Theo giải thích của nhiều nhà quản lý, tình trạng ngập do mưa là bởi lượng mưa lớn, trong thời gian lâu, dồn dập một chỗ khiến phố xá bị ngập. Nhưng cũng không khó để nhận thấy, năng lực thoát nước của Thủ đô đã không theo kịp so với việc phát triển đô thị “chóng mặt” trong những năm qua. Và mưa ngập dẫn đến ô nhiễm đang là trở ngại cho việc phát triển đô thị ở Hà Nội.

Năm nào cũng vậy, cứ có mưa to, thời gian tầm hơn 1 tiếng đồng hồ, là người dân tại Hà Nội lại phải chật vật, bì bõm di chuyển khó khăn qua các tuyến đường vốn đã tắc nghẽn trong giờ cao điểm lại càng thêm ùn tắc vì mưa lớn gây ngập.

Không khó để nhận thấy những khu vực dễ bị ngập nước đều là… khu đô thị mới. Hệ thống thoát nước nội thành Hà Nội vốn chia thành bốn khu vực là Tô Lịch, tả sông Nhuệ, hữu sông Nhuệ và Long Biên và chỉ có mỗi trạm bơm thoát nước Yên Sở phục vụ cho nhánh Tô Lịch. Còn khu vực sông Nhuệ nơi có các quận Nam Bắc Từ Liêm, Cầu Giấy, Hoàng Mai và một phần quận Thanh Xuân, đây đều là những địa phương có tốc đô thị hóa nhanh. Đô thị hóa không đồng nhất với cơ sở hạ tầng được nâng cấp, thế nên hệ thống thoát nước các quận này đều có tuổi đời cao, lạc hậu và xuống cấp. Ông Bùi Ngọc Uyên, công ty thoát nước Hà Nội thừa nhận, việc chỉ có mỗi trạm bơm Liên Mạc và Yên Nghĩa hoạt động, nhưng lâu và xuống cấp nên năng lực thoát nước rất hạn chế. " Chúng tôi muốn sửa nhưng vướng phải quy hoạch các hệ thống mương thoát nước xung quanh, nên vẫn tồn tại ngập nhiều năm nay”, ông Uyên cho biết.

Hậu quả của mưa ngập khiến nhiều cư dân sống tại những khu đô thị bạc tỷ rơi vào tình huống “dở khóc dở cười”. Chỉ cần một trận mưa lớn, nước ngập ở nhiều tuyến đường giao thông và tràn vào tầng hầm những căn liền kề. Rác trôi nổi từ các công xung quanh dồn cả về hầm các khu chung cư khiến môi trường ô nhiễm nặng.

Nguyên nhân chính khiến Hà Nội cứ gặp mưa lớn là ngập úng do quy hoạch còn thiếu đồng bộ, diện tích công cộng của công viên cây xanh, ao hồ, diện tích mặt nước giảm. Tốc độ đô thị hóa nhanh dẫn đến bê tông hóa mạnh, hồ điều hòa có chức năng tiêu thoát nước bị thu hẹp. Và theo chuyên gia xây dựng Phạm Hùng Cường, việc để thoát nước thải và nước mưa chung một hệ thống đã khiến năng lực thoát nước bị ảnh hưởng. “Thoát nước thải đã quá tải, nhưng vẫn để nước mưa chảy cùng nước thải nên chỉ cần mưa hơi lớn là sẽ bị ngập”, ông Cường phân tích.

Hà Nội đã và đang xây dựng nhiều hạng mục giải quyết vấn đề thoát nước. Thế nhưng do một lý do nào đó, vì giải ngân vốn chậm, vì mặt bằng, vì nhân công mà nhiều công trình không thể “về địch đúng hẹn”. Sự ngổn ngang của các công trình này, lại vô tình trở thành những vật cản dòng chảy thoát nước, khiến đã ngập lại càng thêm ngập. Có thể kể ra đây những ví dụ như kênh thoát La Khê, hệ thống thoát Yên Nghĩa… chính là những công trình như vậy.

“Thi công chậm, không đúng tiến độ khiến nhiều vị trí, điểm cần thoát nước thì lại ngăn cản dòng chảy… nước dồn ứ miệng ông, trạm bơm không hoạt động có nên quá tải dẫn đến ngập úng”, ông Trần Mạnh Thắng, Xí nghiệp thoát nước số 5 Hà Nội nói.

Hà Nội đã đầu tư hàng chục tỷ đồng giải quyết bài toán thoát nước nhưng từ năm 2000 đến nay vẫn không khả quan. Hà Nội cần phải điều chỉnh lại quy hoạch mới, bổ sung các kênh mương thoát nước, khơi thông dòng chảy; đặc biệt tăng công suất các trạm bơm cuối nguồn và công tác bảo dưỡng để chống ách tắc cục bộ. Bài toán đặt ra không chỉ là quy hoạch hệ thống thoát nước khi xây dựng đô thị mà còn cần quy hoạch các công trình thủy lợi, phân bổ dân cư…. Mùa mưa bão đang cận kề, nỗi lo về cứ mưa là ngập chưa thể hết.