Nghe phóng sự tại đây:
Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) công bố báo cáo Sức sống Hành tinh 2022. Theo báo cáo, quần thể các loài hoang dã thuộc các lớp thú, chim, lưỡng cư, bò sát và cá đã giảm trung bình 69% kể từ năm 1970.
Chỉ số Sức sống Hành tinh là một chỉ số giúp cảnh báo sớm về tình trạng sức khoẻ và thiên nhiên do Hiệp hội Động vật học London (ZSL) nghiên cứu.
Báo cáo năm 2022 sử dụng dữ liệu gần 32.000 quần thể của 5.230 loài, chỉ ra rằng các loài động vật hoang dã có xương sống đang giảm mạnh với tỷ lệ đáng báo động tại các khu vực nhiệt đới. Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên đặc biệt lo ngại trước tình trạng trên bởi những khu vực này cũng là những nơi có đa dạng sinh học cao nhất thế giới.
Chúng ta đều biết, mối quan hệ giữa rừng và động vật hoang dã là sự móc xích. Rừng còn, động vật hoang dã còn. Rừng mất nghĩa là mái nhà của muôn loài cũng tàn lụi theo. Thiên nhiên hoang dã luôn gắn liền với lịch sử sinh tồn của con người và chính con người đã đẩy thiên nhiên hoang dã lùi xa bằng các biện pháp săn bắt, khai thác quá mức.
Chính vì vậy, để bảo vệ rừng, bảo vệ động vật hoang dã, bên cạnh sự vào cuộc tích cực của cơ quan quản lý nhà nước cũng rất cần có sự tham gia của các bên liên quan như các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức chính trị - xã hội và đặc biệt là người dân địa phương, vốn bao năm sống dựa vào nguồn lợi từ rừng. Câu chuyện về sinh kế của người dân ở huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn là dẫn chứng cho điều này.
Ngần Văn Thiệp - trưởng thôn Kìn Hin, xã Xuân Nha, huyện Vân Hồ đi đào sắn về trên chiếc xe máy có động cơ kêu to không khác gì chiếc công nông. Con đường từ nơi đào sắn về nhà là men theo bìa rừng đặc dụng Xuân Nha.
"Sống gần rừng được lợi nhiều cái chứ, lợi về không khí trong lành, khí hậu mát mẻ. Chỗ nào không có rừng thì nóng hơn" - anh Thiệp kể về rừng với lòng biết ơn và gắn bó.
Người dân xã Xuân Nha cũng như 3 xã còn lại là Tân Xuân, Chiền Sơn, Chiềng Xuân hẳn đều chung một tình cảm như vậy. Họ sinh ra từ rừng, lớn lên cùng rừng và vẫn nghèo bên rừng.
"Thu nhập của bà con toàn phụ thuộc vào nông nghiệp với đây là đất cát. Trồng lúa thì có mảnh nào thì làm, còn không thì chuyển đổi chăn nuôi, hoặc đi làm thuê thế thôi. Tỷ lệ hộ nghèo năm vừa rồi là 49 hộ".
Rừng đặc dụng Xuân Nha có diện tích khoảng 18 nghìn héc -ta, độ che phủ là 84% Dân cư sống xen kẽ với rừng đặc dụng, hoạt động sản xuất và đời sống của các dân tộc tác động trực tiếp đến rừng.
Trong rừng đặc dụng Xuân Nha có 11 thôn bản tiếp giáp với ranh giới Khu bảo tồn với 1.232 hộ. Vì vậy, sinh kế của người dân ảnh hưởng đến sự mất còn của rừng. Hơn 10 năm về trước, người dân nơi đây vẫn vào rừng cưa gỗ làm nhà, săn bắt thú rừng làm thức ăn. Bây giờ, mọi chuyện đã khác.
"Gỗ trên rừng vẫn còn nhưng kiểm lâm cấm. Ngày trước kiểm lâm chưa vào thì lấy được, bây giờ thì không đâu" - một người dân trong thôn nới với phóng viên.
Nhà sàn thuần gỗ là nét truyền thống trong văn hóa định cư của dân tộc Thái, Mường. Chả thế mà khi đóng cửa rừng, khi rừng cần được bảo vệ, người dân vẫn một câu hỏi: “Làm nhà thì lấy gỗ ở đâu”.
"Họ chỉ phản hồi là thiếu đất canh tác, thứ hai làm nhà thì lấy gỗ ở đâu. Khai thác rừng thực dụng ai cho phép nữa, quản lý chặt chẽ, cấm hết" - anh Nguyễn Quang Vinh - Trưởng trạm quản lý bảo vệ rừng Tân Xuân, Xuân Nha kể lại.
Một thời rừng Xuân Nha không chỉ bị chặt phá mà các loài động vật trong rừng cũng bị săn bắt bằng súng và các loại bẫy.
Ông Vi Văn Hiệp là thợ săn khét tiếng một thời của huyện Vân Hồ. Ông Hiệp nhớ khoảng 30 năm trước, những người đàn ông sức dài vai rộng của bản cầm súng vào rừng để săn bắt thú. Lúc đầu là những con lợn rừng nặng cả trăm kg, đến khi thú lớn hết dần, người ta săn đến thú nhỏ như sóc, thỏ, hươu nai... Rồi khi Nhà nước vận động không săn bắn thú rừng, ông Vi Văn Hiệp đi nộp súng.
"Ông đi nộp từ lâu rồi, họ thông báo mình phải nộp thôi không thì sau này công an truy lùng thì sao. Tôi là cựu chiến binh, tôi phải nộp trước" - ông Hiệp nói.
Khi súng đã nộp, rừng đã cấm, sự bình lặng được trả lại từ đó. Nhiều người trẻ bắt đầu từ giã bản làng bước lên chuyến xe ô tô về phố thị đi học cao hơn hoặc đi làm thuê.
"Hồi xưa làm nương để cung cấp lương thực, giờ đi làm thuê mướn. Một số làm khu công nghiệp, làm tự do ở ngoài, thợ hồ cũng có" - anh Ngần Văn Thiệp chia sẻ.
Trong buổi làm việc với phóng viên, người trạm trưởng quản lý bảo vệ rừng Tân Xuân, Xuân Nha liệt kê hàng loạt những chỉ dấu của một cánh rừng màu mỡ, đa dạng sinh học, nới trú ẩn của nhiều loài động vật hoang dã quý hiếm.
“Đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ hiểu biết về pháp luật còn nhiều hạn chế, nghề nghiệp không ổn định, thiếu đất canh tác nên xem rừng là nguồn sinh sống không thể thiếu, chỉ khi nhận thức của bà con được nâng lên, cuộc sống ổn định, thì khi đó mới bảo vệ được rừng”- anh Vinh đã kết luận như vậy./.