đau mất mát người thân, nhưng vượt lên tất cả, Đài Tiếng nói Việt Nam luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Qua đây, Tổng Giám đốc Đỗ Tiến Sỹ mong muốn và tin tưởng “Tập thể cán bộ, phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên, nghệ sỹ và người lao động Đài Tiếng nói Việt Nam sẽ tiếp tục kế thừa và phát huy truyền thống vẻ vang, xây dựng Đài trở thành cơ quan truyền thông đa phương tiện hiện đại, vững mạnh toàn diện; góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, xứng đáng với sự tin tưởng, kỳ vọng của Đảng, Chính phủ, niềm tin yêu của nhân dân”.

Phát huy truyền thống lịch sử 76 năm vẻ vang, Đài Tiếng nói Việt Nam xác định, giai đoạn 5 năm, 10 năm tới là giai đoạn cần có sự đột phá chiến lược đối với báo chí nói chung và Đài Tiếng nói Việt Nam nói riêng. Trong bối cảnh lợi thế của báo chí truyền thống đang suy giảm và ngày càng khó khăn hơn trong cạnh tranh với các phương tiện truyền thông mới, tác động tiêu cực của dịch Covid-19 vẫn đang tiếp diễn, Đài Tiếng nói Việt Nam đang xây dựng chiến lược để kịp thời chiếm lĩnh thời cơ, tạo đà phát triển mạnh mẽ hơn trong nhiệm kỳ mới, nâng tầm vị thế, thương hiệu, tiến tới trở thành một trong những Đài Phát thanh hàng đầu trong khu vực.

Trải qua 76 năm hình thành và phát triển, đến nay Đài Tiếng nói Việt Nam đã lớn mạnh, hiện đại, phục vụ đắc lực nhiệm vụ xây dựng và phát triển đất nước. Các cán bộ, công nhân viên luôn đồng hành, sát cánh, góp sức làm nên những trang sử vẻ vang, hào hùng của Đài Tiếng nói Việt Nam - “Tiếng nói của non sông”.