Nói về đầu tư công, chúng ta thường nghĩ đến chuyện không có tiền đầu tư. Tuy nhiên, thời gian qua, đầu tư công lại luôn tồn tại một nghịch lý, đó là có vốn nhưng chậm phân bổ, chậm triển khai. Đây trở thành căn bệnh nhức nhối không chỉ gây bức xúc mà còn cản trở sự phát triển của đất nước. Vậy nguyên nhân là do đâu?

Theo đại biểu Nguyễn Tuấn Anh (đoàn Bình Phước) có 3 nguyên nhân chính khiến việc giải ngân vốn đầu tư công chậm. Thứ nhất, bộ, ngành, địa phương cố đưa dự án vào kế hoạch đầu tư công, khi được phân bổ từ Trung ương mới bắt đầu phân bổ cụ thể nên gặp vướng mắc, dẫn đến chậm trong phân bổ. Thứ hai, công tác giải phóng mặt bằng chậm, không lường trước hết những khó khăn. Thứ ba, lựa chọn nhà thầu không có đủ năng lực. “Đây mới là vấn đề cốt lõi. Việc lựa chọn nhà thầu lâu nay rất nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực, thường được “cài cắm” lợi ích, nhưng xử lý rất khó vì thiếu kiên quyết và các chế tài” - Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh nhấn mạnh.

Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh rất tâm đắc với giải pháp điều chuyển vốn từ bộ, ngành, địa phương chậm cho ngành, địa phương làm tốt. Song thực hiện không phải dễ vì theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015 thì không thể điều chỉnh vốn ngân sách từ địa phương này cho các địa phương khác.

Câu hỏi đặt ra là phải chăng vì quy định của luật như vậy nên một số địa phương “đủng đỉnh” trong giải ngân vốn đầu tư công? Làm thế nào để xử lý dứt điểm căn bệnh “trầm kha” này?

Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh đề nghị, cần phải minh bạch trong lựa chọn nhà thầu, vì hiện nay có quá nhiều “chiêu thức” để chủ đầu tư gây khó khăn cho nhà thầu chân chính nhằm tạo điều kiện cho các nhà thầu “sân sau” quen biết.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) nhận định: giải ngân vốn đầu tư công chậm là vấn đề nan giải được nhắc đến nhiều lần, năm nào cũng chỉ đạo quyết liệt nhưng tổng ngân sách không giải ngân hết phải chuyển nguồn sang năm sau gần bằng lượng tiền vốn đầu tư giải ngân trong năm. Những vướng mắc trong Luật Đầu tư công đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp bất thường nhưng tốc độ giải ngân đầu tư công vẫn không được cải thiện.

“Những biện pháp truyền thống mà bấy lâu nay vẫn triển khai như thành lập các đoàn kiểm tra đốc thúc, quy trách nhiệm cho người đứng đầu, cắt giảm điều chuyển vốn các dự án giải ngân chậm… Nhưng xem ra đến nay không còn là liều thuốc đặc hiệu.” – Đại biểu Hoàng Văn Cường nhấn mạnh.

Để tháo gỡ những ràng buộc mang tính bắc cầu và trao quyền cho người có trách nhiệm, nhằm phát huy tính năng động, sáng tạo, đột phá của người quản lý, đại biểu Hoàng Văn Cường đề xuất: “Tách hợp phần đền bù giải phóng mặt bằng các dự án nhóm A, B khi phê duyệt chủ trương đầu tư. Thứ hai là mở rộng phạm vi áp dụng cơ chế chỉ định thầu cho tất cả các khâu của quá trình đầu tư, mua sắm công trên nguyên tắc chất lượng và các tiêu chuẩn kỹ thuật không thấp hơn chi phí, không cao hơn so với các hạng mục công trình hoặc các vật tư, thiết bị đã được lựa chọn thông qua đấu thầu ở các giai đoạn trước đó. Đồng thời thực hiện công khai, minh bạch, rộng rãi tất cả các thông tin về gói thầu, về nhà cung cấp để mọi người quan tâm có thể giám sát. Trao quyền cho chủ đầu tư được điều chỉnh các nội dung mang tính chất kỹ thuật trong quá trình triển khai dự án theo đúng nguyên tắc. Việc này sẽ hạn chế tình trạng đùn đẩy trách nhiệm lên trên”

Bổ sung về các biện pháp tháo gỡ các điểm nghẽn trong giải ngân đầu tư công, đại biểu Nguyễn Tuấn Anh cho rằng: “Chúng ta cần một cuộc cách mạng trong việc lập các dự án mới, trên tinh thần chủ động thực hiện cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn các khâu xin ý kiến và chờ thông qua mới triển khai lập dự án mời thầu đấu thầu. Bên cạnh đó, đối với các dự án đầu tư công, cần linh hoạt cho phép chỉ định thầu rút ngắn thời gian lựa chọn nhà thầu có năng lực, có uy tín”.

“Đề nghị Chính phủ cần có giải pháp khơi thông dòng vốn cho sản xuất kinh doanh, quyết liệt hơn nữa trong giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các dự án giao thông, trọng điểm kết nối vùng để tạo động lực cho nền kinh tế phát triển bền vững. Đồng thời, cần có đủ chế tài đối với những tổ chức, cá nhân thực hiện chậm giải ngân vốn đầu tư công để không còn điệp khúc biết rồi, khổ lắm, nói mãi”, đại biểu Nguyễn Tuấn Anh bổ sung thêm.

Việc để giải ngân đầu tư công bị chậm trễ là rất đáng trách. Nhưng với không ít người, đáng trách thì vẫn ít rủi ro hơn là bị kỷ luật, bị áp đặt chế tài. Đây là lý do sâu xa nhất của hiện tượng đùn đẩy trách nhiệm, báo cáo vòng vo hiện nay, mà việc giải ngân đầu tư công bị chậm trễ chỉ là một biểu hiện cụ thể.

Do đó, đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cần quyết liệt hơn trong triển khai cải cách các thủ tục hành chính. “Bỏ những thủ tục rườm rà, nội dung nào đúng thẩm quyền quyết định ngay, tránh tình trạng xin ý kiến lòng vòng giữa các cơ quan, các bộ, ngành và dồn mọi việc lên cho Thủ tướng Chính phủ. Bên cạnh đó, tiếp tục phân cấp mạnh hơn nữa, đi đôi với kiểm tra, giám sát, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức trong công tác giải ngân và triển khai các chính sách đã được Quốc hội quyết định” - ông Trịnh Xuân An nói.

Giải trình ý kiến thắc mắc của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu nguyên nhân chậm trong giải ngân vốn đầu tư công là do: “Đầu tư công không những bị chi phối bởi Luật Đầu tư công mà còn bị chi phối bởi rất nhiều các luật khác như Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Luật Đấu thầu, Luật Khoáng sản... Trong cùng một lúc chúng ta phải tuân thủ thực hiện tất cả các luật đó, mà các khâu trong một quy trình đó không được làm trước, phải xong cái này mới được làm cái kia. Vì vậy, mỗi một khâu theo từng luật đó phải trải qua các công đoạn và mất rất nhiều thời gian. Trong thời gian tới, giải pháp căn cơ là chúng ta phải rà soát lại quy định của Luật Đầu tư công cũng như các quy định của các pháp luật khác liên quan chứ không chỉ là Luật Đầu tư công. Vấn đề này không thể giải quyết ngày một, ngày hai”.

Trước bối cảnh tác động mạnh và chưa từng có của tình hình chính trị, kinh tế thế giới làm thay đổi sâu sắc các trật tự và cấu trúc thương mại, kinh tế, dịch chuyển đầu tư và các tổ chức đời sống xã hội, việc khẩn trương tháo gỡ vướng mắc, chữa căn bệnh “đủng đỉnh” mạn tính trong giải ngân vốn đầu tư công là yếu tố quan trọng thúc đẩy phục hồi kinh tế- xã hội.