Chung nỗi đau và tinh thần vượt khó
Đang ở độ tuổi đẹp nhất của người con gái với bao mơ ước thì chị Vũ Hoài Thanh bị một tai nạn, phải cắt bỏ một phần chân phải. Cú sốc quá lớn nên mọi lời động viên, chia sẻ từ người thân, bạn bè đều không thể giúp chị nguôi ngoai. “Năm 16 tuổi, em bị một chiếc ô tô tông, bị cắt 1/3 chân phải. Lúc đó em chán nản vô cùng. Người thân, bạn bè động viên nhưng không ăn thua”, chị Thanh nhớ lại.
Anh Tạ Đình Hán - chồng chị Thanh, cũng chịu nhiều thiệt thòi thuở ấu thơ. Anh cho biết khi học lớp 3, anh thấy mắt mờ dần. Gia đình cứ ngỡ anh chỉ bị cận thị nên định để lớn mới cho đeo kính. Nhưng khi lên lớp 4, anh không còn nhìn rõ mọi vật.
Mắt kém, không theo kịp các bạn trong lớp nên hai năm lớp 4 và 5 anh đều bị đúp. Khi đó, bố mẹ đưa anh đi khám hết bệnh viện này đến bệnh viện khác, song mọi nỗ lực nều không mang lại hiệu quả.
Tuy nhiên, thay vì sống trong mặc cảm, tự ti, cả chị Thanh và anh Hán đều thấy mình vẫn là những người may mắn. “Khi em nhìn thấy người khiếm thị, thấy họ phải sống trong bóng tối thì tự nhiên em thấy mình may còn mắn hơn họ. Từ đó em không buồn nữa mà luôn cố gắng vươn lên”, chị Thanh tâm sự.
“Do mắt cứ mờ dần, mờ dần nên mình thích nghi dần và không bị sốc”, anh Hán cho biết.
Như duyên trời đã định, anh Hán và chị Thanh đều tìm đến các môn thể thao dành cho người khuyết tật là điền kinh và cầu lông. Với ý chí và nghị lực phi thường, cả hai đều giành được những thành tích cao, từ các giải trong nước cho đến quốc tế. “Những tấm huy chương em nhận được thực sự em phải trả giá bằng máu, nước mắt và mồ hôi. Vì với người bình thường cố gắng một thì em phải nỗ lực gấp 3-4 lần”, chị Thanh thổ lộ.
Đặc biệt, khi đến với thể thao - hai người khuyết tật như hai mảnh ghép, đã tìm được nhau và nên duyên vợ chồng.
“Trước khi yêu anh Hán, em có nhiều người mến, theo đuổi, trong đó có cả người hoàn toàn khỏe mạnh, thành đạt nhưng không hiểu sao em không có tình yêu với họ. Em yêu anh Hán phần nhiều vì cái tâm cái đức của anh ấy. Đến giờ em vẫn nhớ lời cậu em trai dặn em: ‘chị chọn bạn trai chị đừng nhìn cách họ đối xử với chị mà hãy nhìn cách họ đối xử với người khác”. Em nghĩ mình đã lựa chọn đúng”, chị Thanh tâm sự.
Điểm tựa cho người khiếm thị
Không chỉ thành công trong sự nghiệp thể thao, anh Hán, chị Mai còn bứt phá trong hoạt động kinh doanh với chuỗi 3 cơ sở tẩm quất người mù, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho khoảng 30 người khiếm thị.
Năm 1982, anh Nguyễn Đình Thắng, quê ở huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình bị bỏng khí hydro. Tai nạn khiến anh mất đi nguồn sáng của đôi mắt. Sau thời gian dài sống trong bế tắc, anh đã quyết định học nghề tẩm quất. Anh cho biết, kết thúc khóa học, anh từng đi làm nhiều nơi nhưng rồi lựa chọn cơ sở tẩm quất của anh Hán và chị Thanh để gắn bó lâu dài. Lý do là tại đây, anh nhận được sự đồng cảm đặc biệt từ vợ chồng người chủ. “Thu nhập hàng tháng của tôi được khoảng 10 triệu đồng. Tôi đi làm nhiều nơi nhưng không đâu nhận được sự đồng cảm và sẻ chia từ người chủ cơ sở như ở đây. Công việc tốt, thu nhập khá và được đối xử tử tế thì tại sao lại nhảy việc!”, anh Thắng cho biết.
Bị teo dây thần kinh gai thị từ lúc 16 tuổi, anh Đoàn Văn Khoa, ở Gia Lâm, Hà Nội phải sống trong bóng tối suốt hàng chục năm nay. Tìm đến nghề tẩm quất để mưu sinh, anh Khoa cũng đã đi làm tại một số nơi. Cuối cùng anh đã chọn và gắn bó với cơ sở tẩm quất của vợ chồng chị Thanh, anh Hán 15 năm nay. Anh tâm sự công việc ở đâu cũng vậy nhưng tại đây, anh cảm thấy nơi mình làm như ngôi nhà thứ 2. Đó là sự đồng cảm, sự tử tế mà người chủ cơ sở dành cho người lao động nói chung và cá nhân anh nói riêng. “Tôi làm ở từ khi khai trương đến giờ là 15 năm rồi. Công việc ổn định, lương tháng cứ đều đều tầm 10 triệu. Ông bà chủ đều tốt với mình thì chọn nơi đây và gắn bó thôi”, anh Khoa chia sẻ.
Làm chủ thực sự nhưng bản thân anh Hán, chị Thanh chưa khi nào tự coi mình là ông chủ, bà chủ. Chị Thanh tâm sự, tại cơ sở tẩm quất, anh Hán vẫn trực tiếp thực hiện mọi việc cùng anh em. “Em rất tự hào về anh Hán. Anh rất chịu khó, không bao giờ phân biệt chủ và nhân viên. Kể cả những việc như dọn dẹp cơ sở, thông tắc nhà vệ sinh hay sửa chữa các thiết bị điện… việc gì làm được là anh tự làm”, chị Thanh cho biết.
“Tôi nghĩ mình may mắn hơn anh em, mình học được và làm được nhiều việc hơn nên làm được được việc gì thì mình làm để đỡ đần anh em việc đó”, anh Hán tâm sự.
Không chỉ tự tay làm, anh Hán còn luôn sẵn sàng chia sẻ mọi kiến thức, kỹ năng cho những người không may mất đi ánh sáng của đôi mắt. “Người khiếm thị thường thiếu hụt nhiều kỹ năng sống. Vì thế, khi học được gì, làm được gì mình đều muốn chia sẻ bằng cách kéo anh em vào làm cùng. Có thể đó chỉ là những việc lặt vặt nhưng nó thực sự rất hữu ích nếu người khiếm thị học được”, anh Hán chia sẻ.
Cứ như vậy, bằng ý chí, nghị lực và sự sẻ chia với người khuyết tật, vợ chồng chị Thanh - anh Hán đã gặt hái thành công trong sự nghiệp thể thao và trong kinh doanh. Đó cũng là minh chứng rất sinh động khi nói rằng thành công và hạnh phúc không phụ thuộc vào những gì đã xảy đến, mà chính ở cách nhìn nhận và sự nỗ lực của mỗi người.
Nghe bài viết dưới đây: