Cách đây 3 năm, dư luận từng đau xót trước vụ tai nạn thảm khốc xảy ra tại hầm Kim Liên, Hà nội. Nạn nhân là 2 người phụ nữ tuổi đời còn khá trẻ. Vụ tai nạn đã khiến 4 đứa trẻ mồ côi mẹ. Hay như vụ một xe 7 chỗ gây tai nạn liên hoàn trên đường Láng, Đống Đa, Hà Nội khiến 1 nữ công nhân vệ sinh có hoàn cảnh vô cùng đáng thương tử vong.

Còn mới đây nhất, vụ tai nạn giao thông thảm khốc xảy ra tại Bắc Giang làm chết 3 người trong cùng một gia đình, một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng uống rượu bia khi tham gia giao thông. Đây là vấn đề gây bức xúc với toàn xã hội, bởi hậu quả đặc biệt nghiêm trọng của nó .

Theo thống kê của Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia, khoảng 40% số vụ tai nạn giao thông và 11% số người chết có liên quan đến rượu bia, con số này có xu hướng tiếp tục gia tăng. Còn kết quả khảo sát của Tổ chức Y tế thế giới đối với các nạn nhân nhập viện vì tai nạn giao thông thì có tới hơn 36% số người lái xe máy và gần 67% người lái ôtô có nồng độ cồn trong máu vượt ngưỡng cho phép. Trong số 100 nạn nhân tử vong vì tai nạn giao thông có liên quan đến rượu, bia, độ tuổi 15 - 29 chiếm tới gần 60%. Nam giới chiếm hơn 90% tổng số nạn nhân.

Vì sao tai nạn giao thông liên quan đến rượu bia vẫn không giảm?

Theo các chuyên gia y tế, rượu bia là một chất gây ảo giác nặng với hệ thần kinh, làm hệ thần kinh mất khả năng tự chủ, mất khả năng định hướng, mất khả năng điều khiển vận động. Trong trường hợp người điều khiển phương tiện giao thông có sử dụng rượu, bia, nồng độ cồn trong rượu, bia, tác động vào thần kinh dễ khiến người điều khiển phương tiện mất khả năng định hướng, khả năng điều khiển vận động và gây ra tai nạn. Tuy nhiên, trên thực tế, vẫn còn một bộ phận người dân chủ quan cho rằng, việc uống một hai cốc bia rồi lái xe là chuyện bình thường. Thậm chí khi bị lực lượng chức năng yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn đã không hợp tác, tìm mọi cách chống đối.

Bên cạnh việc thiếu ý thức của chính bản thân mỗi người dân khi tham gia giao thông, dư luận cũng đặt câu hỏi, liệu sự gia tăng các vụ tai nạn giao thông liên quan đến rượu bia còn có thể do người thực thi pháp luật chưa sâu sát, chưa nghiêm hay quy định của pháp luật hiện hành chưa đủ mạnh, chưa đủ sức răn đe?

Trao đổi với PV VOV2, PGS.TS Phạm Việt Cường, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chính sách và phòng chống chấn thương, Đại học Y tế công cộng cho rằng, Việt Nam là một trong những quốc gia có quy định về việc cấm uống rượu lái xe ở mức rất chặt và cao so với thế giới. Ngoài những quy định trong Luật phòng, chống tác hại rượu, bia năm 2019, sự ra đời của Nghị định 100, về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2020 cũng đã tăng mức xử phạt hành vi vi phạm nồng độ cồn khi lái xe tham gia giao thông. Theo quy định này, cứ uống rượu, bia, dù uống nhiều, hay ít mà điều khiển phương tiện tham gia giao thông là đều vi phạm và bị xử phạt. Quy định này khi được triển khai đã góp phần tác động rất lớn đến ý thức, trách nhiệm của người tham gia giao thông.

Tuy nhiên theo, TS Cường, đầu năm 2020 khi Nghị định 100 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt ra đời, đang được lực lượng chức năng ra quân triển khai rất quyết liệt và tạo ra được những thay đổi tích cực trong xã hội, thì cũng đúng lúc, nước ta phải đối mặt với đại dịch covid- 19, thực hiện giãn cách xã hội và vì thế toàn bộ hoạt động kiểm tra, xử lý đều bị giảm dần qua từng năm. Đây cũng có thể xem là một trong những yếu tố làm gia tăng các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng liên quan đến rượu bia trong thời gian gần đây.

Cần hình sự hóa hành vi lái xe sau khi uống rượu bia

Trước tình trạng uống rượu bia khi lái xe và gây tai nạn giao thông nghiêm trọng như hiện nay, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã kiến nghị, với hành vi vi phạm quy định nồng độ cồn ở mức đặc biệt nghiêm trọng, kể cả khi chưa gây hậu quả cũng cần được xem xét xử lý hình sự

Nêu quan điểm trước đề xuất này, TS Cường cho rằng, hành vi sử dụng rượu bia hoặc chất kích thích khác khi điều khiển phương tiện giao thông cần phải tăng chế tài mạnh mẽ hơn mới đủ sức răn đe.

TS Cường phân tích, hiện Luật hình sự đã có những quy định liên quan đến vi phạm về giao thông. Tuy nhiên chỉ trong trường hợp đã xảy ra tai nạn giao thông, gây hậu quả nghiêm trọng thì lúc đó mới có thể quy về tội hình sự và xử lý vi phạm theo Bộ luật hình sự. Trên thực tế, Tổ chức y tế thế giới cũng như rất nhiều tổ chức ở các quốc gia khác, đều khuyến cáo rằng việc uống rượu và lái xe, luôn tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông rất cao.

“Nếu anh không va chạm vào ai khi anh lái xe nhưng anh cũng có thể gây ra tai nạn cho chính bản thân khi đâm vào đâu đó”. Chính vì những hậu quả khôn lường này nên TS Cường cho rằng việc nghiên cứu để sớm hình sự hóa hành vi vi phạm quy định nồng độ cồn ở mức đặc biệt nghiêm trọng khi tham gia giao thông là thực sự cần thiết, phù hợp với xu hướng thế giới, đồng thời đảm bảo tính nhân văn và hiệu quả phòng ngừa, ngăn chặn từ sớm nguy cơ tai nạn giao thông.

“Trước một quy định mới, chắc chắn sẽ gây tranh cãi trong xã hội. Tthế nhưng khi xác định đây là một hành vi nguy cơ cao gây ra những cái chết đau lòng và có thể sẽ lặp đi lặp lại dẫn đến tổn hại về tài sản, thân thể và vệ tính mạng người khác thì việc lên án và cần thiết có những chế tài mạnh để ngăn chặn là hoàn toàn hợp lý” PGS.TS Phạm Việt Cường khẳng định.

Cũng theo TS Cường, không chỉ ở các nước phát triển có thu nhập cao như ở Châu Âu hay là Mỹ áp dụng chế tài này mà ngay cả những quốc gia trong khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Philippin, Inđônêxia. Malayxia…là những nơi có điều kiện giao thông và nền văn hóa giống gần giống như Việt Nam, cũng đã triển khai từ rất lâu và những hiệu quả ghi nhận cũng rất lạc quan.

“Với các nước này, lái xe cá nhân hay lái xe thương mại, và tùy thuộc vào mức độ cồn vi phạm để có thể áp dụng hình phạt tiền hay thu giữ xe hoặc phạt tù. Và đặc biệt nếu vi phạm lặp lại, gây tai nạn nặng hơn thì hình phạt sẽ gấp đôi”, TS Cường dẫn chứng.

Không thể cứ "nhẹ tay" mãi…

Để thực hiện mục tiêu kéo giảm tai nạn giao thông năm 2022 từ 5-10% so với năm 2021 cả về số vụ, số người chết và số người bị thương, ngăn ngừa các vụ tai nạn giao thông liên quan đến người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông, mới đây Thủ tướng Chính phủ đề nghị các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị xã hội, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các đơn vị có liên quan chỉ đạo thực hiện nghiêm Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Cùng với đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan, đơn vị, sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, chiến sĩ, người làm việc trong lực lượng vũ trang nhân dân, học sinh, sinh viên thực hiện nghiêm các quy định về cấm uống rượu, bia; gương mẫu thực hiện nghiêm quy định đã uống rượu, bia không lái xe, có biện pháp xử lý nghiêm đối với cá nhân, tập thể vi phạm.

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tăng cường thực hiện tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm người điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu và hơi thở có nồng độ cồn hoặc có chất ma túy.

Đối với các cơ quan thông tấn, báo chí ở Trung ương và địa phương, Thủ tướng đề nghị cần tăng cường tuyên truyền về Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và nguyên nhân, hậu quả của tai nạn giao thông nói chung, tai nạn giao thông do vi phạm về nồng độ cồn nói riêng để nâng cao nhận thức của người dân, nghiêm túc thực hiện “Đã uống rượu, bia - không lái xe”. Đẩy mạnh tuyên truyền trên mạng xã hội, hạ tầng số và vào các khung giờ vàng trên sóng phát thanh, truyền hình.