Số liệu thống kê cho thấy, năm 2020, tổng thiệt hại về kinh tế do thiên tai gây ra khoảng 40 nghìn tỷ đồng. Theo dự báo, trong năm tại khu vực miền núi phía Bắc, mưa lớn sẽ tập trung vào tháng 6 đến tháng 9 với khả năng xảy ra mưa lớn cục bộ thời đoạn ngắn. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét sạt lở đất trong khu vực và có khả năng xuất hiện sớm tại khu vực Tây Bắc và Việt Bắc. Từ tháng 4 đến tháng 7 có khả năng xảy ra dông mạnh kèm theo lốc, sét và mưa đá tại các địa phương. Do đó, trước diễn biến cực đoan của thiên tai, các địa phương cần đề phòng tình huống mưa lớn cực đoan đã xảy ra tại các tỉnh miền núi phía Bắc trong những năm gần đây.

Ông Bùi Văn Quang, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ cho biết, địa phương xác định công tác phòng, chống thiên tai là nhiệm vụ cấp bách của các cấp, các ngành và của cả hệ thống chính trị. Khắc phục khó khăn và huy động các nguồn lực để phòng chống, ứng phó khắc phục những hậu quả thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”. Qua đó đề ra các biện pháp phòng, chống thiên tai hiệu quả, đặc biệt những giải pháp về phát triển bền vững thích ứng với thiên tai và biến đổi khí hậu.

Để nâng cao khả năng phòng, chống thiên tai của khu vực miền núi phía Bắc, cần đầu tư nguồn lực cao hơn. Song song với đó cần chủ động phòng chống thiên tai, xây dựng cộng đồng an toàn. Theo đó, cần nhận định rõ những tồn tại và hạn chế về kỹ năng phòng chống thiên tai của cộng đồng. Ông Trịnh Xuân Trường, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai cho rằng, trong thời gian tới sẽ phải tăng cường tuyên truyền về nâng cao khả năng thích ứng của cộng đồng dân cư, nhất là ở miền núi vùng đồng bào dân tộc.

Theo phân tích của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – Phó trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai Lê Minh Hoan, phòng ngừa ở đây không chỉ trong một vài năm mà phải theo giai đoạn 5 năm đến 10 năm với những giải pháp phòng một cách căn cơ lâu dài. Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ tham mưu cho Chính phủ để cụ thể hóa Chiến lược phòng, chống thiên tai trong 5 năm, 10 năm, những nguồn lực đánh giá những mức độ rủi ro, cơ sở hạ tầng, những phương tiện ứng phó kịp thời để giảm thiệt hại về người và của cho nhân dân. Đặc biệt là phải xem xét lại quy hoạch không gian sống cho bà con dân tộc vì hiện nay bà con vẫn sinh sống theo tập quán ở ven sông suối, những chỗ xung yếu mỗi khi xảy ra biến động về thời tiết. Vấn đề này không thể thực hiện trong thời gian ngắn mà phải xem lại quy hoạch không gian sống và sản xuất của người dân, đó mới là hướng căn cơ lâu dài.

Việc nâng cao năng lực ứng phó, tìm kiếm cứu nạn, tái thiết sau thiên tai để nhanh chóng ổn định cuộc sống của người dân cũng cần được chú trọng. Để thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm thiệt hại khi thiên tai xảy ra, các tỉnh miền núi phía Bắc cần có chiến lược lâu dài với các giải pháp căn cơ phù hợp với điều kiện thực tế trong phòng, chống thiên tai.