Hack facebook – thủ đoạn cũ, nạn nhân mới

Đến bây giờ, Thảo Linh ở Ba Đình, Hà Nội vẫn cảm thấy bất ngờ khi chính em lại trở thành nạn nhân của kẻ xấu với mức thiệt hại không hề nhỏ chỉ vì một thủ đoạn mà em đã từng nghe qua không ít lần. Trong một lần lướt facebook, Thảo Linh nhận được tin nhắn của người bạn thân nhờ chuyển 12 triệu đồng vào một tài khoản khác. Vì cách nhắn tin và câu chuyện trao đổi qua lại của kẻ xấu giống hệt với người bạn thân nên Thảo Linh không mảy may nghi ngờ và đã chuyển đi số tiền đó.

Mất 12 triệu chỉ trong tích tắc, thiệt hại không dừng lại ở đó, mấy phút sau, cũng với giọng điệu nhắn tin y hệt cô bạn thân, Thảo Linh lại tiếp tục chuyển đi 5 triệu với lời chốt chắc nịch “chiều gặp nhau rồi trả một thể”. Nhưng sau khi chuyển tiền xong lần thứ hai, Linh bỗng nghi ngờ, ngay lập tức liên hệ với người bạn thân đó thì được thông báo là facebook vừa mới bị hack. Vậy là 17 triệu không cánh mà bay với một thủ đoạn mà Thảo Linh cũng phải thừa nhận là “xưa như trái đất”.

Không giống như trường hợp của Thảo Linh, Tuấn Kiệt một bạn trẻ ở Hải Dương không phải là nạn nhân bị lừa mất tiền, nhưng lại là trở thành “người mang nợ bất đắc dĩ” khi tài khoản facebook cá nhân của em bị kẻ xấu hack và sử dụng chính tài khoản đó để đi lừa đảo người khác. Một ngày đẹp trời, một người bạn yêu cầu Kiệt trả lại tiền vì hôm trước nhờ bắn hộ tiền điện thoại mà thực tế Kiệt không hề nhắn tin.

Thủ đoạn cũ, nạn nhân mới – nhiều người nhẹ dạ, cả tin hoặc chưa am hiểu về công nghệ thông tin vẫn đang là miếng mồi ngon để kẻ xấu khai thác.

Những dấu hiệu cho thấy tài khoản Facebook đang bị hack

Theo ông Lê Thanh Tùng, Giám đốc của HST Consulting, có hai dấu hiệu nhận biết khá rõ. Thứ nhất, khi chúng ta nhận được thông báo gửi về hòm thư email hoặc qua tin nhắn điện thoại, thông báo rằng tài khoản của chúng ta đang đăng nhập ở một máy lạ, một địa chỉ lạ. Nếu như đó không phải là bạn thì chắc chắn Facebook của bạn đang bị xâm nhập, đây là dấu hiệu rõ ràng nhất.

Thứ hai, có những tin nhắn chưa hề xem, nhưng khi mở ra lại thấy đã đọc rồi. Đây cũng là một dấu hiệu.

Ngoài ra, khi kiểm tra hoạt động ở trên Facebook, chúng ta sẽ thấy được chúng ta đã đăng nhập ở đâu, đã bình luận chỗ nào, chúng ta đã bấm vào yêu thích cái gì. Nếu như có những hành động mà chúng ta không làm nhưng lại thấy thông báo là có thực hiện, rõ ràng facebook đang bị xâm nhập.

Facebook bị hack do người dùng thiếu cảnh giác

Ông Lê Thanh Tùng cho biết, để hack được một tài khoản không phải là đơn giản. Bản thân Facebook đã có rất nhiều biện pháp kỹ thuật để tin tặc không dễ dàng xâm nhập. Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng, người dùng vẫn có những phút mất cảnh giác, có thể tải một ứng dụng không rõ nguồn gốc, có thể ấn vào một đường link lạ và có thể thao tác, khai báo mật khẩu một cách vô tư.

Thông tin chính là tài sản, thông tin chính là hình ảnh và thông tin chính là uy tín cá nhân, do vậy, mọi người cần nâng cao ý thức bảo vệ tài khoản Facebook.

Xác thực đa yếu tố (xác thực địa chỉ email, số điện thoại) là một trong những biện pháp quan trọng để bảo vệ tài khoản Facebook.

Ngoài ra, người dùng nên hạn chế đăng nhập tài khoản ở thiết bị lạ, ở khu vực lạ, ở địa chỉ Internet lạ vì điều này dễ dẫn đến nguy cơ lọt lộ mật khẩu, thông tin.

Trong trường hợp không may bị hack tài khoản facebook, người dùng ngay lập tức bằng cách nào đó thông báo cho toàn bộ người quen biết rằng Facebook đã bị xâm nhập. Sau đấy, nhờ một tài khoản khác hoặc sử dụng một tài khoản mới để liên hệ với Facebook nhờ trợ giúp.

Nghe tư vấn của ông Lê Thanh Tùng: