Năm nay, anh Mai Anh Tuấn ở xã Cổ Đô, huyện Ba Vì, Hà Nội 47 tuổi nhưng anh đã phải sống chung với bệnh thận 28 năm. Khi phát hiện bệnh, anh Tuấn vừa ra trường và mới đi làm công nhân xây dựng cầu đường.

"Bản thân cũng không ngờ tới mình bị nặng như thế. Vào viện rồi, lúc bác sĩ bảo cho đi chạy thận còn bảo con không chạy đâu, chạy thế phải ở bệnh viện suốt đời mà không biết rằng không chạy thận thì sẽ chết..." - Anh Tuấn nhớ lại.

Thời điểm đó, bảo hiểm y tế còn chưa phổ biến, anh Tuấn chỉ được hưởng 6 tháng bảo hiểm khi đi làm ở công ty, sau đó gia đình phải tự bỏ tiền cho anh chạy thận. Nếu không có sự giúp đỡ của Ban Giám đốc bệnh viện ngày ấy, chắc anh chẳng có khả năng chạy thận lâu như vậy: "Thời điểm tôi mới bắt đầu chạy thận là 300 nghìn/lần, thời điểm đó, tính ra vàng là hơn 1 chỉ vàng 1 lần chạy thận. Bố mẹ thu vén được đồng nào thì cho con đi chạy thận chứ nhà cửa cũng không có gì cả. Dần cũng không còn tiền mà đóng, phải lên xin ban giám đốc cho miễn giảm thì mới duy trì được. Có giàu đi chăng nữa khi chạy thận cũng thành nghèo hết."

Mấy năm sau, anh Tuấn được cấp thẻ bảo hiểm y tế cho hộ nghèo, nhờ thế gia đình anh đã bớt được phần nào gánh nặng kinh tế vì được hỗ trợ 100% chi phí khám chữa bệnh.

Bằng tuổi anh Mai Anh Tuấn, anh Chu Đức Cương ở Ứng Hòa, Hà Nội cũng chung sống với bệnh thận đã 26 năm. Sức khỏe anh Cương yếu, chân tay, xương khớp đều đau nên vợ anh phải đi theo chăm chồng. 2 anh chị thuê một căn nhà nhỏ trong xóm chạy thận Lê Thanh Nghị. Tất cả mọi chi phí đều do bố mẹ, anh em cung cấp. Nếu không có bảo hiểm y tế, anh Cương cũng không biết mình có thể duy trì đến giờ này không bởi nếu không có BHYT, 1 tuần chạy thận 3 lần tổng chi phí hết gần 2 triệu đồng chưa kể chi phí thuốc thang hàng ngày như thuốc huyết áp, trợ tim, xương khớp... Một tháng phải mất thêm 3 triệu đồng.

Còn cô Mai Thị Hường ở Thanh Hóa đưa chồng ra Hà Nội chạy thận từ năm 2006. Vợ chồng cô Hường không có con, chỉ có 2 vợ chồng nương tựa vào nhau, vừa chăm chồng, cô Hường vừa đi làm thêm kiếm đồng ra đồng vào nuôi chồng bởi chi phí quả lọc thận 1 tháng cũng lên tới chục triệu đồng.

Không chỉ mang lại lợi ích cho bệnh nhân chạy thận, bảo hiểm y tế còn giúp những bệnh nhân hiểm nghèo khác đỡ gánh nặng kinh tế như trường hợp gia đình chị Mai Lan Hương ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Trong một lần đi khám bệnh định kỳ, bác sĩ phát hiện bố chị Hương bị ung thư. Từ đó, tháng nào, bố chị Hương cũng phải vào viện 1-2 lần. Nhờ có bảo hiểm y tế nên tiền viện phí, thuốc men được cơ quan bảo hiểm xã hội chi trả tới 80%, nhờ thế gia đình giảm được áp lực chi phí chữa bệnh cho người thân.

Bảo hiểm y tế đã mang lại rất nhiều lợi ích thiết thực cho người dân khi được chi trả phần lớn chi phí khám bệnh, xét nghiệm, thuốc men. Đặc biệt với những gia đình có mức thu nhập thấp hoặc những người bệnh hiểm nghèo, bảo hiểm y tế càng giống như "chiếc phao cứu sinh", giúp họ vượt qua giai đoạn khó khăn và tiếp tục cuộc sống.