Đây là những số liệu được đưa ra trong Hội thảo “Việt Nam và Israel phòng chống bắt nạt trên môi trường mạng” do Đại sứ quán Israel tại Việt Nam và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức. Hội thảo nhằm chia sẻ những điển hình về phòng chống bắt nạt trên mạng cùng các hướng tiếp cận sáng tạo đa ngành để nâng cao nhận thức cho xã hội về vấn đề ngày càng nóng trên toàn cầu.

Có thể nói, mạng Internet như một cuốn bách khoa toàn thư số, nơi mọi người có thể cùng học hỏi, trau dồi kiến thức một cách nhanh chóng và thuận tiện. Theo thống kê, tại Việt Nam trung bình mỗi người dành khoảng 7 tiếng/ngày để truy cập Internet và sử dụng các nền tảng xã hội. Điều này khiến cho người dùng, đặc biệt là trẻ em và thanh thiếu niên dễ gặp rủi ro trong đó có bắt nạt trên môi trường mạng.

Tính đến tháng 9/2022, Việt Nam là quốc gia có lượng người dùng Internet cao thứ 12 trên toàn thế giới và đứng thứ 6 trong tổng số 35 quốc gia và vùng lãnh thổ tại châu Á với số lượng người dùng Internet vào khoảng 70 triệu người, chiếm khoảng 70% dân số cả nước. Phát biểu tại hội thảo, ông Lưu Quang Tuấn, Vụ trưởng Vụ hợp tác quốc tế Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho rằng: “bắt nạt trên môi trường mạng có thể gây nguy hại nghiêm trọng đến sức khỏe thể chất và tinh thần, ảnh hưởng tâm lý nặng nề như tự ti, chán nản, sang chấn tâm lý, trầm cảm dẫn đến tự sát. Những gì trẻ nhỏ đã phải chịu đựng trong quá khứ từ việc bị bắt nạt trên mạng cũng khiến các em dễ trở thành những người gây bạo lực trong cuộc sống khi trưởng thành hoặc tâm tính bất ổn”, ông Tuấn cho biết.

Bên cạnh những mặt tích cực, việc sử dụng internet và mạng xã hội cũng khiến người dùng gặp rủi ro. Khảo sát cho thấy có 23% trẻ em cho biết vô tình nhìn thấy hình ảnh, video nhạy cảm ở các quảng cáo trên mạng xã hội. Điều này khiến trẻ dễ bị lôi kéo, dụ dỗ, quấy rối và lừa đảo, thậm chí là ép tham gia các hoạt động phi pháp. Theo bà Đinh Thị Như Hoa, Trưởng phòng Kiểm định, Trung tâm ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam, Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông ngoài những nguyên nhân kể trên thì thói quen chia sẻ thông tin, hình ảnh của trẻ một cách vô tư không kiểm soát trên mạng xã hội, diễn đàn của các bậc phụ huynh cũng có thể dẫn đến những tác động tiêu cực cho trẻ em.

Tại hội nghị, các chuyên gia Việt Nam và quốc tế từ UNICEF, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tổ chức Child Fund Vietnam cũng trình bày bức tranh toàn cảnh về tình hình bắt nạt trên mạng, bao gồm tác động đối với trẻ em, thực trạng tại Việt Nam và các chính sách, pháp luật liên quan, và các giải pháp chung phòng chống bắt nạt mạng. Đại sứ Israel Yaron Mayer khẳng định “vấn đề bắt nạt trên mạng xã hội gây ra những hệ quả nghiêm trọng về mặt tâm lý và thể chất đối với nạn nhân, và đã đến lúc chúng ta cùng nhau hành động và chống lại vấn nạn bắt nạt trực tuyến”.

Diễn giả đến từ Israel Doron Herman, nhà sáng lập doanh nghiệp giáo dục Safe School Analytics, chia sẻ về các biện pháp và mô hình mà Israel đang áp dụng để chống bắt nạt trên mạng trong đó, phải kể tới Nghị quyết được Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc về vấn đề này do Israel đề xuất. Israel cũng đã thành lập một cơ quan liên bộ, vận hành đường dây nóng 105 để tiếp nhận câu hỏi và báo cáo từ người dân về hành vi bắt nạt mạng.

Các giải pháp công nghệ cũng là thế mạnh của Israel trong lĩnh vực này, điển hình là các nội dung giảng dạy do doanh nghiệp của Doron Herman phát triển nhằm hỗ trợ nhà trường giáo dục trẻ em về năng lực cảm xúc xã hội và an toàn trên mạng. Giải pháp này nhận được sự ủng hộ của nhiều người có ảnh hưởng trong xã hội Israel, như ngôi sao điện ảnh Gal Gadot. Ngoài ra, còn có những ứng dụng trên điện thoại, như Keeps Child Safety của Israel, sử dụng AI để nhận diện tin nhắn có nội dung bắt nạt trong điện thoại của trẻ và báo cho cha mẹ trong vòng 20 phút.

Hội nghị nhằm trao đổi cách thức củng cố năng lực bắt nạt mạng tới các bên tham gia trong nước thông qua chế tài pháp luật và tiến bộ công nghệ sáng tạo. Bên cạnh đó, các giải pháp còn giúp nâng cao nhận thức của cộng đồng tới một hiện tượng còn mới mẻ tại Việt Nam./.