Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định: “Ngay từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội thông qua các kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021-2025 về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư công trung hạn, cơ cấu lại nền kinh tế, xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù của một số địa phương. Đây là những quyết sách quan trọng nhằm cụ thể hóa định hướng phát triển kinh tế-xã hội của Đảng và cũng là căn cứ quan trọng để các cấp, các ngành, các địa phương tổ chức triển khai thực hiện trong thời gian tới”.

Đồng thời, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi, ban hành nhiều đạo luật quan trọng với tư duy và tầm nhìn đổi mới nhằm tháo gỡ các rào cản, khó khăn, vướng mắc; tăng cường phân cấp, phân quyền, phân định rõ trách nhiệm, thẩm quyền cho các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương. Tạo quyền chủ động cho các cấp, các ngành trong đầu tư sản xuất kinh doanh để huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực xã hội cho đầu tư, phát triển.

Trước tác động của dịch bệnh COVID-19, ngay từ đầu năm 2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ động lắng nghe ý kiến của các hiệp hội, doanh nghiệp, các tổ chức, chuyên gia trong nước và quốc tế để kịp thời tham mưu ban hành các chính sách chưa từng có tiền lệ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp giảm chi phí, duy trì sản xuất, sớm trở lại hoạt động khi dịch bệnh được kiểm soát. Kịp thời hỗ trợ cho người dân, người lao động, hợp tác xã, hộ kinh doanh trước những tác động đứt gãy của chuỗi cung ứng chuỗi sản xuất góp phần hực hiện thành công các mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội 5 năm 2021-2025 và Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2021-2030 mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra.

Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội Âu Thị Mai (đoàn Tuyên Quang) về các gói hỗ trợ phục hồi kinh tế, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu ra những kinh nghiệm triển khai các gói hỗ trợ phục hồi kinh tế của các quốc gia khác trên thế giới. Bộ trưởng cho biết, các nước thường đưa ra các gói hỗ trợ rất lớn, quyết định rất nhanh, chấp nhận tăng nợ công, nợ Chính phủ ... để qua đó phục hồi kinh tế một cách nhanh nhất.

"Họ thống nhất quyết định rất nhanh, thực hiện rất dễ và chuyển làm ngay. Do đó, những nước này sau khi được tiêm phủ vaccine có tốc độ tăng trưởng và hồi phục rất nhanh", Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận xét.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư ở Việt Nam, chương trình hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế phải có quy mô đủ lớn, thời gian thực hiện phải phù hợp, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế.

Bộ trưởng cho biết, các chính sách hỗ trợ sẽ tập trung cho người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã, ngành lĩnh vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch, những ngành có tiềm năng phục hồi nhanh, đóng góp lớn cho nền kinh tế.

Cũng quan tâm về các gói hỗ trợ phục hồi kinh tế, đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Sơn, tỉnh Hải Dương nêu thắc mắc: “Trong các chỉ tiêu kinh tế xã hội năm 2022 mà Chính phủ trình Quốc hội, chỉ tiêu tốc độ tăng GDP đạt 6-6,5%, tốc độ tăng CPI bình quân 4%, tỷ lệ bội chi ngân sách Nhà nước so với GDP khoảng 4%. Khi xây dựng những chỉ tiêu này đã dự báo hết nguy cơ gia tăng tỷ lệ lạm phát chưa, nhất là hậu quả nặng nề do dịch COVID-19 gây ra. Đồng thời, trong tỷ lệ bội chi nêu trên, đã bao gồm các gói phục hồi kinh tế mà Chính phủ trình Quốc hội trong thời gian tới chưa?”

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định: “Cơ sở để xác định các mục tiêu trên đều dựa trên tình hình thực tiễn, có tính đến khả năng chúng ta kiểm soát được dịch bệnh vào quý IV và khả năng phục hồi của nền kinh tế khi chúng ta mở cửa trở lại. Đồng thời cũng chưa tính các gói phục hồi kinh tế vào tỷ lệ bội chi đề ra. Nếu được Quốc hội thông qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tính toán điều này làm tăng thêm bội chi khoảng 1% và chúng ta có thể kiểm soát được. Khi kinh tế phát triển và quy mô của nền kinh tế tăng lên sẽ giải quyết được rất nhiều mục tiêu: Giải quyết được việc làm, tận dụng các cơ hội, các chỉ số về nợ công và bội chi cũng sẽ giảm đi”.

Về vấn đề chậm giải ngân, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng liệt kê hàng loạt nguyên nhân, cả chủ quan, khách quan như: Công tác chuẩn bị dự án kém, mang tính hình thức nhiều; giải phóng mặt bằng chậm; không được bố trí vốn đối ứng... Riêng năm 2021, ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, phải giãn cách xã hội nên giá nguyên vật liệu, nhân công tăng cao... Nhìn tổng thể, Bộ trưởng cho rằng nguyên nhân ở khâu thực hiện là chính.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư tất cả các dự án nhóm A, B, C đều đã phân cấp cho địa phương. Bộ chỉ còn ba chức năng chính là xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn; đảm bảo chiến lược 10 năm và kế hoạch 5 năm; xây dựng nguyên tắc, tiêu chí điều hành hàng năm. Khi được Quốc hội thông qua, Thủ tướng đã giao vốn một lần, theo một khoản cho các địa phương ngay từ tháng 11 năm trước.

"Vì vậy, vấn đề hiện nay là nằm ở địa phương… Chúng tôi luôn nỗ lực không để chậm một ngày, một giờ nào. Còn quy trình thủ tục gồm nhiều bước, lấy ý kiến nhiều cơ quan để tổng hợp lại có thể chậm, chúng tôi rút kinh nghiệm và cố gắng cao nhất", ông Dũng khẳng định.

Hết 10 tháng năm 2021, tỷ lệ giải ngân mới đạt khoảng 50%, 16.000 tỷ đồng của ba chương trình mục tiêu quốc gia, đến nay chưa phân bổ được một đồng, 86.000 tỷ đồng của các địa phương cũng chưa phân bổ.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thừa nhận: “ Bộ Kế hoạch và Đầu tư có một phần trách nhiệm, như nể nang, chỉ tổng hợp rồi đưa lên con số, con số lớn nên gây áp lực cho tỷ lệ giải ngân. Do không sát thực tiễn nên dẫn đến phải điều chuyển vốn, trả lại vốn, đầu tư không hiệu quả... Chúng tôi xin nhận một phần trách nhiệm trong kế hoạch vốn mà các bộ, ngành, địa phương trình lên. Chúng tôi xin hứa khắc phục vấn đề này thời gian tới".

Cuối buổi trả lời chất vấn chiều ngày 11/11 vẫn còn nhiều đại biểu nêu câu hỏi và đăng ký tham gia tranh luận tại Hội trường. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chuyển tiến hành những chất vấn và phần tranh luận, cũng như trả lời của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư sang sáng ngày 12/11 ./.