Đến Lâm Bình hôm nay, nhiều người không khỏi ngỡ ngàng vì sự đổi thay của huyện miền núi nghèo nhất tỉnh Tuyên Quang. Hơn 10 năm trước, thời điểm thành lập huyện, cả huyện không có một ngôi nhà xây nào, mức trần thu nhập của người dân chỉ vào khoảng 7 triệu đồng/người/năm. Thế nhưng giờ đây, Lâm Bình đã có nhiều hộ nông dân làm ăn khá giả từ nuôi trâu bò thịt, nuôi cá thương phẩm, đầu tư phát triển cơ sở lưu trú phục vụ du lịch cộng đồng. Chị Lưu Thị Ngần, kế toán hộ kinh doanh Tấn Hiền ở thị trấn Lăng Can, huyện Lâm Bình cho biết, Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn là lựa chọn đầu tiên của người dân ở đây khi có nhu cầu vay vốn. Nếu không có bà đỡ Agribank, cơ sở chị làm việc không có được cơ ngơi như ngày hôm nay.

Hơn 10 năm qua, nhờ triển khai thực hiện tốt chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, đời sống của người dân Lâm Bình đã có nhiều chuyển biến tích cực. Cơ cấu cây trồng vật nuôi từng bước chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa, du lịch cộng đồng phát triển đã đem lại nguồn thu không nhỏ cho nhiều hộ dân, góp phần đưa thu nhập bình quân đầu người của huyện lên 31 triệu đồng/năm. Agribank Lâm Bình thường xuyên cân đối nguồn vốn để đáp dứng đầy đủ nhu cầu đầu tư vào sản xuất kinh doanh của người dân, đồng thời mở rộng cho vay đối với các thành phần kinh tế. Ông Ma Đức Duyên PGĐ Agribank chi nhánh huyện Lâm Bình cho biết, đến hết tháng 5/2022, tổng nguồn vốn Agribank Lâm Bình thực hiện là trên 249,2 tỷ đồng. Tổng dư nợ cho vay là gần 514 tỷ đồng.

Không chỉ ở Lâm Bình, nguồn vốn đầu tư từ Agribank đã giúp bà con nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh mà với toàn tỉnh Tuyên Quang, có tới 75% dư nợ của Agribank là đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Giữ vai trò chủ lực trong cung ứng vốn, dịch vụ tài chính phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và các chương trình mục tiêu quốc gia, Agribank Tuyên Quang đã và đang triển khai thực hiện chương trình tín dụng như mua máy móc, thiết bị, vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp và vật liệu xây dựng, nhà ở khu vực nông thôn; phát triển kinh tế trang trại; sản xuất hàng hóa đối với một số cây trồng, vật nuôi; xây dựng nông thôn mới... Riêng cho vay xây dựng nông thôn mới, tín dụng Agribank đã phủ kín đến 100% số xã trong toàn tỉnh. Ông Nguyễn Bá Thành, Phó Giám đốc Agribank chi nhánh tỉnh Tuyên Quang cho biết, Agirank luôn đặt mục tiêu phục vụ chăm sóc khách hàng tốt nhất và phát triển các dịch vụ gia tăng, đưa ra các sản phẩm cho vay phù hợp và áp dụng lãi suất ưu đãi nhất cho người nông dân trên địa bàn tỉnh.

Mở rộng cho vay thực hiện các dự án phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn, cung ứng nhiều dịch vụ giá trị gia tăng, Agribank Tuyên Quang đang thực sự đồng hành cùng với người nông dân, thúc đẩy kinh tế khu vực nông thôn phát triển bền vững và giúp bà con tiếp cận nhiều dịch vụ ngân hàng hiện đại. Đến 31/5/2022, nguồn huy động cả quy đổi ngoại tệ của Agribank chi nhánh tỉnh Tuyên Quang đạt 9 nghìn 503 tỷ đồng, tăng 561 tỷ đồng so hết năm 2021. Tổng dư nợ 8 nghìn 805 tỷ đồng, dư nợ nông nghiệp nông thôn đạt 6 nghìn 590 tỷ đồng.