Hà Nội không để bị động trong phòng, chống dịch COVID-19

Ngày 21/10, tại phiên thảo luận tại tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và báo cáo về công tác phòng, chống dịch COVID-19; tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 về kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV - ông Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư thành ủy Hà Nội có những đánh giá về công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn thành phố.

Ông Đinh Tiến Dũng cho biết, khác với các địa phương khác, thành phố Hà Nội là địa bàn đặc biệt, nguy cơ bùng dịch rất cao nên bên cạnh quán triệt chỉ đạo của Trung ương thì thành phố luôn đặt trong tình trạng phòng ngừa cao, quyết tâm bảo vệ thủ đô.

Thành phố đã chuẩn bị các khu cách ly tập trung, từ chỗ chỉ có khoảng 20 nghìn chỗ, đến nay đã chuẩn bị sẵn sàng các khu cách ly tập trung lên đến 118 nghìn chỗ.

Bên cạnh đó, Hà Nội đã chuẩn bị sẵn sàng khu điều trị F0 không triệu trứng hoặc triệu trứng nhẹ lên đến 20 nghìn gường bệnh. Trong tình huống đặc biệt có thể kích hoạt mở rộng lên đến 30 nghìn gường.

“Phương châm của Hà Nội ngay từ đầu là quyết không để F0, F1 ở nhà. Đã chủ động thì không để bị động, không để khủng hoảng y tế. Do vậy, khi xảy ra dịch ở phường Thanh Xuân Trung, Hà Nội có thể đưa người dân cả ngõ đi cách ly tập trung”, Bí thư thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh.

Tuy nhiên, người đứng đầu Thủ đô cũng thừa nhận, trong quá trình triển khai các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, Hà Nội cũng có sự lúng túng nhất định. Điển hình là việc triển khai làm giấy đi đường và phân 3 vùng dịch. Mặc dù Thường trực thành ủy đã bàn kỹ nhưng quá trình triển khai thực tế gặp khó khăn, vướng mắc và lãnh đạo thành phố quyết định bỏ phân vùng dịch, bỏ mẫu Giấy đi đường mới…

Những lúng túng này, theo ông Đinh Tiến Dũng, là điều khó tránh khỏi khi dịch bệnh phức tạp, khó lường, phải triển khai các biện pháp chưa có tiền lệ, vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Điều quan trọng là bảo vệ được sức khỏe người dân, bảo vệ được sự an toàn của thành phố.

Liên quan đến công tác xét nghiệm, ông Đinh Tiến Dũng cho biết, trong đợt cao điểm, thành phố đã triển khai xét nghiệm tầm soát y tế toàn dân theo chỉ định của dịch tễ và công thức của Bộ y tế.

Những vùng nguy cơ cao, rất cao như phường Thanh Xuân Trung, Văn Chương, Văn Miếu thì cứ 2-3 ngày xét nghiệm/lần, vùng nguy cơ thì 5-7 ngày/lần theo mẫu gộp… Trong đợt cao điểm đã xét nghiệm được 4,2 triệu mẫu. Nếu xét nghiệm toàn dân là 12 triệu mẫu. Có ngày Hà Nội lấy hơn 700 nghìn mẫu xét nghiệm, tiêm vaccine ngày cao nhất là hơn 600 nghìn mũi.

Liên quan đến công tác an sinh xã hội, ông Đinh Tiến Dũng cho biết, sau khi nghiên cứu triển khai Nghị quyết 68 của Chính phủ, Hà Nội đã rà soát, bổ sung thêm 10 đối tượng, giảm 15% tiền nước sạch toàn dân thành phố. Đối với những F0 triệu trứng nhẹ miễn toàn bộ chi phí điều trị.

“Điều quan trọng là Hà Nội không bị đứt chuỗi cung ứng, đứt chuỗi giá trị, bảo vệ được các khu công nghiệp. Mặc dù 9 tháng đầu năm, Hà Nội chỉ tăng trưởng 1,28% nhưng riêng công nghiệp tăng 6,3%, nông nghiệp vẫn tăng trưởng. Chỉ khu vực dịch vụ là sụt giảm”, ông Đinh Tiến Dũng cho biết.

Áp lực đảm bảo chống dịch hiệu quả

Trao đổi thêm về chiến dịch xét nghiệm đợt cao điểm, bà Trần Thị Nhị Hà (Giám đốc Sở Y tế Hà Nội) cho biết, trong 4,2 triệu mẫu xét nghiệm phát hiện được 19 ca F0. Bà Hà khẳng định, việc xét nghiệm của Hà Nội là hoàn toàn khoa học, đúng theo chỉ định dịch tễ, không lãng phí. Hà Nội thực hiện triệt để xét nghiệm mẫu gộp 10 như hướng dẫn của Bộ Y tế, đảm bảo tiết kiệm, tránh lãng phí.

Liên quan đến việc mở cửa lại trường học, Bà Trần Thị Nhị Hà cho biết, hiện Sở GD và ĐT đang xây dựng các phương án cụ thể để đưa học sinh đến trường. Tuy nhiên, việc cho học sinh đi học trở lại như thế nào liên quan cụ thể đến việc tổ chức. Mục đích quan trọng là khi đưa học sinh đến trường thì phải đảm bảo an toàn.

Trong thời gian tới, theo đánh giá của người đứng đầu ngành Y tế Hà Nội, thành phố vẫn đang phải đối diện nhiều khó khăn, thách thức. Hiện Hà Nội đã mở cửa, lượng người dân về thành phố rất đông và trong thời gian qua đã phát hiện nhiều ca F0 từ người vùng dịch trở về. Đây là áp lực rất lớn của ngành y tế.

Từ thực tiễn công tác phòng chống dịch COVID-19, bà Trần Thị Nhị Hà đề xuất, Chính phủ cần có chiến lược cụ thể hơn về chiến lược vaccine trong năm 2022. Hiện, lượng vaccine cấp cho Hà Nội vẫn rất bị động.

Thứ hai là phải nâng cao năng lực y tế dự phòng, y tế cơ sở, điều trị. Đây được xem là trụ cột, then chốt trong phòng chống dịch bệnh.

Bên cạnh đó, bà Trần Thị Nhị Hà cho rằng, cần có cơ chế đặt hàng dịch vụ xét nghiệm và định mức kinh tế kỹ thuật cho những dịch vụ xét nghiệm, quy định cụ thể, rõ ràng.