Nghe phóng sự tại đây:
Việt Nam hiện là nơi cư trú của 31 loài rùa trong tổng số 357 loài rùa hiện còn được ghi nhận trên thế giới. Trong đó có 26 loài rùa cạn, rùa nước ngọt và 5 loài rùa biển.
Danh lục Đỏ của Liên minh Bảo tồn thiên nhiên Quốc tế (IUCN) liệt kê 24 loài rùa cạn và rùa nước ngọt cùng 5 loài rùa biển của Việt Nam vào danh sách các loài có nguy cơ tuyệt chủng ngoài tự nhiên.
Nạn săn bắt và buôn bán trái phép và mất môi trường sống là hai mối đe dọa chính đối với sự tồn tại của các loài rùa. Trong đó, nạn săn bắt và buôn bán trái phép được coi là nguyên nhân chính dẫn tới sự nguy cấp của nhiều loài rùa bản địa của Việt Nam.
Nếu như trước đây, mua bán rùa trái phép diễn ra ở các chợ truyền thống, thì ngày nay với sự phát triển của Internet, mua bán rùa trái phép đã chuyển dịch sang thị trường trực tuyến, khó quản lý và giám sát hơn.
"Chúng tôi đã thực hiện khảo sát trên 02 nền tảng Facebook và Youtube, kết quả 2 nền tảng này cho thấy thị trường rùa Việt Nam diễn ra rất sôi động. Trong đó, năm 2021 diễn ra mạnh nhất so với các năm trước đó. Kênh youtube về mua bán rùa ra đời lâu nhất là từ 2009, nhóm/trang facebook là từ 2013" - Chị Tô Bích Ngọc – thành viên nhóm Nghiên cứu của Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) cho biết.
Mạng xã hội có các ưu điểm như giao dịch không trực tiếp, khả năng kết nối từ xa, ẩn danh tính đã và đang trở thành một chợ buôn bán 4.0 cho việc trao đổi, giao dịch các loài rùa quý hiếm.
Trong báo cáo “Chợ rùa trên mạng: Sôi động thị trường rùa trên facebook và Youtube ở Việt Nam năm 2021” của PanNature, Hà Nội và TP HCM là hai địa phương có số lượng mua bán rùa trực tuyến cao nhất cả nước. Số lượng cửa hàng trên Facebook ở Hà Nội là 19 trang, TP HCM với 17 trang.
Tính đến thời điểm hiện nay, một số trang đã bị ngăn chặn hoặc bị báo cáo vi phạm quy chuẩn cộng đồng. Thế nhưng theo chị Ngọc Bích, khi nhu cầu mua rùa càng lạ càng quý để làm cảnh, thú cưng thì vẫn còn nhiều cửa hàng trên Internet sẵn sàng phục vụ. Trong 930 kênh youtube được nghiên cứu thì có tới 60% video là quảng bá cho mục đích này.
Ông Nguyễn Văn Thành ở Hoàn Kiếm, Hà Nội cho biết, không chỉ là theo xu hướng của giới trẻ, việc nuôi rùa còn bắt nguồn từ quan niệm dân gian.
"Vì người ta hay nói rùa là động vật có tuổi thọ cao nên nhiều người mua nuôi để làm tăng tuổi thọ của người thân trong gia đình. Tôi cũng không rõ từ đâu mà còn nghe quan niệm dân gian rằng nuôi rùa là cách để trấn trạch, mang tới bình an cho gia chủ" - Theo ông Thành, quan niệm này hoàn toàn không có căn cứ.
Theo các chuyên gia, việc nuôi rùa, đặc biệt là rùa hoang dã như thú cưng thực tế đang tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ cũng như rủi ro về mặt pháp lý, đặc biệt là hệ lụy về sức khỏe.
"Chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng việc nuôi rùa có thể gây ra hệ lụy với sức khỏe con người. Nếu người nuôi không cẩn trọng giữ khoảng cách, có thể bị rùa cắn. Thậm chí, có những người đã bị rùa cắn đứt chân hoặc tay. Hai là trên cơ thể rùa có thể mang nhiều vi khuẩn, ký sinh trùng, mầm bệnh gây ra các bệnh cho con người" - Đại diện PanNature phân tích.
Về khía cạnh pháp lý, hầu hết các loài rùa cạn và rùa nước ngọt bản địa được pháp luật Việt Nam bảo vệ, theo Bộ luật Hình sự 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017. Các hành vi vi phạm liên quan đến các loài này có thể bị truy tố trách nhiệm hình sự với mức phạt lên tới 15 năm tù giam cho cá nhân và 15 tỷ đồng đối với pháp nhân.
Sự thiếu hiểu biết và lợi ích kinh tế đã khiến nhiều người bất chấp luật pháp để buôn bán và người mua thì vô tư chiều chuộng sở thích cá nhân nên sẵn sàng tiếp tay cho hành vi phạm tội này.
"Thường người mua rùa cảnh là các bạn trẻ vì tò mò hoặc là thích thể hiện thú cưng độc lạ. Em cho rằng cần tuyên truyền vào trường học để ai cũng nhận thức sớm và không tiếp tay cho tội phạm và các vi phạm pháp luật về đa dạng sinh học" - chị Lê Như Quỳnh ở TP.HCM cho biết.
Việc hình thành trào lưu nuôi rùa cảnh cũng tạo áp lực, làm suy giảm quần thể rùa hoang dã. Việc săn bắt, tiêu dùng, nuôi nhốt rùa hoang dã khiến nhiều loài trở nên nguy cấp, đặc biệt là khi môi trường sống của loài này cũng đang bị thu hẹp và suy thoái. Vì vậy, tổ chức môi trường PanNature kiến nghị.
"Đối với cơ quan chức năng cần coi việc mua bán rùa trên mạng là phần quan trọng của thị trường buôn bán động vật hoang dã và cần theo dõi giám sát chặt chẽ. Đối với người mua bán và nuôi rùa cần nhận thức rằng có thể vướng vào vòng lao lý nếu không xác định loài mà mình đang nuôi có thuộc danh mục được pháp luật bảo vệ hay không. Mạng xã hội cần kiểm soát nội dung, cấm vĩnh viễn các tài khoản mua bán loài nguy cấp".
Các đối tượng mua bán rùa đã lợi dụng những ưu điểm của mạng xã hội để trao đổi, giao dịch. Điều này đang đe dọa nghiêm trọng đến sự đa dạng sinh học của loài vật này. Chợ ảo đã thành chợ thật. Cơ quan chức năng có liên quan cần mạnh tay hơn nữa, áp dụng các quy định của pháp luật để xử lý hành vi mua, bán rùa thật sự hiệu quả.