Chiều 7/6, tân Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang trình Quốc hội Dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi). Bộ trưởng nhấn mạnh “Việc sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống mua bán người là yêu cầu cấp thiết, khách quan nhằm hoàn thiện pháp luật phòng, chống mua bán người, tạo nhận thức thống nhất và đầy đủ về công tác phòng, chống mua bán người trong thời gian tới”.

Theo đó, Dự án Luật Phòng chống mua bán người (sửa đổi) bổ sung những quy định nâng cao chế độ hỗ trợ đối với nạn nhân so với quy định của Luật hiện hành, gồm: Tất cả nạn nhân có nguyện vọng trở về nơi cư trú được hỗ trợ các khoản chi phí đi lại và tiền ăn để trở về nơi cư trú; được hỗ trợ chi phí khám, chữa bệnh; được hỗ trợ để ổn định tâm lý; tất cả nạn được trợ giúp pháp lý;…

Thảo luận tại tổ, đại biểu Trần Thị Vân, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh cho rằng việc hỗ trợ các nhu cầu cần thiết cho nạn nhân, luật đã quy định rất cụ thể. Tuy nhiên, còn một quy trình nếu không đưa vào Luật sẽ khó thực hiện. Đó là trong quá trình xác định 1 người có phải là nạn nhân bị mua bán mà cần di chuyển từ địa phương này sang địa phương khác để hoàn thiện các thủ tục nếu không có sự hỗ trợ kinh phí đi lại sẽ vô cùng khó khăn. Đại biểu kiến nghị “khoản 1, điều 38 cần bổ sung thêm chi phí đi lại cho người đang xác nhận có phải nạn nhân hay không”.

Liên quan đến các chính sách hỗ trợ cho nạn nhân tái hòa nhập cộng đồng, đại biểu Lê Thị Thanh Lam, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang đề nghị bổ sung thêm quyền "được hỗ trợ đào tạo nghề, giới thiệu việc làm", qua đó giúp ổn định cuộc sống. Đại biểu Lam nhấn mạnh “trong thực tế, nạn nhân sau khi bị mua bán người trở về thường khó hòa nhập cộng đồng, không có được nguồn thu nhập ổn định nếu không có sự trợ giúp của gia đình, các cơ quan, đoàn thể địa phương”.

Quan tâm đến các chính sách hỗ trợ vay vốn cho nạn nhân mua bán người, đại biểu Mai Thị Phương Hoa, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định cho rằng đây là chính sách nhân đạo của Đảng và Nhà nước ta. Tuy nhiên, trong thực hiện, nếu yêu cầu các nạn nhân phải chứng minh là người khó khăn về mặt tài chính thì rất khó cho họ. Do đó, nếu dự thảo đã mở chính sách thì cũng nên mở cả chế độ trợ giúp pháp lý.

Một vấn đề cũng được nhiều đại biểu quan tâm, đó là những quy định hỗ trợ cho người đi cùng nạn nhân bị mua bán hoặc đang trong quá trình xác định là nạn nhân. Theo đó, Luật phòng chống mua bán người (sửa đổi) quy định người dưới 18 tuổi đi cùng nạn nhân không được hưởng các chế độ hỗ trợ học văn hóa.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắc Lắc, điều này rất thiệt thòi cho các em, ảnh hưởng đến sự phát triển cũng như hoàn thiện nhân cách của mỗi đứa trẻ. Chính vì thế, đại biểu đề xuất “Nên chăng luật phải bổ sung thêm người đi cùng nạn nhân cũng được hưởng chế độ hỗ trợ văn hóa như nạn nhân. Như vậy, sẽ tạo điều kiện cho người đi cùng nạn nhân dưới 18 tuổi có điều kiện tiếp tục trở lại con đường học tập và giáo dục về mọi mặt.”

Đại biểu Hoàng Văn Nghiệm, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn cũng đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu và bổ sung quy định và quyền của nhóm trẻ được sinh ra trong quá trình người mẹ bị lừa bán ra nước ngoài. Từ thực tế của địa phương, đại biểu cho biết “Chúng tôi, tiếp nhận quản lý, nuôi dưỡng những trường hợp như thế này rất nhiều, và nhận thấy có nhiều điểm bất cập. Hiện cơ quan chức năng phải tiếp nhận nuôi dưỡng bởi các cháu rất nhỏ. Chúng tôi cũng liên hệ rất tích cực với cơ quan có thẩm quyền nhưng chưa có luật nào quy định về những trường hợp như thế này”.

Cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Hà, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh cũng đặt ra câu hỏi. “Phụ nữ Việt Nam bị bán ra nước ngoài và có con, đứa trẻ đó có được coi là nạn nhân hay không? Nếu những đứa trẻ đó không được coi là nạn nhân thì sẽ không được hưởng các chế độ theo pháp luật quy đinh. Liệu có đang bỏ sót đối tượng này hay không? Còn nếu đứa trẻ này là nạn nhân thì phải quy định cụ thể những quy định những hỗ trợ đó như thế nào và phải quy định cụ thể trong Dự thảo luật để tránh gây tranh cãi”.

Theo thống kê, nạn nhân của tội phạm mua bán người có 73% là phụ nữ, gần đây đối tượng, phạm vi mua bán người đã mở rộng ra cả trẻ em và nam giới. Chính vì thế, ưu tiên ngân sách cho phòng chống mua bán người ở những địa bàn trọng điểm, vùng biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được nhiều đại biểu góp ý cho dự án Luật.

Các đại biểu kỳ vọng việc sửa đổi, bổ sung dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) sẽ bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền của nạn nhân, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam hiện nay và trong thời gian tới.