Ngày 7/2, cơ quan chức năng TP. Nha Trang (Khánh Hòa) đã yêu cầu ông Hồ Văn Tâm - chủ quán ăn Aroma Beach vừa bị du khách Trung Quốc tố cáo quán bán đồ ăn có giá cao bất thường - ngừng kinh doanh dịch vụ ăn uống; chỉ hoạt động trở lại đến khi có ý kiến của cơ quan chức năng có thẩm quyền.
Trước đó, nhà hàng Aroma Beach tính bill (hóa đơn) với giá cao ngất đối với khách nước ngoài. Trong đó, cà tím nướng mỡ hành 1.890.000 đồng/phần; rau muống xào tỏi một dĩa 500.000 đồng, tổng cộng cả hai dĩa hết 1 triệu đồng; phở bò/gà một tô 325.000 đồng; cơm trắng 250.000 đồng một phần, tổng 500.000 đồng; cocacola hai lon hết 200.000 và bia Tiger cũng 100.000/lon”...
Liên quan đến việc kinh doanh dịch vụ ăn uống, chủ quán ăn Aroma Beach chỉ xuất trình giấy chứng đăng ký doanh nghiệp Công ty TNHH Đại Phát Tâm Nha Trang (địa chỉ tại 38 Nguyễn Thiện Thuật, Nha Trang).
Nhà hàng này thiếu rất nhiều giấy phép liên quan như: Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; xác nhận đủ sức khoẻ, xác nhận đã được tập huấn kiến thức về an toàn vệ sinh thực phẩm của chủ cơ sở và nhân viên…
Nhà hàng Aroma Beach còn có dấu hiệu sai biển hiệu, bảng quảng cáo; niêm yết giá không rõ ràng dễ gây nhầm lẫn.
![Đoàn kiểm tra liên ngành đang làm việc với ông Hồ Văn Tâm - chủ nhà hàng Aroma Beach. (Ảnh: Báo Khánh Hòa)](/sites/default/files/styles/large/public/2025-02/nhatrang-23061007.jpg)
Cũng bị tố "chặt chém" khách hàng, ngày 5/2, Đội Quản lý thị trường số 4 (Cục Quản lý thị trường Phú Yên) ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với bà Ngô Thị Kiều Mỹ Trang - chủ quán cơm Tân Mai trên Quốc lộ 1 (xã An Hiệp, huyện Tuy An).
Đội Quản lý thị trường số 4 xác định, chủ quán cơm Tân Mai vi phạm "không đăng ký thành lập hộ kinh doanh trong những trường hợp phải đăng ký theo quy định" và "không niêm yết giá dịch vụ bằng một trong các hình thức theo quy định của pháp luật"; Tính giá hơn một triệu đồng cho các món ăn cơm trắng, rau muống luộc, mực xào, trứng chiên.
Tổng số tiền phạt đối với hai hành vi trên là 8.250.000 đồng. Đội Quản lý thị trường số 4 cũng yêu cầu chủ quán cơm Tân Mai phải đăng ký thành lập hộ kinh doanh theo quy định và buộc phải thực hiện niêm yết giá.
Trong thời gian này, UBND phường Phương Mai (Đống Đa, Hà Nội) cũng ra quyết định xử phạt hành chính đối với ông Nguyễn Xuân Cường, chủ cơ sở kinh doanh quán cơm ở ngõ 4, phường Phương Mai, quận Đống Đa khi bị khách hàng tố “chặt chém”.
Trước đó một cửa hàng bún riêu cua phường Bách Khoa (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) bị cơ quan chức năng yêu cầu tạm thời đóng cửa vì bị khách hàng tố bán 3 bát bún riêu ngày mùng 1 Tết với giá 1 triệu 200 nghìn.
![Vụ 400 nghìn bát bún riêu gây xôn xao dịp tết vừa qua](/sites/default/files/styles/large/public/2025-02/quan-bun-rieu-treu-dua-noi-400-000-dong-bat-bun-1.jpg)
Trao đổi với VOV2 (Đài TNVN), ông Nguyễn Tiến Đạt, Tổng giám đốc công ty du lịch AZA Travel cho biết, tình trạng "chặt chém" thường xảy ra dịp lễ tết, đầu năm, lượng khách đông nhưng hầu hết nhà hàng đóng cửa, không phục vụ. Đây chính là cơ hội cho một số nhà hàng, quán ăn mở cửa tạm phục vụ dịp tết, mùa lễ hội. Những nhà hàng, quán ăn này thường không quan trọng chữ tín, coi khách hàng chỉ đến một lần và tìm mọi cách để thu lợi, đặc biệt "chặt chém" các khách hàng, du khách ở nơi xa đến hoặc bất đồng ngôn ngữ.
"Cần phải xử lý nghiêm các nhà hàng, quán ăn có hành vi nâng giá, chặt chém du khách vì sẽ ảnh hưởng đến uy tín của du lịch địa phương. Nếu du khách quốc tế còn ảnh hưởng đến du lịch Việt Nam. Phải vào cuộc xử lý nhanh, có kết quả, hoàn lại tiền thu lợi từ hành vi chặt chém cho khách hàng".
Đừng "tham bát bỏ mâm"
Trong chương trình 30 phút cùng VOV2, chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Minh Phong cũng bức xúc cho rằng, một bán rún bán với giá 400 nghìn đồng hoặc một đĩa rau muống xào tỏi có mức giá 500 nghìn đồng là hành vi "chặt chém", thiếu đạo đức trong kinh doanh.
Việc tăng giá vô tội vạ của một số nhà hàng, quán ăn trong những ngày đầu năm hoặc dịp lễ hội theo TS. Nguyễn Minh Phong không chỉ gây thiệt hại cho khách hàng, ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch mà chính chủ các cửa hàng, quán ăn này cũng chịu thiệt hại. Họ chỉ nhìn vào cái lợi trước mắt mà đánh đổi cả thương hiệu, uy tín kinh doanh lâu dài.
![Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong](/sites/default/files/styles/large/public/2025-02/chuyen-gia-kinh-te-nguyen-minh-phong-bo-truong-cong-thuong-tra-loi-chat-van-rat-thang-than-va-toan-dien_66c5aabc352b9.jpg)
"Hành vi chặt chém chẳng khác gì là tham bát bỏ mâm. Nhăm nhe chặt chém một nhóm khách hàng mà bỏ đi thương hiệu, lượng khách cả năm, thậm chí lượng khách tiềm năng sau này. Khi tiếng xấu về hành vi tăng giá lan truyền thì khách hàng có thể sẽ không bao giờ quay lại hoặc chuẩn bị sẵn đồ ăn, thức uống mỗi dịp đi du lịch ngắn ngày... Nếu kinh doanh trục lợi thì chủ các cửa hàng, quán ăn sẽ đánh mất sinh kế của chính mình", TS. Nguyễn Minh Phong nói.
Đồng tình, trong những ngày lễ tết, mùa lễ hội, một số dịch vụ có thể tăng giá nhưng TS.Nguyễn Minh Phong cho rằng mức tăng giá phải hợp lý, chủ có lợi mà khách vẫn hài lòng.
"Theo thống kê của các Sở công thương, trong dịp lễ tết, các mặt hàng thiết yếu thường tăng từ 15% đến 20%; Một số dịch vụ có thể tăng 1,5 lần. Tôi cho rằng trong dịp lễ tết, mùa cao điểm, giá dịch vụ tăng khoảng 20% đến 30% là chấp nhận được. Tuy nhiên nếu tăng gấp nhiều lần thì không chỉ là hành vi chặt chém mà còn là tệ nạn trong kinh doanh", TS. Nguyễn Minh Phong nêu quan điểm.
Hiện nay, mức xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về công khai thông tin về giá hàng hóa, dịch vụ được quy định tại Điều 12 Nghị định 109/2013/NĐ-CP. Theo đó, tùy vào hành vi, mức độ thì tổ chức, cá nhân vi phạm sẽ chịu mức xử phạt từ 500.000 - 40.000.000 đồng.
Tuy nhiên, để hành vi "chặt chém" khách hàng không tái diễn trong các dịp lễ, tết, ông Nguyễn Tiến Đạt, Tổng giám đốc công ty du lịch AZA Travel cho rằng cần có biện pháp mạnh tay hơn. Ngoài bị xử phạt bằng tiền, tùy tính chất, mức độ mà có thêm chế tài bổ sung như rút giấy phép, đóng cửa dịch vụ trong thời gian nhất định từ 2-6 tháng.
Bấm nghe chương trình:
Câu chuyện “hàng ăn chặt chém đầu năm” không chỉ là vấn đề về giá cả, mà còn là bài toán về đạo đức kinh doanh và sự phát triển bền vững của ngành dịch vụ. Một mức giá hợp lý, minh bạch không chỉ giúp thu hút khách hàng quay lại mà còn góp phần nâng cao hình ảnh du lịch, văn hóa ẩm thực Việt Nam.
Cần sự vào cuộc quyết liệt hơn từ cơ quan quản lý, nhưng quan trọng không kém là ý thức của chính người tiêu dùng – hãy phản ánh khi gặp bất cập và ủng hộ những cơ sở kinh doanh trung thực, văn minh. Đó mới là cách để tạo ra một môi trường dịch vụ bền vững, nơi cả khách hàng và người bán đều có lợi.