Sáng 7/5, Quốc hội tiếp tục chương trình làm việc với phần trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) do Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh trình bày, đồng thời tiến hành thảo luận tại hội trường về các nội dung còn ý kiến khác nhau.

Tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu đánh giá cao Dự thảo Luật và nỗ lực của cơ quan soạn thảo, đặc biệt là việc luật hóa các chính sách tạo việc làm, hỗ trợ vay vốn, phù hợp với chủ trương phát triển nguồn nhân lực và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, các đại biểu cũng đưa ra nhiều góp ý để hoàn thiện quy định tại Điều 9 (Vay vốn hỗ trợ tạo việc làm) và Điều 10 (Vay vốn hỗ trợ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng).

Đại biểu Bế Minh Đức (Cao Bằng) đề nghị quy định cụ thể số lượng lao động là người dân tộc thiểu số, người khuyết tật… mà một cơ sở sản xuất - kinh doanh cần sử dụng để được hưởng chính sách vay vốn với lãi suất thấp. Việc này nhằm tránh việc lạm dụng chính sách. Ông cũng đề xuất mở rộng đối tượng vay vốn từ người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo sang cả hộ cận nghèo, nhằm bảo đảm công bằng và đúng với thực tế khó khăn hiện nay.

Cùng quan điểm, Đại biểu Nguyễn Minh Tâm (Quảng Bình) cho rằng cần bổ sung các đối tượng là người lao động thuộc hộ mới thoát nghèo hoặc có hoàn cảnh khó khăn được địa phương xác nhận. Bên cạnh đó, bà cũng đề nghị bỏ cụm từ “dân tộc Kinh” tại điểm c khoản 2 Điều 9 và điểm b khoản 2 Điều 10 để đảm bảo tính công bằng cho tất cả người lao động thuộc hộ nghèo ở vùng đặc biệt khó khăn, không phân biệt thành phần dân tộc.

Nhằm tạo việc làm bền vững tại địa phương, Đại biểu Hà Sỹ Huân (Bắc Kạn) kiến nghị bổ sung chính sách khuyến khích doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động tại chỗ ở vùng nông thôn, miền núi. Đồng thời, ông đề xuất đưa thêm các đối tượng như: cơ sở sản xuất kinh doanh do phụ nữ làm chủ, sử dụng trên 50% lao động nữ, người lao động cao tuổi… vào danh sách được vay vốn ưu đãi, góp phần phát huy vai trò của phụ nữ và người cao tuổi trong sản xuất, đời sống.

Trong khi đó, đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh) bày tỏ lo ngại về khoảng trống pháp lý trong quản lý sau vay vốn. Ông cho rằng cần bổ sung cơ chế giám sát việc sử dụng vốn vay, ví dụ người vay phải báo cáo định kỳ 6 tháng/lần về tình hình sử dụng vốn và kết quả tạo việc làm cho cơ quan quản lý nhà nước địa phương, hoặc Ngân hàng Chính sách xã hội, đồng thời có cơ chế dừng giải ngân hoặc thu hồi vốn nếu sử dụng sai mục đích.
Với khoản vay đi lao động nước ngoài, ông đề xuất hỗ trợ người lao động gặp rủi ro khách quan (như dịch bệnh, thiên tai, đơn phương chấm dứt hợp đồng) bằng cách giãn nợ, cơ cấu lại thời gian trả nợ hoặc hỗ trợ từ quỹ việc làm. Đồng thời, cần có chính sách hỗ trợ người lao động gặp rủi ro khi làm việc ở nước ngoài như chấm dứt hợp đồng sớm, thiên tai, dịch bệnh... để tránh nợ xấu, giúp người lao động yên tâm xuất khẩu lao động.

Các ý kiến cho thấy sự đồng thuận về việc cần hoàn thiện chính sách vay vốn tạo việc làm một cách linh hoạt, nhân văn nhưng đồng thời có kiểm soát chặt chẽ nhằm đảm bảo hiệu quả và công bằng xã hội.
Ngay sau phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo Tổng Thư ký Quốc hội tổng hợp ý kiến, tiếp thu, giải trình và hoàn thiện dự án luật để gửi tới các đại biểu thông qua, dự kiến vào ngày 11/6/2025 - ngày đầu tiên của Đợt 2 kỳ họp này.