Khi mà những con số thống kê về số ca nhiễm, tử vong vì Covid- 19 ở thành phố Hồ Chí Minh vẫn ở mức căng thẳng, hệ thống y tế tiếp tục quá tải, chắc chắn nhiều người sẽ lo ngại, việc mở cửa lại nền kinh tế liệu có khiến công sức dập dịch lâu nay thành công cốc? Nhưng ngược lại, khi soi vào “sức khỏe” doanh nghiệp cũng như đời sống của người dân, không khó để nhận thấy, sau nhiều tháng giãn cách, không ít doanh nghiệp và người lao động tại TP. HCM đã ở "ngưỡng" khó có thể cầm cự được thêm. Bởi vậy đến thời điểm này dù dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp nhưng đã có những tín hiệu lạc quan và TP. HCM không thể có lựa chọn nào khác, buộc phải tính đến lộ trình mở cửa lại nền kinh tế.

Điều kiện và lộ trình để mở cửa trở lại?

Lãnh đạo TP. HCM cũng thừa nhận, không thể giãn cách nghiêm ngặt mãi. Tuy nhiên việc mở cửa lại nền kinh tế sẽ phải thực hiện từng bước chậm, chắc, mở tới đâu chắc tới đó bởi nếu không quản lý được thì sẽ khiến dịch bùng phát nghiêm trọng trở lại.

Theo TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, đây là thời điểm chín muồi để nghĩ tới việc mở cửa trở lại nền kinh tế. Bởi sau một thời gian dài giãn cách ở các mức độ khác nhau, sức chịu đựng của người dân cũng như các doanh nghiệp đều đã ở mức cạn kiệt. Và nếu như cứ tiếp tục kéo dài giãn cách, đóng cửa nền kinh tế thì những thiệt hại sẽ vô cùng lớn và sẽ phải trả một cái giá quá đắt.

Tuy nhiên bài toán đặt ra, thành phố HCM sẽ phải xây dựng lộ trình mở cửa trở lại nền kinh tế như thế nào để đảm bảo an toàn, đạt hiệu quả cao nhất và bền vững?

TS Nguyễn Sĩ Dũng cho rằng, điều kiện đầu tiên khi TP. HCM thực hiện việc mở cửa trở lại nền kinh tế là phải tăng tỷ lệ bao phủ 100% vaccine cho người dân. Đến nay, tỷ lệ người dân TP. HCM từ 18 tuổi trở lên được tiêm 1 mũi là khoảng 80- 90% và theo tính toán đến 15/9 có thể tiêm phủ đạt 95%-100% mũi 1. Song cần chú trọng cho người có bệnh nền, người cao tuổi sớm tiêm đủ 2 mũi vaccine và xem xét sớm có lộ trình tiêm cho trẻ em, lúc đó mới hy vọng giảm được số ca bệnh nặng, ca tử vong

Bài học từ rất nhiều quốc gia trên thế giới đó là việc mở cửa kinh tế đồng nghĩa với việc phải đối mặt với rủi ro dịch bệnh bùng phát trở lại. Bởi vậy điều kiện thứ hai, mà TS Nguyễn Sĩ Dũng nhấn mạnh là cần đầu tư nhiều hơn nữa cho lĩnh vực y tế, đầu tư mua sắm các trang thiết bị máy móc, các sinh phẩm y tế, bình oxy, trạm cung cấp oxy và các loại thuốc đặc trị, điều trị.

"Cần thận trọng với từng địa bàn, từng khu vực. Nơi nào an toàn thì mở trước. Tất cả các hoạt động đều phải duy trì 5K. Bên cạnh đó, thành phố Hồ Chí Minh cần đánh giá lại một số ngành nghề có vai trò quan trọng nhằm có chính sách phù hợp để vực dậy doanh nghiệp"- TS Nguyễn Sỹ Dũng nêu quan điểm.

Đặc biệt, thay vì đối xử với tất cả như nhau, giờ đây cần xem xét để những người đã tiêm vaccine mũi 1 và 2 nên được tham gia hoạt động xã hội và sản xuất thoáng hơn so với những người chưa được tiêm mũi nào. Và nên cấp giấy thông hành cho những người đã tiêm đủ vaccine để họ tham gia tích cực vào hoạt động kinh tế, từ đó làm khôi phục được chuỗi sản xuất và cung ứng vốn đã chịu nhiều thiệt hại sau các đợt giãn cách.

TS Nguyễn Sĩ Dũng cũng nhấn mạnh để mở cửa nền kinh tế, TP. HCM cũng cần phải tính đến phương án liên vùng. Đây là yếu tố rất quan trọng trong việc đảm bảo lưu thông hàng hóa và sản xuất. Điều này có nghĩa là TP. HCM sẽ không thể hoạt động bình thường nếu các tỉnh, thành lân cận không phối hợp trong các nỗ lực mở cửa.

Thành phố Hồ Chí minh sẽ mở cửa theo 3 giai đoạn và thí điểm “thẻ Covid”

TP. HCM đưa ra 5 quan điểm, nguyên tắc mở cửa nền kinh tế gồm: việc mở cửa phải bảo vệ tính mạng, sức khỏe của người dân; thành phố kiên trì, quyết liệt phòng chống dịch Covid-19, đảm bảo hài hòa với các hoạt động kinh tế trên tinh thần “Lợi ích hài hòa - Tự do chia sẻ”, “An toàn tới đâu thì mở cửa tới đó, mở cửa thì phải an toàn”; dịch luôn tồn tại, luôn có giải pháp thích nghi để sống khỏe và sống an toàn; tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội phù hợp với tình hình kiểm soát dịch tại từng địa bàn, khu vực; tùy tình hình từng địa bàn, khu vực mở cửa lại nền kinh tế tương ứng, sao cho đảm bảo tính linh hoạt, bám sát diễn biến thức tế tại từng thời điểm; đảm bảo an sinh xã hội, không để người dân thiếu ăn, thiếu mặc.

Mới đây, tại hội nghị tiếp thu ý kiến đóng góp từ cộng đồng doanh nghiệp, hoàn thiện dự thảo kế hoạch phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế thành phố sau ngày 15/9, lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Hiện tại, mục tiêu của TP. HCM là phấn đấu đến ngày 15/9, địa bàn cơ bản kiểm soát dịch bệnh, nới lỏng, phục hồi kinh tế, đưa thành phố về trạng thái bình thường mới. Đồng thời, thành phố cũng sẽ thí điểm triển khai "thẻ xanh Covid", "thẻ vàng Covid", thí điểm ưu tiên mở lại một số lĩnh vực theo lộ trình tại Quận 7, huyện Củ Chi, Cần Giờ.

Đối với lộ trình mở cửa, phục hồi nền kinh tế, TP. HCM dự kiến thực hiện theo 3 giai đoạn chính.

Giai đoạn đầu tiên từ ngày 16/9 đến ngày 31/10, TP. HCM lên kế hoạch cho các cá nhân, lao động có "thẻ xanh Covid" có thể tham gia các hoạt động (trừ karaoke, vũ trường, quán bar, massage; dịch vụ ăn uống tại chỗ, hoạt động tại các khu vui chơi giải trí, thể dục thể thao, rạp chiếu phim, trung tâm thương mại). Cá nhân, lao động có "thẻ vàng Covid", có xét nghiệm âm tính với Covid-19 được tham gia một số lĩnh vực cụ thể.

Các tổ chức có 100% lao động có "thẻ xanh Covid" được tham gia tất cả các lĩnh vực (trừ karaoke, vũ trường, quán bar, massage; dịch vụ ăn uống tại chỗ, hoạt động tại các khu vui chơi giải trí, thể dục thể thao, rạp chiếu phim, trung tâm thương mại). Tổ chức có 100% lao động có "thẻ xanh Covid" tại bộ phận có tiếp xúc người ngoài, có lao động có "thẻ xanh Covid" hoặc "thẻ vàng Covid" tại các bộ phận còn lại được tham gia một số hoạt động.

Giai đoạn 2 bắt đầu từ ngày 31/10/2021 đến ngày 15/1/2022, thành phố tiếp tục mở rộng các hoạt động được phép cho đối tượng có "thẻ xanh Covid" gồm: Trung tâm thương mại; trung tâm tập luyện thể dục thể thao; hoạt động vui chơi giải trí ngoài trời; dịch vụ ăn uống có quy mô nhỏ và đảm bảo giãn cách theo quy định (dưới 20 người).

Giai đoạn 3 được bắt đầu sau ngày 15/1/2022. Trong thời điểm này, TP. HCM lên kế hoạch mở cửa tất cả các hoạt động của nền kinh tế. Đối với hoạt động karaoke, vũ trường, quán bar, massage, người tham gia phải có "thẻ xanh Covid".

Quận 7, một trong các mũi đột phá thí điểm "bình thường mới"

Hiện thành phố Hồ Chí Minh đã chọn quận 7, huyện Củ Chi, Cần Giờ làm các mũi đột phá để thí điểm cho trạng thái bình thường mới sau ngày 15.9, từng bước phục hồi kinh tế. Bí thư thành ủy TP. HCM Nguyễn Văn Nên từng nhấn mạnh “Đây là sứ mệnh mà thành phố muốn gửi gắm niềm tin và trách nhiệm đến các địa phương để tiếp tục hoàn thiện, mô hình, kịch bản, giải pháp sắp tới”.

Trao đổi với phóng viên VOV2, ông Nguyễn Khắc Thái, Bí thư quận ủy Quận 7 cho biết, quận đã chuẩn bị kế hoạch từ tháng 8 và đã hình thành Trung tâm nghiên cứu các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới. Theo đó, sẽ có 150 đơn vị, cửa hàng, công ty, doanh nghiệp được mở cửa trở lại.

“Những ngành hàng đó là Ngân hàng, công chứng, siêu thị, cửa hàng tiện ích. Yêu cầu 150 đơn vị này giải quyết tiêm vaccine đạt 2 mũi, thành lập Ban y tế và thứ 2 là nguồn nhân lực phải ở vùng xanh”, ông Thái thông tin.

Bí thư Quận 7 Nguyễn Khắc Thái cũng cho biết, quận đang phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông xây dựng ứng dụng nhận diện người vùng xanh đến mua bán, làm việc ở những địa chỉ xanh. Còn người vùng đỏ vẫn áp dụng phương thức mua bán online.Ông Thái khẳng định “Công nghệ rất quan trọng. Chúng tôi xây dựng ứng dụng giống như thẻ ra ngoài cho công dân. Đặc biệt để tránh tình trạng “công nghệ chạy bằng cơm” như một số địa phương triển khai giấy đi đường, làm phức tạp hóa cho người dân, thì ở quận 7 công nghệ sẽ làm thay tất cả”

Mở cửa, tái thiết lại chuỗi cung cầu là điều cần thiết lúc này. Tuy nhiên, người đứng đầu quận 7 không ngần ngại cho rằng: Việc này còn khó hơn cả chống dịch. Cái khó ở đây không phải là “kiểm soát người ra đường” mà là “làm thế nào để đảm bảo an toàn cho người dân khi đi ra ngoài”. Vì vậy, ngày 13/9 tới đây, quận sẽ vận hành thử, đánh giá lại. Điều quan trọng nhất là đảm bảo an toàn cho hàng nghìn lao động ở khu chế xuất Tân Thuận. Ở đây có 45 nghìn lao động trên địa bàn quận 7. Và sẽ không có chuyện “hành” thủ tục doanh nghiệp khi rà soát mở lại hoạt động. “Đây là cơ hội để chúng tôi cải cách hành chính, sắp xếp lại bộ máy”, Bí thư Quận ủy quận 7 khẳng định.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Chúng ta đặt mục tiêu kiềm chế, kiểm soát dịch bệnh, song cũng xác định cuộc chiến này còn lâu dài, phải sống chung với dịch bệnh, không thể khống chế tuyệt đối, phải thích ứng và có cách làm phù hợp. Tuy nhiên trong bối cảnh hiện nay của thành phố Hồ Chí Minh, tất cả các bước thực hiện cho lộ trình mở cửa lại nền kinh tế đều phải làm thận trọng, bền vững đảm bảo nguyên tắc tiên quyết là an toàn chứ không thể tiến hành do sức ép của kinh tế.