Hiện cả nước có hơn 87 triệu người dân tham gia BHYT, với tỷ lệ bao phủ đạt gần 90% dân số. Trong đó khoảng 60 - 70% người tham gia BHYT sử dụng thẻ BHYT để khám chữa bệnh, tần suất khám chữa bệnh của người dân từ 2 - 2,1 lần/năm. Đây là tỷ lệ rất lớn, cho thấy vai trò quan trọng của chính sách BHYT trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Theo thống kê của BHXH Việt Nam, trong vài năm trở lại đây, mỗi năm, quỹ BHYT chi trả khoảng 100 nghìn tỷ đồng cho việc khám chữa bệnh. Ngoài việc chi trả chi phí KCB thông thường, quỹ BHYT còn chi trả cho nhiều người mắc các bệnh nặng, bệnh mạn tính khác như bệnh rối loạn đông máu di truyền, ung thư, tim mạch, suy thận...

Thực tế cho thấy, nhờ tham gia BHYT, nhiều người bệnh có hoàn cảnh khó khăn đã được quỹ BHYT chi trả chi phí khám chữa bệnh, nhờ đó, nhiều gia đình đỡ được khoản chi phí “khổng lồ”.

Gia đình chị Nguyễn Ngọc Ánh ở Hương Khê, Hà Tĩnh cũng thuộc hộ nghèo ở địa phương. Chồng chị Ánh bị ảnh hưởng chất độc da cam từ người cha nên khi trái gió trở trời sức khỏe của anh không ổn định. Anh lại là lao động tự do nên kinh tế gia đình rất khó khăn. Trong một lần đi làm, chồng chị bị đinh va vào mắt. Dù đã khám theo chế độ bảo hiểm ở địa phương nhưng do bệnh khá nặng, chồng chị Ánh phải chuyển lên bệnh viện tuyến trên. Cũng may nhờ có bảo hiểm y tế nên số tiền chi trả cho việc mổ, nằm viện và thuốc thang cũng giảm rất nhiều.

Nước ta hiện có hơn 11 triệu người cao tuổi, phần lớn đều mắc các bệnh mạn tính như đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh mạch vành… Theo số liệu thống kê, người trên 60 tuổi có 2,6 bệnh, trên 80 tuổi là 6,8 bệnh. Vì vậy, việc phòng bệnh cho người cao tuổi là vô cùng quan trọng, do sức đề kháng suy giảm, khả năng chống đỡ bệnh tật kém, dễ mắc bệnh và diễn biến bệnh thường nặng. Chính vì thế, việc sở hữu thẻ bảo hiểm y tế rất có ý nghĩa với nhiều người cao tuổi.

Mấy năm nay, hai vợ chồng bà Nguyễn Thị Mười ở phường 9, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang đau ốm liên miên, hết bệnh tim lại đến bệnh khớp hành hạ. Cho nên, cứ đầu năm, bà Mười lại đăng ký mua bảo hiểm y tế cho cả hai vợ chồng để có điều kiện tốt nhất chăm sóc sức khỏe. Bà Mười bảo, bà hiểu rất rõ những lợi ích mà BHYT đã mang lại, bởi nếu không có bảo hiểm y tế thì bà sẽ phải chi một khoản rất lớn cho tiền thuốc, khám và điều trị bệnh hàng tháng.

Từ năm 2015, Luật BHYT sửa đổi, bổ sung một số điều, trong đó phải kể đến chính sách khuyến khích, vận động người dân tham gia BHYT theo hộ gia đình. Cụ thể, khi mua BHYT theo hộ gia đình, mức đóng được giảm dần từ thành viên thứ hai trở đi. Chính sách này thực sự rất hữu ích đối với những gia đình có nhiều người thuộc diện mua bảo hiểm tự nguyện, hay những hộ gia đình không mấy khá giả.

Mời nghe âm thanh tại đây: