Tại kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua Nghị quyết thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Phát biểu tại các phiên thảo luận, đại biểu Quốc hội đánh giá việc ban hành nghị quyết là hết sức cấp thiết để kịp thời “cởi trói” cho khoa học công nghệ phát triển.
Điểm nghẽn cản trở sự phát triển của hoa học công nghệ
Theo tờ trình của Chính phủ, khoa học công nghệ và chuyển đổi số thời gian qua đã được chú trọng phát triển. Tuy nhiên, quy định hiện hành vẫn còn nhiều bất cập. Các tổ chức khoa học công nghệ công lập gặp khó khăn trong việc tự chủ về tài chính và nhân sự; viên chức chưa được phép tham gia điều hành doanh nghiệp để thương mại hóa kết quả nghiên cứu. Quy định về đầu tư, đấu thầu còn phức tạp, gây chậm trễ trong triển khai các dự án chuyển đổi số… Đề cập vấn đề này khi tham gia thảo luận tại tổ, Tổng Bí thư Tô Lâm đánh giá: “Khó khăn xuất phát từ chính các quy định của chúng ta. Đây là bài học cho thấy thể chế đang là điểm nghẽn, nếu không tháo gỡ thì chính sách sẽ không thể đi vào cuộc sống. Vì vậy, Quốc hội phải họp bất thường để giải quyết vấn đề này”.

Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, vướng mắc chủ yếu nằm ở các quy định về đầu tư công, đầu tư tư và hợp tác công tư. Đây là rào cản, gây khó khăn cho quá trình triển khai và ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ vào thực tiễn. Trong đó, “điểm nghẽn” lớn nhất là các quy định của Luật Đấu thầu. Việc phát triển khoa học và công nghệ nhưng vẫn áp dụng đấu thầu sẽ dẫn đến tình trạng “tìm mua đồ rẻ nhất, vì đấu thầu không khuyến khích mua thiết bị đắt tiền”. Điều này dẫn đến nguy cơ Việt Nam trở thành bãi rác công nghệ, nơi tiếp nhận những công nghệ lạc hậu của thế giới.
Tổng Bí thư nêu dẫn chứng nước ta đang phấn đấu phát triển 5G, trong khi công nghệ này đã xuất hiện từ lâu trên thế giới. Nhiều quốc gia đã tiến xa hơn, tập trung phát triển các loại vệ tinh tầm thấp với công nghệ vượt trội. Nếu hài lòng với 5G, tức là chấp nhận sự tụt hậu và đi sau sự phát triển của thế giới.

Tham gia thảo luận về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, Giáo sư Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, cũng chỉ ra một số bất cập, kìm hãm sự phát triển sự của nền khoa học nước nhà. “Đội ngũ làm khoa học đang gặp nhiều khó khăn trong việc sống bằng nghề do cơ chế quản lý hành chính nhà nước còn nhiều bất cập. Bao nhiêu người nhân bình quân lên, công trình 10 người hay 500 người vẫn mức bình quân như thế, giống như khoán một công việc sản xuất thông thường. Cách quản lý hành chính này tạo ra tình trạng tuyển dụng, bổ nhiệm, chứ không phải tuyển chọn người tài thực sự”, Giáo sư Nguyễn Xuân Thắng nêu thực tế.
Không thể chờ sửa luật
Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết việc xây dựng và ban hành Nghị quyết thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo tại kỳ họp bất thường lần thứ 9 của Quốc hội khóa XV là rất quan trọng, góp phần thể chế hóa Nghị quyết 57 của Trung ương. “Khi ban hành Nghị quyết 57 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, Trung ương nhận định việc đưa các chính sách này vào thực tiễn sẽ gặp nhiều khó khăn. Nếu phải chờ sửa một số luật, nhanh nhất cũng phải giữa năm 2025, có nghĩa là cả năm nay không thể triển khai được Nghị quyết, hoặc không có ý nghĩa gì”, Tổng Bí thư Tô Lâm đánh giá.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng cho rằng những vấn đề nêu ra trong dự thảo Nghị quyết thí điểm đã được thực tiễn kiểm nghiệm, cần sửa đổi ngay để tháo gỡ vướng mắc cho việc phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. “Liên quan đến khoa học công nghệ, nếu chúng ta sửa luật thì có nhiều luật phải sửa. Sửa luật sẽ lâu, không kịp, mà phải thể hiện bằng nghị quyết này. Làm sao để sau kỳ họp Quốc hội này, Chính phủ căn cứ vào Nghị quyết này của Quốc hội, có hướng dẫn để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc”, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết.
Theo dự thảo, Nghị quyết thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo gồm 4 Chương và 19 Điều. Dự kiến, trong buổi sáng 19/2, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua.
Trong thời gian tới, Tổng Bí thư Tô Lâm đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu và sửa đổi Luật Khoa học và Công nghệ và Đổi mới Sáng tạo hiện hành, đảm bảo luật phải sát với thực tiễn. Theo Tổng Bí thư, cả hệ thống phải đổi mới tư duy, đổi mới cách làm, không ngại khó khăn.