Tiếp tục hoạt động chất vấn, ngày 9/6 Quốc hội thực hiện phiên chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể về lĩnh vực giao thông vận tải (GTVT).

Nội dung chất vấn bao gồm: Tiến độ, chất lượng và công tác phòng, chống thất thoát, lãng phí trong việc triển khai các dự án, công trình giao thông trọng điểm quốc gia, hệ thống đường cao tốc. Công tác kiểm tra, giám sát, bảo đảm chất lượng các công trình giao thông được đầu tư từ ngân sách nhà nước. Thực trạng và giải pháp xử lý các tồn đọng trong đầu tư, khai thác, kinh doanh các dự án giao thông theo hình thức BOT.

Trong đó vấn đề thu phí tự động không dừng chậm triển khai được đại biểu Quốc hội dành sự quan tâm đặc biệt.

Đại biểu Nguyễn Thị Phú Hà (đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình) cho rằng việc triển khai thu phí không dừng là một chủ trương đúng đắn. Thế nhưng, tiện lợi nhưng sao vẫn chần chừ?

Theo đại biểu Đặng Hồng Sỹ (đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận), việc thu phí này bắt đầu được thực hiện từ năm 2015. Theo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì việc thu phí tự động không dừng được áp dụng thực hiện thống nhất trên cả nước từ năm 2019.

Tuy nhiên, sau nhiều lần gia hạn, đến nay việc triển khai thu phí tự động vẫn chưa hoàn thành. Chính phủ chỉ đạo phải hoàn thành trước ngày 30/6/2022, nhưng đến nay có thể nói gần như không thể đạt được.

Mới đây, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã chỉ đạo từ ngày 31/7 nếu không hoàn thành việc lắp đặt thì phải xả trạm. Đại biểu Đặng Hồng Sỹ đặt câu hỏi : “Liệu việc này có thực hiện được hay không hay phải tiếp tục gia hạn?”

Đối với lái xe khi đi vào làn thu phí không dừng không đúng quy định sẽ bị phạt. Vậy nếu xe đi vào làn này mà xảy ra sự cố về công nghệ thông tin thì xử lý, giải quyết như thế nào? Các trạm thu phí có bị xử phạt hay không?

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết: "Năm 2015, Bộ GTVT thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về triển khai thu phí tự động không dừng. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai có rất nhiều vướng mắc, khó khăn, như thói quen sử dụng vé thu phí của người dân nên việc dán thẻ thu phí tự động dù được miễn phí mà số lượng dán rất hạn chế; công nghệ lập trình trong quá trình vận hành có những sai sót về mặt kỹ thuật cần phải điều chỉnh. Năm 2017, Quốc hội có Nghị quyết 437 và giao Bộ GTVT triển khai thực hiện đến năm 2019 phải xong. Tuy nhiên, với số lượng hơn 113 trạm BOT, quy mô hơn 400 làn đường, khối lượng công việc rất nhiều. Bộ GTVT dù đã rất nỗ lực nhưng với thời gian nghị quyết đưa ra thì việc lắp đặt không đáp ứng được".

Theo ông Thể, năm 2019, tất cả các trạm đã có ít nhất 2 làn thu phí không dừng. Riêng 28 trạm thu phí trên các tuyến đường cao tốc do Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) quản lý chưa hoàn thành do vướng mắc vấn đề tái cơ cấu của VEC, doanh nghiệp không có kinh phí để thực hiện.

Từ năm 2017 đến nay, Chính phủ đã họp rất nhiều về việc triển khai thu phí tự động tại các trạm của VEC. Đến thời điểm này cơ bản các vấn đề đã được giải quyết. Trong kỳ họp này Quốc hội cũng sẽ thông qua nghị quyết về VEC. Cách đây 2 hôm, VEC đã ký được hợp đồng với các cơ quan để triển khai lắp đặt thu phí.

Theo chỉ đạo của Chính phủ, đến 30/6 phải hoàn thành lắp đặt đầy đủ làn thu phí tự động không dừng ở các trạm. Mỗi trạm chừa 2 làn để xử lý các vấn đề đột xuất, còn lại là thu phí tự động không dừng, trừ các dự án của VEC là đến 31/7.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh: “Lần này Chính phủ rất cương quyết, nếu ngày 30/6 các trạm BOT chưa hoàn thành thì sẽ dừng thu phí, đến khi lắp đặt xong mới cho thu phí lại. Với VEC, đến 30/7 chưa hoàn thành lắp đặt thì cũng phải xả trạm, khi lắp xong mới được thu phí".

Người đứng đầu ngành GTVT cho biết tới thời điểm này việc lắp đặt, dán thẻ thu phí tự động không dừng đang diễn ra rất tốt. Trong số hơn 4 triệu ô tô trên cả nước hiện đã có khoảng 3,2 triệu thẻ ETC được dán (chiếm khoảng 69%). Ngày 1/6 tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng bắt đầu thí điểm thu phí tự động hoàn toàn và mọi việc đang tiến triển tốt.

Việc xử phạt vi phạm đối với tài xế đi vào làn thu phí tự động áp dụng theo Nghị định 100 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt. Trường hợp trạm BOT xảy ra sự cố, Bộ trưởng GTVT cho biết Nghị định 100 chưa quy định xử phạt, Bộ GTVT sẽ tiếp thu và báo cáo các Bộ, ngành nghiên cứu, đặc biệt là Bộ Công an.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn ĐBQH Hà Nội) chất vấn: "Khi Bộ trưởng GTVT nhậm chức, tôi đã chất vấn về việc thu phí không dừng, Bộ trưởng cam kết thời hạn đến năm 2019 nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành. Đề nghị làm rõ có hay không vấn đề cử tri cho rằng có gian lận, có lợi ích nhóm trong việc triển khai thu phí tự động không dừng?".

Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Anh Trí, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết: "Thời điểm năm 2019 mỗi trạm BOT có ít nhất 2 làn xe thu phí tự động đảm bảo đúng tiến độ Chính phủ yêu cầu. Vì vậy tôi khẳng định đến năm 2019 là xong. Còn vì sao chưa thể hoàn thành toàn bộ vì lý do dán thẻ, nếu dán thẻ không nhiều thì đi trên các làn tự động rất khó khăn".

Nhắc lại vấn đề của VEC, ông Thể nói: "Vốn điều lệ của VEC chỉ có 1.000 tỷ đồng, phải vay hơn 120.000 tỷ đồng. Trong giai đoạn tái cơ cấu VEC không thể đi vay mượn tiền ở bất cứ đâu để thực hiện. Không chỉ dự án thu phí tự động mà thời gian qua rất nhiều dự án đang thi công của VEC cũng phải dừng vì việc tái cơ cấu". Bộ trưởng cho biết thêm, Quốc hội đã thông qua cơ chế cấp phát vốn cho VEC, bao gồm cả việc huy động vốn nước ngoài, nâng vốn điều lệ lên hơn 40.000 tỷ đồng, từ đó VEC có thể đi vay tiền để thực hiện các công việc mà xã hội yêu cầu.

Làm rõ ý kiến có "lợi ích nhóm" trong việc chậm triển khai thu phí tự động hay không? Bộ trưởng Bộ GTVT khẳng định: “Đây là dự án rất nhạy cảm, liên quan tới người dân nên các cơ quan chức năng, trong đó có Bộ Công an rất quan tâm. Đến nay chúng tôi chưa phát hiện có sự câu kết, lợi ích nhóm giữa cơ quan quản lý nhà nước và các nhà đầu tư, bởi các nhà đầu tư hoạt động độc lập toàn bộ. Nếu có vấn đề gì, cá nhân sai phạm thì sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Chúng ta có bộ máy để giám sát" .

Tại phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ GTVT còn cho biết, dù đã có những cố gắng nhưng không tránh khỏi còn có một số dự án chậm tiến độ, chưa đạt chất lượng, có biểu hiện lãng phí, chậm giải quyết các vấn đề BOT. “Ngành giao thông vận tải nhận trách nhiệm về những hạn chế, khuyết điểm này. Phiên chất vấn này là cơ hội để ngành giao thông vận tải giải trình những vấn đề lớn mà xã hội quan tâm”- Ông Nguyễn Văn Thể bày tỏ.