Hà Nội là địa phương số lượng người có công lớn nhất cả nước, khoảng 800 nghìn đối tượng, chiếm 10% tổng số đối tượng người có công của cả nước. Phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, trong những năm qua, công tác điều dưỡng người có công tại Trung tâm Nuôi dưỡng và Điều dưỡng người có công Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả thiết thực, góp phần thực hiện chính sách đền ơn, đáp nghĩa và đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn. Đặc biệt, toàn thể cán bộ, nhân viên đều ý thức rõ trách nhiệm của bản thân trong quá trình thực thi nhiệm vụ.

Ngoài nhiệm vụ điều dưỡng luân phiên, các nhân viên công tác xã hội tại Trung tâm Nuôi dưỡng và Điều dưỡng người có công Hà Nội còn nuôi dưỡng thường xuyên những người có công với cách mạng. Hiện tại, Trung tâm đang nuôi dưỡng hàng trăm mẹ liệt sĩ, vợ liệt sĩ, con liệt sĩ, thương, bệnh binh, người cô đơn không nơi nương tựa...

Từ ngày điều dưỡng ở Trung tâm, cựu thanh niên xung phong Lê Thị Bình được tham gia nhiều hoạt động trải nghiệm bên ngoài, vừa giúp tăng cường sức khỏe vừa tạo tinh thần vui vẻ, thoải mái.

Bà Bình kể “Đảng, nhà nước quan tâm nên nhiều lần về thăm, không phải lo về chế độ. Dù con cái không có, gia đình thì không nhưng tại đây các cháu chăm như con cháu trong nhà. Cần cái gì được phục vụ, giúp đỡ nên yên tâm sống ở đây”.

Người có công được Trung tâm đón tiếp, tổ chức nuôi dưỡng và điều dưỡng luân phiên với nhiều hoạt động ý nghĩa như tổ chức khám, chữa bệnh, tham gia văn hóa, văn nghệ, thể dục dưỡng sinh, tham quan ngoại khóa... Ý thức được trách nhiệm chăm lo cho người có công, các nhân viên công tác xã hội tại Trung tâm luôn thực hiện nghiêm túc với thái độ phục vụ tốt nhất.

Thực tế có nhiều thương, bệnh binh bị di chứng chiến tranh, ảnh hưởng không nhỏ đến thể chất và tâm lý. Không ít người trong số đó không còn khả năng tự phục vụ sinh hoạt cá nhân hàng ngày. Điều này đòi hỏi những người làm nhiệm vụ chăm sóc người có công như chị Nguyễn Linh Chi, không chỉ tốt về kỹ năng mà còn phải luôn cẩn trọng, tinh tế trong từng hành vi, ứng xử.

“Chúng tôi xác định gắn bó làm việc với trung tâm. Các cụ đã hy sinh một phần xương máu nơi chiến trường để chúng tôi có ngày hòa bình, hạnh phúc hôm nay. Chúng tôi luôn biết ơn và coi các cụ như người thân trong gia đình” – chị Chi tâm niệm.

Anh Hoàng Văn Quang, nhân viên điều dưỡng tại Trung tâm cho biết, để nâng cao chất chất lượng dịch vụ và chăm lo toàn diện cho người có công, hệ thống, cơ sở vật chất tại Trung tâm luôn được cải tạo, nâng cấp. Đội ngũ nhân viên nuôi dưỡng, điều dưỡng luôn được quan tâm đào tạo, nâng cao về năng lực, trình độ, có đạo đức, trách nhiệm với công việc.

“Chúng tôi phục vụ người có công nhiệt tình, chu đáo bằng cái tâm và lòng biết ơn sâu sắc. Làm thế nào để họ cảm thấy thoải mái nhất là trách nhiệm của chúng tôi” – anh Quang khẳng định.

Tại Trung tâm luôn có cán bộ y tế trực 24/24 giờ trong ngày, thường xuyên chăm sóc kiểm tra, theo dõi sát diễn biến sức khỏe của từng bệnh nhân. Đặc biệt là những người tuổi cao, sức khỏe yếu, liệt luôn được lưu ý quan tâm, chăm sóc hàng đầu. Trong trường hợp người bệnh chuyển biến nặng sẽ được sơ cấp cứu tại chỗ và nhanh chóng chuyển tuyến điều trị kịp thời. Chị Nguyễn Thị Vân, nhân viên y tế Trung tâm Nuôi dưỡng và Điều dưỡng người có công Hà Nội chia sẻ.

Theo chị Vân, đội ngũ nhân viên công tác xã hội tại Trung tâm luôn được chú trọng đào tạo kỹ năng chăm sóc, giao tiếp. Nhiều bạn yêu nghề, xác định đây là nghề chăm sóc, chung tay cùng cộng đồng, xã hội chăm lo cho người có công với cách mạng.

Chính sách điều dưỡng người có công là chính sách ưu đãi lớn, thể hiện sự quan tâm thiết thực của Đảng, Nhà nước và thành phố đối với người có công. Việc thực hiện công tác chăm sóc, điều dưỡng người có công ngày càng chuyên nghiệp là sự động viên, khích lệ rất lớn để họ tiếp tục sống khỏe và tham gia các hoạt động giúp ích cho gia đình và xã hội./.