Các thông tin tiêu cực thường nhận được nhiều lượt truy cập, chia sẻ

Những năm gần đây, “báo chí giải pháp”, “báo chí truyền cảm hứng” hay “tin tức kiến tạo” ngày càng được các tờ báo trong nước và quốc tế nói đến. Tuy nhiên, trước sức ép từ truyền thông xã hội, một số tờ báo, nhà báo có biểu hiện “đánh mất mình” bằng việc chạy đua theo những dòng tin tiêu cực, khai thác sâu những bi kịch trong xã hội, miễn là đạt được mục tiêu thu hút độc giả.

Ông Nguyễn Văn Bá, Tổng biên tập báo điện tử Vietnamnet đánh giá, thời gian vừa qua báo chí đang bị cuốn hút bởi các thông tin tiêu cực, tạo nên bức tranh xã hội không tươi sáng. Nhiều cơ quan báo chí hiện nay đưa lượt truy cập (view) trở thành một tiêu chí quan trọng để đánh giá năng lực của phóng viên. “Điều này dẫn đến người làm báo cố gắng phản ánh những nội dung thu hút được người đọc để đạt được view”, ông Bá nói.

Tổng biên tập Vietnamnet cũng cho rằng, báo chí kiến tạo là việc báo chí trở về với cốt lõi của mình. Nhưng báo chí kiến tạo thực chất là gì, áp dụng ở Việt Nam ra sao khi điều kiện của chúng ta có những đặc điểm riêng; làm sao để hạn chế thông tin tiêu cực trên báo; liều lượng như thế nào là đủ… đây thực sự là những câu hỏi đặt ra với báo chí Việt Nam.

Thực tế thông qua các công cụ đo, quét các thông tin trên mặt báo hàng ngày, bà Mai Hương Giang, Phó Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, những bài viết được chia sẻ nhiều nhất lại là những bài viết có nội dung mang tính tiêu cực. Đặc biệt qua các đợt bùng phát dịch Covid-19, có thời điểm, tỷ lệ các tin, bài về dịch bệnh trên mặt báo chiếm đến 30-40%.

“Báo chí phải đề cập đến cái xấu, phê phán hiện tượng tiêu cực để cuộc sống tốt đẹp hơn. Nhưng nó chỉ nên ở tỷ lệ dưới 10%, nếu vượt qua tỷ lệ này những thông tin tiêu cực trở thành dòng chảy chính và làm mất lòng tin của độc giả”, bà Mai Hương Giang nêu quan điểm.

Chia sẻ tại hội thảo, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký kiêm Trưởng Ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nói đến mối quan hệ nhạy cảm giữa báo chí với doanh nghiệp. Ông thẳng thắn nói, một số phóng viên báo chí đang lợi dụng vai trò của mình đã gây khó khăn, thậm chí tống tiền doanh nghiệp.

“Một số bài báo nhận định, phân tích về ngành hàng hay chính sách tại Việt Nam, tưởng như vô thưởng vô phạt, nhưng đăng tải không chính xác về sự việc và thiếu sự nhạy cảm cần thiết, dẫn tới những thông tin bất lợi cho Doanh nghiệp và ngành hàng đó”, ông Tuấn chia sẻ.

Sự thật là sức mạnh của báo chí

Để xây dựng một nền báo chí kiến tạo, PGS.TS Nguyễn Văn Dững đặt ra ba yêu cầu đối với các cơ quan báo chí hiện nay.

Trước hết, báo chí kiến tạo phải đưa tin khách quan, nói lên sự thật mang tính chọn lọc. "Nếu các báo cứ chạy theo các hợp đồng truyền thông thì liệu báo chí đi về đâu? Nếu quay lưng lại với sự thật báo chí không còn sức mạnh nữa", ông Dững nói.

Thứ hai, theo ông Dững, báo chí phải giám sát và phản biện xã hội. Theo đó, báo chí giám sát quá trình thực thi chính sách từ đó phát hiện những lỗ hổng, bất cập, từ đó giúp các cơ quan chức năng kiến tạo chính sách mới. Đồng thời báo chí cũng phải tham gia phản biện chính sách, phát huy vai trò phản biện xã hội của báo chí truyền thông."Gợi mở những tia sáng, kết nối và tạo dựng niềm tin cho xã hội, đó mới là báo chí kiến tạo", ông Dững khẳng định.

Điều thứ ba mà PGS.TS Nguyễn Văn Dững muốn nhấn mạnh về báo chí kiến tạo là cần phải nâng cao trình độ đối với đội ngũ nhà báo. Người làm báo cần nêu cao trách nhiệm pháp lý, trách nhiệm chính trị, trách nhiệm đạo đức và xã hội khi lựa chọn vấn đề, sự kiện và thông tin. Đồng thời các nhà báo cần nâng cao kỹ năng khai thác dữ liệu và phát triển mạnh mẽ mảng báo chí điều tra.

Trong khi đó TS. Vũ Thanh Vân (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) cho rằng, cần nhấn mạnh trách nhiệm và vai trò tích cực của báo chí trong việc xây dựng xã hội lành mạnh. Khi càng ngày nhiều vấn đề chính trị, kinh tế và xã hội phức tạp nảy sinh, vai trò tích cực của báo chí càng được coi trọng. Nếu báo chí tô đậm những vấn đề tiêu cực với mục đích cung cấp thông tin giật gân, câu khách thì càng làm cho xã hội trở nên rối ren, phức tạp hơn.

“Báo chí có quyền và trách nhiệm đấu tranh với tiêu cực nhưng cần trả lời một cách nghiêm túc các câu hỏi: Báo chí đấu tranh vì mục tiêu tối hậu nào? Đấu tranh vì lợi ích của ai? Đấu tranh như thế nào? Việc trả lời các câu hỏi này sẽ quyết định tính chất kiến tạo, tích cực của báo chí”, TS. Vũ Thanh Vân nhấn mạnh.