Trong số 30 điều dưỡng viên tại cơ sở 1 Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng, Nguyễn Thị Kim Uyên là điều dưỡng viên trẻ nhất. Tốt nghiệp Đại học Y dược Thái Bình, Uyên quyết tâm theo đuổi đam mê trở thành điều dưỡng viên và chăm sóc cho những người cao tuổi ở trung tâm Diên Hồng. Cho đến bây giờ, em vẫn chưa quên cảm giác đầu tiên khi bước chân vào trung tâm cách đây 3 năm. Những ngày đầu đi làm, theo các anh chị đi trước hướng dẫn, Uyên thầm nghĩ, những việc đó em đều đã được học, được nghe thầy cô hướng dẫn, được thực hành. Vậy nhưng khi bắt tay vào làm, em nhận ra thực tế khác hẳn với lý thuyết, chân tay cứ lóng nga lóng ngóng, thậm chí em muốn bỏ cuộc sau 3 ngày thử việc. Uyên bày tỏ, điều dưỡng là một nghề vất vả, nhiều người khuyên nên chọn một hướng đi khác thuận lợi hơn nhưng em quyết tâm vượt qua mọi khó khăn trong những ngày đầu và bám trụ với nghề cho tới ngày hôm nay. “Bất kỳ ai cũng đều có lựa chọn riêng cho mình, hơn hết lựa chọn ngành nghề xuất phát từ niềm đam mê và sự cống hiến. Với em được chăm sóc các cụ là niềm vui, hạnh phúc”- Uyên chia sẻ.

Một ngày làm việc của Uyên bắt đầu với việc giao ban giữa người trực đêm với ca sáng. Sau đó Uyên hỗ trợ các cụ bữa sáng rồi hướng dẫn các cụ tập luyện, xoa bóp, châm cứu. Những hoạt động giải trí như tô tranh, nhặt hạt, tập thể dục, tung bóng, ném bóng cũng là công việc mỗi ngày của Uyên và các đồng nghiệp. Có thể nói, công việc chăm sóc người già của Uyên cần sự tỉ mỉ, cẩn thận và kiên trì mà không phải ai cũng làm được.

Còn với Hoàng Thu Ngân- cán bộ điều phối của Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng, việc đến với nghề điều dưỡng như một cái duyên trời định. Ngân học chuyên ngành ngoại ngữ và làm việc ở công ty nước ngoài 3 năm trước. Vốn là người thích các hoạt động xã hội, trong thời gian chờ việc, Ngân thử sức ở mảng chăm sóc người cao tuổi. “Tôi quan tâm đến các hoạt động cộng đồng, hoạt động tình nguyện nên có một điểm chạm giữa tính cách và mong muốn của bản thân. Đặc điểm của công việc này là nếu như bản thân các bạn không kiên nhẫn không có cái tâm dành cho những già thì không thể làm được”- Ngân bày tỏ.

Sự khác biệt của Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng so với các trung tâm dưỡng lão khác chính là cách tổ chức các hoạt động để người cao tuổi không chỉ được sống theo cách riêng mà còn phát huy tối đa sở thích và sở trường của mỗi cụ. Đơn cử như mùa trung thu năm nay, các cụ được sống trong không khí đoàn viên ấm cúng do Ban giám đốc Trung tâm và các điều dưỡng viên thực hiện. Nhiều cụ ở lâu năm tại đây đã coi trung tâm dưỡng lão như ngôi nhà thứ 2 của mình. Tuy nhiên, điều dưỡng là nghề “làm dâu trăm họ” bởi công việc rất vất vả và không có giờ giấc cố định. Họ là người trực tiếp chịu trách nhiệm về tình hình sức khỏe, thể trạng bệnh của các cụ. Chỉ lơ đãng một chút thôi cũng có thể khiến tình trạng bệnh nhân trở nên xấu hơn. “Chúng tôi đã tìm hiểu rất nhiều các viện dưỡng lão của nước ngoài nổi bật là Nhật Bản. Người Nhật rất biết cách tận dụng các đoàn thể của xã hội như các trường mầm non, các tổ chức tình nguyện để làm tăng thêm không khí sôi nổi của các trung tâm dưỡng lão”, anh Đỗ Trần Hồ Thắng, Giám đốc Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng chia sẻ.

Là một người trẻ, Đỗ Trần Hồ Thắng không chọn nghề quản trị kinh doanh mà anh được đào tạo tại Mỹ mà lại chọn một công việc khác với chuyên ngành đã học, đó là mở cơ sở dưỡng lão, chăm sóc người già. "Năm 2002, chúng tôi mở trung tâm dưỡng lão Diên Hồng với mong muốn các cụ đến với Diên Hồng sẽ được chăm sóc an toàn, khoa học và các cụ sẽ vui vẻ hơn”, anh Đỗ Trần Hồ Thắng cho biết.

Nếu trước kia, nhiều người cho rằng, để bố mẹ già vào các viện dưỡng lão hay trung tâm chăm sóc người cao tuổi là “bất hiếu” thì bây giờ, xã hội cởi mở hơn, cuộc sống hiện đại hơn, người già vào viện dưỡng lão là lựa chọn tối ưu đối với những gia đình có kinh tế nhưng không có thời gian và điều kiện chăm sóc người già. Vậy nên để con cháu yên tâm khi đưa ông bà, bố mẹ vào trung tâm của mình, anh Đỗ Trần Hồ Thắng đặc biệt chú ý tuyển chọn điều dưỡng cũng như các cán bộ đảm bảo chất lượng và đặc biệt là tâm huyết với nghề để làm việc tại đây. “Ngành dưỡng lão còn rất non trẻ, do đó những người làm việc tại đây đều có tình cảm rất lớn đối với người già thì mới gắn bó lâu dài”, anh Thắng tâm sự.

Rất nhiều người cao tuổi có con cháu đề huề, điều kiện gia đình khấm khá nhưng trên thực tế, các cụ cảm thấy buồn khi phải sống cô đơn trong bốn bức tường do con cháu bận mải đi làm. Có nhiều người già bị bệnh mất trí nhớ, bại liệt, hay đau thần kinh... thì việc chăm sóc đúng cách theo phác đồ là cần thiết. Do đó đưa người già đến trung tâm dưỡng lão là một lựa chọn tối ưu. Tại các trung tâm dưỡng lão, các cụ sẽ được chăm sóc một cách khoa học và bài bản, không phải chịu cảnh thui thủi một mình khi con cái đi vắng. “Mong xã hội có một cái nhìn rộng mở hơn bởi vì trung tâm dưỡng lão không chỉ là nơi trông các cụ mà vào đây các cụ còn được chăm sóc để có cuộc sống tốt hơn so với ở nhà. Nếu như không thể chăm sóc bố mẹ tốt thì nên gửi các cụ đến trung tâm dưỡng lão”, chị Hoàng Thu Ngân mong muốn.

Thay vì coi việc đưa ông bà, cha mẹ vào viện dưỡng lão là “bất hiếu”, có lẽ đã đến lúc nên hiểu về viện dưỡng lão một cách tích cực hơn, là nơi chăm sóc sức khỏe lẫn nâng cao tinh thần cho người cao tuổi. Và khi ấy, những cống hiến của những điều dưỡng như chị Kim Uyên hay Hoàng Thu Ngân, hay tâm huyết của Giám đốc Đỗ Trần Hồ Thắng ở Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng sẽ được đền đáp.

Mời quý vị thính giả nghe bài viết dưới đây: