Ra quân đầu năm 1991, anh Bùi Văn Quyển quê ở Mỹ Đức, Hà Nội quyết định ở lại Tây Nguyên lập nghiệp. Năm 1995, anh bắt đầu xin cấp đất ở xã Ya Ly, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum để trồng cây cao su. Sau chục năm, anh Quyển là người có diện tích cao su lớn nhất nhì huyện, mỗi ha cao su đem lại cho anh thu nhập khoảng 3-40 triệu đồng, nhưng tới 2016, khi cao su rớt giá, anh Quyển lại có cho mình hướng đi khác khi quyết định phá bỏ 20 ha cao su để trồng sầu riêng.

Chia sẻ của anh Bùi Văn Quyển về quyết định chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ cây công nghiệp sang cây ăn trái:

Chuyển đổi 20 ha cây cao su sang trồng sầu riêng là một quyết định táo bạo của anh Quyển lúc đó, bởi năm 2017, một năm sau khi anh chặt bỏ cao su, giá mủ lại bắt đầu lên trong khi sầu riêng phải 5-6 năm nữa mới bắt đầu cho thu hoạch. Không nản chí, vợ chồng anh quyết tâm đi theo hướng đã lựa chọn. Năm ngoái, vụ đầu tiên thu hoạch sầu riêng, gia đình anh chị thu về được khoảng gần 9 tỷ đồng, chưa trừ chi phí. Tính toán lại, anh Quyển cho biết, 1ha sầu riêng với trung bình 170 cây, cho anh chị thu nhập gấp 20 lần so với trồng cao su. Tuy nhiên, anh Quyển vẫn giữ lại một phần diện tích trồng cafe, cao su và nuôi lợn để lấy ngắn nuôi dài, đảm bảo nguồn vốn đầu tư cho vườn sầu riêng, trả lãi vay ngân hàng và chi phí nhân công.

Ở xã Ya Ly, ngoài anh Quyển, giờ cũng có nhiều hộ nông dân tìm cách chuyển đổi cơ cấu cây trồng để tăng thu nhập. Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Chủ tịch UBND xã Ya Ly cho biết, ngoài cây sầu riêng, bà con trong xã còn trồng cây mắc ca và một số cây ăn quả khác, có đầu ra tương đối ổn định theo Nghị quyết chuyển đổi cơ cấu cây trồng của UBND huyện. Hiện, thu nhập bình quân của mỗi hộ dân là 36 triệu đồng/người/năm. Xã đang phấn đấu trong năm nay đạt nông thôn mới, đưa thu nhập bình quân lên 42 triệu/người/năm. Dư nợ vốn vay Agribank của người dân trong xã là trên 32 tỷ đồng, giúp bà con rất nhiều trong đầu tư chăn nuôi bò, trồng cây ăn quả.

Ông Nguyễn Tuấn Anh, PCT UBND xã Ya Ly trao đổi về hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở địa phương:

Cũng như hơn 170 hộ dân khác ở Ya Ly, trong suốt quá trình lăn lộn chuyển đổi cao su sang cây sầu riêng, vợ chồng anh Quyển chị Vân được sự đồng hành của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Hiện tại dư nợ của anh chị là khoảng 7 tỷ đồng với lãi suất dao động từ 6,5 đến 8,5%/năm, tùy từng thời điểm. Đồng hành cùng gia đình anh Quyển từ những ngày đầu chuyển đổi cây trồng, các cán bộ tín dụng Agribank thường xuyên hỏi thăm, tạo điều kiện giúp đỡ gia đình rất tận tình trong việc thẩm định hồ sơ vay vốn và trình duyệt khoản vay nhanh chóng. Đến nay, hơn 3/4 trong tổng số 1000 tỷ đồng dư nợ của Agribank Sa Thầy là đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn với 4.500 khách hàng là các hộ nông dân như chia sẻ của ông Nguyễn Quý Hà, Giám đốc Agribank chi nhánh Sa Thầy:

Không chỉ ở Sa Thầy có những người nông dân đang dần tăng thu nhập cho gia đình nhờ vào bàn tay, trí óc của bản thân và nguồn vốn tín dụng của Agribank như gia đình anh Quyển chị Vân, trên địa bàn Kon Tum hiện đang có hàng chục nghìn hộ nông dân vay vốn đầu tư vào nông nghiệp. Bà Hà Thị Thanh Hòa, Phó Giám đốc Agribank chi nhánh tỉnh Kon Tum cho biết, dư nợ của chi nhánh hiện đạt khoảng gần 17 nghìn 500 tỷ đồng, nợ xấu chỉ có 0,69%. Điều bà Hòa và nhiều cán bộ Agribank băn khoăn là làm sao giúp bà con thay đổi tâm lý sợ nợ để mạnh dạn vay vốn đầu tư làm ăn kinh tế và có quy hoạch vùng trồng hợp lý để người dân ổn định và mạnh dạn hơn trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tránh cách làm ồ ạt theo số đông.

Hiện nay, hơn 70% dư nợ tín dụng của Agribank chi nhánh tỉnh Kon Tum là dành cho đầu tư phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Đây cũng là ngân hàng có thị phần cho vay trên 40% trong hệ thống ngân hàng của tỉnh, là bạn đồng hành tin cậy của hàng chục nghìn hộ nông dân ở Kon Tum trên con đường tăng thu nhập, làm giàu trên mảnh đất Tây Nguyên đầy nắng và gió.