Vụ cháy xảy ra tại Chùa Vẽ, tỉnh Bắc Giang cách đây không lâu đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về nguy cơ hỏa hoạn tại các di tích lịch sử văn hóa, nhất là các cơ sở thờ tự. Để ngăn ngừa những vụ việc tương tự, từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng của Hà Nội đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn về phòng cháy, chữa cháy (PCCC). Lãnh đạo của các cơ sở tâm linh cũng rất quan tâm đến vấn đề này. Như tại Chùa Mía - ngôi cổ tự gần 400 tuổi nằm trên địa bàn thị xã Sơn Tây, Hà Nội, dù luôn tấp nập người dân đến chiêm bái, vãn cảnh nhưng bên trong không có bất kỳ một nén nhang hay ngọn nến nào được thắp lên. Trụ trì nhà chùa - sư thầy Thích Đàm Thanh cho biết công tác phòng, chống cháy nổ đã ăn sâu vào ý thức của các tăng ni, phật tử. Điều này được thể hiện qua việc bố trí nơi thắp hương đảm bảo an toàn về PCCC, có quy định về giờ thắp hương. “Nhà chùa không cho phép du khách thắp nến, thắp hương ở bên trong chùa. Từ 4h30, nhà chùa đã làm lễ, thắp hương, đến 16h30 sẽ tắt hoàn toàn. Hệ thống điện cũng ngắt để đảm bảo an toàn về cháy nổ”, sư thầy Thích Đàm Thanh cho biết.

Không riêng chùa Mía, những cơ sở tâm linh tại thị xã Sơn Tây luôn thu hút đông đảo người dân, du khách tới vãn cảnh, chiêm bái. Thượng tá Nguyễn Đức Thành, Phó Trưởng Công an thị xã Sơn Tây cho biết địa bàn có 244 di tích các loại. Đây cũng là nơi có bề dày truyền thống văn hóa với khoảng 65 lễ hội truyền thống. Nguy cơ mất an toàn về cháy nổ luôn tiềm ẩn, nhất là nhất là dịp đầu xuân. Để ngăn ngừa hỏa hoạn, ngay từ những ngày đầu năm, đơn vị đã tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn các cơ sở chủ động phòng ngừa, thực hiện tốt các quy định về phòng cháy, chữa cháy. “Chúng tôi đánh giá lượng du khách đến các cơ sở tâm linh rất lớn nên nguy cơ về sự cố cháy nổ cao.

Trên cơ sở này, chúng phân công cán bộ, chiến sỹ đến các di tích hướng dẫn người dân, du khách thực hiện đúng các quy định về PCCC, như không thắp hương bên trong đình, chùa; chỉ thắp hương và hóa vàng ở khu vực bên ngoài, tại nơi đã được quy định”, Thượng tá Nguyễn Đức Thành cho biết.

Nhận thấy nguy cơ hỏa hoạn rất cao nên Ban Quản lý (BQL) Đền thờ Hai Bà Trưng, huyện Mê Linh, Hà Nội còn trang bị nhiều bình cứu hỏa cỡ nhỏ. Ngoài ra, theo ông Hoàng Anh, Phó Trưởng BQL di tích, quan trọng hơn cả vẫn là công tác phòng ngừa. Để những sự việc đáng tiếc không xảy ra, BQL thực hiện tốt lời cảnh báo của lực lượng chức năng, thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn du khách thắp hương đúng quy định. “Chúng tôi tập trung nhắc nhở các cụ Thủ từ để họ thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở du khách khi làm lễ, thắp hương đúng nơi quy định để đề phòng hỏa hoạn”, ông Anh cho biết.

Thượng tá Ngô Tiến Long, Phó Trưởng Công an huyện Mê Linh cho biết, nhằm đảm bảo an toàn PCCC tại các khu di tích, cơ sở thờ tự, đơn vị đã xây dựng các phương án, kế hoạch phòng ngừa từ sớm, như tổ chức kiểm tra hệ thống điện; việc sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt tại nơi thắp hương, hóa vàng; tình trạng thiết bị chữa cháy. “Công an huyện Mê Linh triển khai đồng bộ các biện pháp đảm bảo an toàn PCCC với các cơ sở tín ngưỡng, như kiểm tra để loại trừ các nguyên nhân xảy ra cháy; tuyên truyền, hướng dẫn cho BQL các khu di tích về các giải pháp phòng cháy, quán triệt thực hiện các định về thắp hương, thắp nến đảm bảo an toàn”, Thượng tá Ngô Tiến Long chia sẻ.

Đầu xuân là thời điểm diễn ra nhiều hoạt động du xuân, lễ hội. Người dân thường tập trung đông tại các di tích lịch sử, tôn giáo, tín ngưỡng dẫn đến nguy cơ xảy ra cháy nổ rất cao. Ý thức được điều này, lực lượng chức năng và những người thực làm công tác quản lý các cơ sở này đã chủ động thực hiện các biện pháp phòng cháy, chữa cháy. Tuy nhiên, để những sự việc đáng tiếc không xảy đến, mỗi người dân cũng cần nâng cao ý thức, thực hiện tốt biện pháp an toàn về PCCC khi tới chiêm bái, vãn cảnh.