Tự kỷ có thể xuất hiện ở mọi gia đình, màu da và sắc tộc, không phân biệt hoàn cảnh kinh tế và học vấn cũng như không liên quan đến cách giáo dục của cha mẹ. Theo các chuyên gia, tự kỷ là một phổ rộng, từ nhẹ đến nặng, không rõ nguyên nhân và không thể phòng ngừa; chỉ có phát hiện sớm, can thiệp sớm để giúp trẻ sớm hòa nhập. Nhiều người chưa biết về chứng tự kỷ nên đã bỏ lỡ cơ hội phát hiện và can thiệp sớm cho trẻ như chia sẻ của chị Nguyễn Hồng Nhung có con bị tự kỷ. Tuy nhiên, khi được chăm sóc một cách cẩn thận theo phương pháp khoa học, con chị đã có những dấu hiệu cải thiện tích cực. Bé đã bắt đầu tự làm được những việc nhỏ nhặt trong cuôc sống khiến gia đình chị rất vui mừng.

Can thiệp sớm mang đến cơ hội tốt để hỗ trợ trí não của trẻ phát triển, cải thiện khả năng học tập, giao tiếp và các kỹ năng xã hội của trẻ... Điều khó khăn ở trẻ tự kỷ là thiếu ngôn ngữ, nhiều cháu có hành vi bất thường như tự làm đau, tự va đầu vào tường, đánh bạn hay tăng động... Trong quá trình can thiệp của trẻ cần có sự kết hợp, song hành của gia đình cùng với nhân viên y tế. Chị Nguyễn Dinh rất vui mừng khi chia sẻ về những thay đổi tích cực của con mình từ khi theo phương pháp can thiệp sớm.

Các hoạt động trị liệu được áp dụng thường xuyên sẽ giúp trẻ dễ dàng tự lập trong sinh hoạt hàng ngày, vui chơi, kết bạn và học tập. Bên cạnh đó, các bài tập yoga cho trẻ có nhu cầu đặc biệt như tự kỷ, chậm phát triển, tăng động kém tập trung giúp trẻ kiểm soát cảm xúc, có hành vi phù hợp trong lớp cũng như ở nhà khi không thỏa mãn yêu cầu. Trẻ hiểu yêu cầu nội quy, giảm lo âu khi xa mẹ để đến trường, giảm căng thẳng khi gặp thử thách mới... Trẻ cũng cần được thực hiện các hoạt động thủ công áp dụng cho sinh hoạt hàng ngày như thời gian biểu trong ngày, câu chuyện xã hội giúp trẻ hợp tác, hiểu biết... Đây cũng là kết quả mà chị Nguyễn Thị Kiều Hạnh chia sẻ khi bé Quang, con trai chị đạt được sau một thời gian thực hiện. Bé Quang đã cất tiếng gọi mẹ, gọi cha sau một thời gian được chăm sóc theo phương pháp can thiệp sớm.

Chăm sóc trẻ em nói chung đã rất vất vả và đối với trẻ tự kỷ thì lại càng khó khăn hơn. Để giúp trẻ tự kỷ hòa nhập cuộc sống một cách hiệu quả thì mỗi trẻ cần có một cách thức riêng. Bằng nhiều phương pháp và cách thức mới, nhiều trẻ tự kỷ đã hòa nhập với cuộc sống hiệu quả. Có được kết quả này nhờ sự chung tay và đóng góp thầm lặng của những người như chị Lê Thị Hồng Diên, cán bộ trung tâm trung tâm nghiên cứu và phát triển cộng đồng Hải Phòng– người đã giúp nhiều trẻ tự kỷ có thể hòa nhập cuộc sống bình thường như bao em bé khác.

Hiện nay, Việt Nam chưa có nghiên cứu chính thức về số lượng người mắc bệnh tự kỷ. Theo thống kê chưa đầy đủ củau Bộ Y tế, hiện nay số trẻ được chẩn đoán mắc chứng tự kỷ tăng 20.000 trẻ mỗi năm. Để giúp trẻ tự kỷ có thể hòa nhập cuộc sống bình thường như bao em bé khác, bên cạnh nỗ lực của gia đình và nhà trường còn cần sự kiên trì, yêu thương, chăm sóc và cả kỷ luật của cả cha mẹ và các thầy cô. Có như thế, trẻ tự kỷ mới có thể hòa nhập và tự tin phát triển trong cộng đồng./.