Học xong trường nghề, anh Trần Như Dũng trở về quê ở huyện Mê Linh, Hà Nội, xin vào làm tại một doanh nghiệp có trụ sở cách nhà chỉ vài km. Thu nhập tốt và công việc ổn định nên anh Dũng tâm niệm sẽ gắn bó lâu dài với doanh nghiệp này. Tuy nhiên, mọi việc không diễn ra theo dự tính. Khi dịch covid-19 bùng phát, anh bị giãn việc, giảm lương vì doanh nghiệp thiếu đơn hàng. Nghĩ rằng khó khăn sẽ qua đi khi dịch bệnh được kiểm soát, anh chấp nhận mức lương thấp và cố bám trụ. Song, do kinh tế thế giới suy giảm nên doanh nghiệp nơi anh làm việc vẫn chưa thể phục hồi, thậm chí còn phải tiếp tục cắt giảm nhân sự, thu hẹp sản xuất. Nhìn sang các công ty kế bên, anh Dũng cũng thấy hàng loạt công nhân bị sa thải. Thay vì ngồi chờ đến lượt bị cắt giảm, anh Dũng chủ động làm đơn xin nghỉ việc. Tận dụng số vốn nho nhỏ sau 7 năm đi làm dành dụm, anh chuyển sang kinh doanh tự do.

Anh Dũng cho biết, một số đồng nghiệp sau khi bị bộ phận nhân sự của công ty cắt giảm cũng có hướng đi tương tự. Vì thiếu vốn làm ăn, họ đã làm thủ tục để rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần. Bản thân anh Dũng cũng từng nghĩ đến điều này, tuy nhiên, anh đã hành động khác. “Trước đây, em làm việc tại một công ty và tham gia bảo hiểm bắt buộc được 7 năm. Từ khi nghỉ hơn một năm nay, em đóng tiếp BHXH tự nguyện. Lúc em tham gia, có nhiều người nói nếu đóng tiếp để chờ lấy lương hưu thi lâu lắm. Tuy nhiên, em vẫn muốn đóng tiếp để khi hết tuổi lao động, không còn làm việc được nữa thì hàng tháng mình vẫn có tiền chi tiêu cho cuộc sống”, anh Dũng thổ lộ.

Anh Dũng chia sẻ trong lúc nghỉ việc, cần thêm vốn để kinh doanh, anh đã đặt việc rút BHXH một lần lên “bàn cân lợi ích” để ra quyết định rút hay đóng tiếp. Anh nhận thấy, BHXH không chỉ là “của để dành” mà còn là khoản tích lũy để phòng ngừa rủi ro. Theo đó, nếu đóng tiếp, anh sẽ có được những lợi ích mà không một khoản tiết kiệm nào có thể so sánh được. Còn nếu rời bỏ đồng nghĩa với việc anh tự tước đi quyền được tham gia, thụ hưởng các chế độ ưu việt của chính sách này, đặc biệt là các chế độ dài hạn như hưu trí.

Để cập trường hợp của anh Trần Như Dũng, ông Trương Xuân Cừ, đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội cho rằng đó là quyết định đúng đắn. Bởi lẽ, nếu rút BHXH một lần, anh Dũng có thể giải quyết được khó khăn trước mắt nhưng sẽ mất đi cơ hội nhận lương hưu khi hết tuổi lao động. Theo đó, người lao động không được cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) miễn phí trong suốt thời gian hưởng lương hưu để hưởng các quyền lợi về khám chữa bệnh BHYT, chăm sóc sức khỏe khi tuổi già - độ tuổi dễ gặp bất trắc về sức khỏe. Theo quy định hiện hành, nếu rút BHXH một lần thì số tiền anh Dũng nhận về cũng thấp hơn so với số tiền đã đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội. Qua phân tích và nhìn vào tình trạng người lao động đua nhau rút BHXH một lần, ông Cừ không khỏi lo lắng. “Vừa rồi do dịch covid-19, tình hình kinh tế khó khăn nên lượng người lao động rút BHXH một lần rất cao. Sau 15-20 năm nữa, đây sẽ là gánh nặng với chính họ và hệ thống an sinh của nhà nước. Không có BHXH thì khi về già họ sẽ cực kỳ khó khăn”, ông Cừ chia sẻ.

Qua nghiên cứu, Tiến sỹ Nguyễn Thế Huệ, Viện trưởng Viện nghiên cứu Người cao tuổi Việt Nam cũng khẳng định hệ lụy của việc rút BHXH một lần hoặc không tham gia BHXH khi còn trong độ tuổi lao động là rất rõ. “Tại Nhật Bản, có tình trạng người già vẫn phải khách sạn để dọn dẹp, lau nhà, hút bụi. Còn ở Việt Nam đang có tình trạng người lao động rút BHXH một lần để trang trải cuộc sống trước mắt mà không lo xa cho mình lúc về già. Nếu không thay đổi thì tương lai của những người này cũng không thể khác được”, ông Huệ nêu ví dụ.

Có thể nói hệ lụy của việc rút BHXH một lần là rất rõ. Không chỉ người lao động phải đối mặt với khó khăn, rủi ro khi về già mà gánh nặng an sinh còn đè lên đôi vai Nhà nước trong tương lai. Do vậy, thay vì chọn chọn phương án rút BHXH một lần để giải quyết khó khăn trước mắt, người lao động có thể bảo lưu thời gian đóng, khi có điều kiện sẽ tiếp tục tham gia BHXH bắt buộc hoặc BHXH tự nguyện để thụ hưởng các chính sách an sinh xã hội khi hết tuổi lao động. Như trường hợp nghỉ việc tại doanh nghiệp rồi chuyển sang kinh doanh tự do của anh Trần Như Dũng, ở Mê Linh, Hà Nội là một điển hình.

Nghe bài viết dưới đây: