Mở rộng cách tiếp cận, thu hút nguồn lực

Xã hội hóa là công tác vận động xã hội nhằm tăng thêm nguồn lực đáp ứng với hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học. Đây không phải là thời điểm đầu tiên nhắc đến khái niệm này mà thực tế những năm qua cho thấy, đây luôn là nhiệm vụ cấp thiết nếu chúng ta muốn giữ đa dạng sinh học.

Nội hàm của xã hội hóa đa dạng sinh học gồm: nguồn nhân lực, tài chính, cơ sở vật chất, tri thức và tri thức bản địa, kinh nghiệm kỹ năng, công nghệ thông tin. Ông Trịnh Lê Nguyên - Giám đốc Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) nhận thấy, ở nước ta đã có cơ chế để tạo điều kiện cho xã hội tham gia vào bảo tồn đa dạng sinh học bằng cách đóng góp.

"Để xã hội hóa hiệu quả cần sự chung tay của doanh nghiệp"- ông Nguyên nói đó lại là hạn chế mà chúng ta chưa chạm vào được.

"Ở nước ta, các doanh nghiệp đã quen với đi phát quà từ thiện, tặng tiền, quần áo...chứ chưa nhiều doanh nghiệp tham gia vào công tác bảo tồn" - Chị Đỗ Thị Thanh Huyền - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên Gaia nêu ý kiến.

Các chủ thể tham gia vào công tác xã hội hóa bảo tồn gồm: Nhà nước, chính quyền các cấp, các đơn vị kinh tế, đoàn thể nhân dân và các tôn giáo, trường học, lực lượng vũ trang, các tổ chức quốc tế. Những năm qua, nhiều vụ án nuôi nhốt và buôn bán trái phép động vật hoang dã đã được xử phạt nghiêm minh. Thế nhưng, theo ông Trịnh Lê Nguyên có xử phạt thì cũng có khen thưởng cho những cá nhân tập thể làm tốt công tác bảo tồn.

"Ưu đãi cho các tổ chức như tổ chức khoa học công nghệ, quỹ, hội có đóng góp vào bảo tồn đa dạng sinh học thì vẫn chưa được hưởng nhiều, chưa đối xử như là một trong những bên tham gia đóng góp vào mục đích công và không vì mục tiêu lợi nhuận" - ông Nguyên trả lời VOV2.

Tính đến năm 2021, Việt Nam đã thành lập 181 khu bảo tồn thiên nhiên, trong đó có 34 vườn quốc gia, 60 khu dự trữ thiên nhiên, 22 khu bảo tồn loài và sinh cảnh và 65 khu bảo vệ cảnh quan, với tổng diện tích hơn 2,64 triệu héc-ta.

Cả nước có 9 khu đất ngập nước được công nhận là khu Ramsar thế giới và có hơn 20 địa phương phê duyệt quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học cấp tỉnh, thành phố. Đây là một trong những nỗ lực của Việt Nam trong bảo tồn đa dạng sinh học

Tại tọa đàm "Xã hội hoá công tác bảo tồn đa dạng sinh học tại Việt Nam: nhu cầu và giải pháp" diễn ra sáng ngày 17/10, các chuyên gia nhận định: Để duy trì và vận hành một cách bền vững các khu vực này, cần tạo sinh kế bền vững cho cư dân địa phương.

"Cần tập trung khuyến khích tập thể, cá nhân tài trợ vật chất, đóng góp trí tuệ cho việc bảo tồn đa dạng sinh học" -Tiến sĩ Trần Văn Miều, Phó Chủ tịch Hội bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cho rằng Nhà nước phải mở rộng hơn nữa cách tiếp cận.

Đa dạng nguồn tài chính

Xã hội hóa trước hết là để đa dạng nguồn tài chính hỗ trợ cho công tác tác bảo tồn. TS Trần Văn Miều cho rằng: tài chính cần nhưng chưa đủ.

"Nếu chỉ khoanh vào tài chính thì không hết được nội hàm của xã hội hóa bảo tồn đa dạng sinh học" - TS Trần Văn Miều chia sẻ. Theo ông, quan niệm rộng hơn, đầy đủ hơn thì công tác vận động của chúng ta cũng đúng đối tượng. "Nguồn nhân lực là quan trọng, đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học hay là ngay cả tri thức bản địa trong dân, nguồn lực quốc tế. Tôi quan niệm nguồn lực của Nhà nước là nền tảng, chỗ dựa, men kích thích cho xã hội hóa tốt hơn" - TS Trần Văn Miều khẳng định.

Chia sẻ tại tọa đàm, chị Đỗ Thị Thanh Huyền - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên Gaia kể rằng từ năm 2018, Trung tâm Gaia bắt tay với doanh nghiệp thực hiện các chương trình bảo tồn đa dạng sinh học.

"Thời kỳ đầu rất khó khăn vì các doanh nghiệp cũng chưa có thói quen làm việc với các tổ chức bảo tồn. Dần dần chúng tôi xây dựng hợp tác cùng chung tay giải quyết". Sau lần đầu tiên đó, chị Huyền nhận ra muốn doanh nghiệp tham gia thì mình phải tạo ra những chương trình tác động mà bản thân doanh nghiệp cũng được lợi.

"Mục tiêu của họ không phải là bảo tồn thiên nhiên mà là lợi nhuận và tạo ra giá trị vật chất khác. Điều quan trọng là tìm được điểm chung mà 2 bên cùng có lợi. Đó là tác động xã hội, kết nối khách hàng, tạo uy tín ảnh hưởng tốt cho doanh nghiệp" - chị Huyền nêu kinh nghiệm.

Chính sách hiện nay cũng là rào cản để doanh nghiệp mặn mà với hoạt động bảo tồn. "Chẳng hạn các doanh nghiệp khi làm việc với Gaia đề nghị làm sao họ không phải tính thuế nhưng cuối cùng vẫn phải nộp thuế cho khoản này. Họ không được tính là khoản từ thiện và bản thân Gaia cũng phải đi nộp thuế" - chị Huyền chia sẻ.

Áp lực lớn cho công tác bảo tồn thiên nhiên ở Việt Nam trong suốt 30 năm luôn xuất phát từ con người. Con người là chủ thể gây nên tình trạng khai thác, vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ bất hợp pháp các loài động vật, thực vật hoang dã hiện nay đã và đang gia tăng, trở thành mối đe dọa chính dẫn tới gia tăng tốc độ tuyệt chủng của nhiều loài động vật hoang dã, làm suy thoái sinh cảnh tự nhiên, gây mất đa dạng sinh học; tiềm ẩn những tác động tiêu cực môi trường sống và sức khoẻ của chính chúng ta. Để giải quyết mâu thuẫn đó cũng chỉ có thể là chính chúng ta phải chung tay góp phần đưa thiên nhiên trở lại sự đa dạng vốn có bằng kiến thức, kỹ năng và đóng góp tài chính./.

Nghe chương trình tại đây: