Đây là thông tin được đưa ra tại Hội thảo Công bố kết quả đánh giá mức độ ứng dụng công nghệ thông tin của các bộ, ngành và địa phương năm 2019 và phổ biến Bộ chỉ số chuyển đổi số cấp bộ, cấp tỉnh và quốc gia do Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Hội truyền thông số Việt Nam tổ chức.

Mức độ ứng dụng công nghệ thông tin năm 2019 vẫn được thực hiện theo 6 hạng mục là hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin; Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan; Trang/Cổng thông tin điện tử; Cung cấp dịch vụ công trực tuyến; Cơ chế, chính sách và quy định cho ứng dụng công nghệ thông tin và Nhân lực cho ứng dụng công nghệ thông tin.

Top đầu về chỉ số tổng thể mức độ ứng dụng công nghệ thông tin của Bộ, cơ quan ngang bộ năm 2019 không thay đổi so với năm trước đó, lần lượt là Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Bộ Thông tin và Truyền thông. Về tổng thể mức độ ứng dụng công nghệ thông tin của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2019 tỉnh Thừa Thiên Huế đã vươn lên xếp thứ nhất, vượt qua vị trí thứ nhất năm 2018 của Thành phố Đà Nẵng. Đặc biệt, các tỉnh An Giang, Bắc Kạn và Bắc Ninh đã có vị trí cao hơn nhiều so với năm 2018, cụ thể An Giang đứng ở vị trí thứ 7, Bắc Kạn xếp thứ 16 và 17 là Bắc Ninh.

Theo ông Nguyễn Phú Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tin học hoá, Bộ Thông tin và Truyền thông, một số tỉnh có sự thay đổi xếp hạng lớn như Lạng Sơn, An Giang, Bắc Kạn, Bắc Ninh. Các tỉnh này thay đổi vị trí xếp hạng nhiều do tích cực cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và mức độ 4, đặc biệt là cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 cũng là chủ trương của Việt Nam trong thời gian tới. Chính phủ điện tử Chính phủ số sẽ hướng tới người dân chính là cung cấp dịch vụ công trực tuyến.

Bộ Thông tin và Truyền thông hiện đang xây dựng và sẽ trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược Chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030. Để có thể phát triển Chính phủ điện tử, hướng tới chính phủ số cần triển khai theo hướng nền tảng, tức là thay vì chỉ chọn một vài dịch vụ theo kinh phí, theo nhu cầu, thì triển khai trên nền tảng sẽ giúp tiết kiệm được thời gian, chi phí cũng như tăng cường khả năng kết nối, chia sẻ thông tin. Bên cạnh đó, khi triển khai dịch vụ công trực tuyến, cần quan tâm đến việc kết nối với các cơ sở dữ liệu, kết nối với các hệ thống thông tin của cơ quan Nhà nước khác, để người dân không phải nộp hồ sơ giấy. Đồng thời, triển khai hệ thống hỗ trợ thanh toán trực tuyến, để giúp các bộ, ngành, địa phương có thể kết nối để hỗ trợ thanh toán khi chuyển lên dịch vụ công mức độ 4.