Những ngày vừa qua, hình ảnh những đoàn người ồ ạt rời Nam về quê vì hết tiền, hết lương thực và cũng để tránh dịch covid- 19 không khác những cuộc trốn chạy đầy rủi ro và hiểm nguy gây chấn động dư luận. Chưa kể những bất trắc có thể xảy ra với chính những người lao động di tản một cách tự phát trên hành trình dài hơn nghìn cây số mà nguy hiểm hơn cả chính là nguy cơ lây lan dịch bệnh cho cộng đồng.

Trước một mối nguy đã nhìn thấy rất rõ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành công điện khẩn yêu cầu các địa phương đang áp dụng Chỉ thị số 16 kiểm soát nghiêm ngặt, thực hiện ngay biện pháp hỗ trợ cần thiết về đời sống, y tế để người dân an tâm "ai ở đâu ở yên đấy".

Nhiều ý kiến cho rằng công điện đốc thúc các địa phương của Chính phủ có thể nói là rất kịp thời. “Chính phủ đã kịp thời lắng nghe và hành động quyết liệt vì sức khỏe nhân dân, vì tương lai đất nước, ông Phạm Văn Hòa, Đại biểu Quốc hội khóa 15 đã nhấn mạnh như thế trong cuộc trao đổi với PV VOV2.

Thông điệp “ai ở đâu, ở yên đó” và tinh thần “tuyệt đối không để người dân di chuyển khỏi tỉnh, thành phố nơi cư trú”được lan tỏa mạnh mẽ cũng buộc các địa phương phải kích hoạt cao hơn, mạnh mẽ hơn và quan trọng là phải kịp thời để không phát sinh những tình huống xấu.

Muốn dân "ở đâu, ở yên đấy" thì an sinh phải là quyết sách đầu tiên

Sau Công điện của Thủ tướng Chính phủ, Thành uỷ TP. HCM ngay lập tức đã quyết định thành lập hệ thống cấp phát lương thực và hàng thiết yếu để không ai bị thiếu đói. Khi TP. HCM đã rơi vào tình trạng quá tải trên mọi phương diện thì những nỗ lực này của lãnh đạo thành phố dù chậm nhưng vẫn được đánh giá là một phản ứng tích cực, cần thiết.

Cùng với đó, lãnh đạo TP. HCM cũng tuyên bố sẽ tiêm vaccine cho tất cả mọi người, dù là người nhập cư. “Để người dân yên tâm ở lại, TP. HCM sẽ tập trung mọi nguồn lực, huy động mọi sự trợ giúp trong cả nước, kể cả huy động ngân sách, quỹ dự trữ của thành phố để đảm bảo chăm lo cho người dân. Chúng tôi cam kết không để bà con thiếu đói. Các nguồn lực xã hội và ngân sách sẽ được huy động để phục vụ chăm lo cuộc sống cho bà con”. Lời cam kết ấy của ông Phan Văn Mãi, Phó Bí thư thường trực thành ủy TP. HCM, với nhiều người dẫu có thể chậm trễ nhưng vẫn kịp giúp cho hàng nghìn lao động nghèo yên tâm, vững tin ở lại cùng thành phố chống dịch.

Ông Phạm Văn Hòa, đại biểu Quốc hội khóa 15 cho rằng, ở thời điểm này, sự tiếp sức, chia lửa của các địa phương là cần thiết. Tuy nhiên để đảm bảo người dân không còn di tản một cách tự phát thì vai trò của chính quyền địa phương sở tại là quan trọng hàng đầu. Bởi vậy, ngoài những chính sách hỗ trợ trực tiếp, thành phố có thể kêu gọi các chủ nhà trọ miễn, giảm tiền thuê nhà, cơ quan chức năng miễn giảm tiền điện, nước cho người dân và không có sự phân biệt người dân di cư với người dân địa phương. Chỉ khi nào đời sống bà con ổn định, họ mới yên tâm sống, làm việc, cách ly tại chỗ, hạn chế lây lan dịch bệnh ở diện rộng.

Cùng chung quan điểm này, ông Hoàng Văn Cường, đại biểu Quốc hội khóa 15 đánh giá rất cao những nỗ lực của thành phố Hồ Chí Minh để thực hiện đúng tinh thần “Tuyệt đối không để người dân di chuyển khỏi tỉnh, thành phố nơi cư trú” của Thủ tướng Chính phủ.

Cũng theo đại biểu Hoàng Văn Cường, trường hợp nguồn lực của địa phương không đủ thì thành phố có thể kiến nghị trung ương hỗ trợ, hoặc huy động nguồn lực xã hội hóa, các hội nhóm từ thiện, đồng hương cùng tham gia để giảm tải, và khi đó chính quyền giữ vai trò điều phối. Và ông tin với sức mạnh này mọi khó khăn sẽ sớm qua để trở lại với cuộc sống bình thường mới.

Còn theo TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, những giải pháp mà thành phố Hồ Chí Minh triển khai dẫu có chậm nhưng cũng rất đáng ghi nhận trong lúc mà địa phương này đang phải đối mặt với quá nhiều khó khăn vì dịch bệnh. TS Nguyễn Sỹ Dũng cho rằng, mọi quyết sách đều vì con người. Ở giai đoạn này, nhìn nhận an sinh xã hội phải là yêu cầu nghĩ đến đầu tiên khi triển khai các quyết sách chống dịch.

“Đời sống người dân không được đảm bảo thì mọi quyết sách đều vô nghĩa. Muốn dân ở yên thì phải lo cho người nghèo ăn ở, sinh hoạt, và đáp ứng nhu cầu về y tế. Khi người dân không được đảm bảo cuộc sống thì ắt họ phải di cư, phải chạy về quê. Bởi vậy việc đảm bảo an sinh luôn là điểm trọng tâm của mọi chính sách.”, TS Nguyễn Sĩ Dũng nhấn mạnh.

Kêu gọi sự ủng hộ của toàn xã hội, của các mạnh thường quân, nhiều tổ chức thiện nguyện, cá nhân hảo tâm cùng chung tay với cấp ủy, chính quyền giúp đỡ cho bà con nghèo, không chỉ là sự đùm bọc sẻ chia trong lúc hoạn nạn mà còn giúp họ có niềm tin để ở yên, không di chuyển nếu không cần thiết.

Nỗ lực chia lửa của các địa phương…

Chia lửa cùng TP. HCM trong suốt những ngày qua, tỉnh Quảng Bình, Quảng Ngãi hay Bắc Ninh, Đồng Tháp là những địa phương được dư luận quan tâm bởi cách làm sáng tạo và kịp thời, hành động vượt ra ngoài sự chờ đợi của các công văn, Chỉ thị.

Thay vì đón người dân trở về quê, những địa phương này đã thực hiện chính sách hỗ trợ trực tiếp, hoặc gửi tiền qua hội đồng hương để giúp đỡ những người khó khăn. Cách làm này rất hiệu quả, vừa tiết kiệm vừa bảo đảm an toàn sức khỏe cho người dân.

Hiện tỉnh Quảng Bình, thông qua Hội đồng hương tại thành phố Hồ Chí Minh đã hỗ trợ khẩn cấp gần 4 tỷ đồng để giảm bớt khó khăn cho người lao động Quảng Bình tại đây với mức 1 triệu đồng/hộ. Ngoài ra Hội đồng hương, các tổ chức thiện nguyện của tỉnh đã gửi hàng trăm tấn hàng để tiếp tế cho bà con.

Còn với Bắc Ninh, chia sẻ thông tin với PV VOV2, ông Vương Quốc Tuấn, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh cho biết, mới đây bà Nguyễn Hương Giang - Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đã trực tiếp gửi thư động viên tinh thần người dân Bắc Ninh sinh sống tại TP. HCM và các tỉnh, thành phía Nam yên tâm “ở đâu, ở yên đấy” để thực hiện nghiêm công điện của Thủ tướng Chính phủ. Ngoài ra để kịp thời chia sẻ khó khăn, tỉnh đã trích ngân sách 3 tỷ đồng thông qua Hội đồng hương để gửi tới người dân.

Theo con số thống kê, hiện Bắc Ninh có khoảng hơn 6 nghìn người Bắc Ninh sinh sống và sinh hoạt tại Hội đồng hương Bắc Ninh ở TP. HCM, trong đó nhiều người có hoàn cảnh vô cùng khó khăn. Bởi vậy, ngoài nguồn lực của địa phương, tỉnh cũng kêu gọi sự chung tay của các doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong và ngoài nước, chia lửa với bà con vững tin, yên tâm ở lại. Cụ thể như Công ty Cổ phần Him Lam đã hỗ trợ 5 tỷ đồng. Hội đồng hương Bắc Ninh đang và sẽ tiếp tục là chỗ dựa, cầu nối của những người con xa quê.

Trong bối cảnh dịch bệnh nguy hiểm ở mức đỉnh điểm thì có lẽ việc truyền thông, quảng bá, nhân rộng những mô hình, cách làm sáng tạo của mỗi địa phương nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh và hỗ trợ tối đa cho người dân nghèo bị ảnh hưởng là việc làm cần thiết. Đây chẳng phải là lúc để tung hô, ca tụng hay làm đẹp thành tích, mà đó là cách để mỗi người dân và các tỉnh, thành cần biết để chia sẻ, học tập, rút kinh nghiệm và nhân rộng.

Hiện nay, hầu hết các địa phương đều tạm dừng tiếp nhận công dân về từ các địa phương vùng dịch Covid-19 theo bản đồ dịch tễ của Bộ Y tế. Tuy nhiên dừng tiếp nhận người dân từ vùng dịch về không có nghĩa là các địa phương bỏ rơi người dân. Và cách mà Bắc Ninh, Quảng Bình, hay Quảng Ngãi, Đồng Tháp đang làm cũng là cách mà các địa phương khác có tham khảo để triển khai hỗ trợ cho người dân của mình và tiếp sức cho thành phố Hồ Chí Minh giảm bớt sự quá tải như những ngày vừa qua.

Theo ông Nguyễn Sĩ Dũng, để nguồn lực tập trung hơn thì các địa phương cũng nên phân rõ ràng các nguồn hỗ trợ. Với khoản kinh phí có thể sử dụng từ ngân sách địa phương nên hỗ trợ trực tiếp cho chính quyền TP. HCM. Còn với nguồn lực huy động từ xã hội, các tổ chức thiện nguyện thì qua hội đồng hương của tỉnh tại địa bàn sở tại để đảm bảo người lao động khó khăn nào cũng được hỗ trợ một cách đồng đều, công bằng.

Với những hành động quyết liệt của Chính phủ, sự tiếp sức, chia lửa kịp thời của mỗi địa phương, người lao động nghèo ở TP. HCM và các tỉnh thành phía Nam sẽ yên tâm ở lại, không còn những dòng người rời Nam hồi hương đầy vất vả, tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho chính họ và cộng đồng như những ngày vừa qua.