Trong 30 năm qua, hỗ trợ lũy kế của ADB dành cho Việt Nam khoảng 18 tỷ USD. Khoản hỗ trợ này dùng cải thiện kết nối khu vực; tăng cường quản lý môi trường và đầu tư xanh; thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang phát triển thích ứng với khí hậu; tăng cường tiếp cận giáo dục, y tế và các dịch vụ xã hội; cũng như hỗ trợ phát triển cộng đồng các dân tộc thiểu số. Chủ tịch ADB Masatsugu Asakawa cho biết, quan hệ đối tác giữa Việt Nam và ADB đã cải thiện chất lượng cuộc sống của hàng triệu người dân Việt Nam, đặc biệt là những người thuộc các nhóm nghèo và dễ bị tổn thương cũng như phụ nữ và trẻ em gái.

Ông Masatsugu Asakawa khẳng định cam kết của ADB cung cấp 3 tỷ USD hỗ trợ Việt Nam trong giai đoạn 2024-2026 và nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường hiệu quả chuẩn bị dự án để đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Ngoài ra, ADB đã cam kết huy động 2,1 tỷ USD theo Kế hoạch huy động nguồn lực để hỗ trợ các dự án trong khuôn khổ Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng của Việt Nam.

Việt Nam là một trong sáu thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. ADB đang đẩy mạnh cam kết với các chính phủ và đối tác phát triển để mở rộng tài chính khí hậu với tham vọng huy động 100 tỷ USD từ năm 2019 đến năm 2030 từ các nguồn lực của chính mình để hỗ trợ giảm thiểu và thích ứng với khí hậu. ADB cam kết đạt tới một khu vực châu Á và Thái Bình Dương thịnh vượng, đồng đều, thích ứng và bền vững, trong khi duy trì nỗ lực xóa nghèo cùng cực./.