Chỉ diễn ra trong vòng hơn 4 ngày (từ 17h ngày 26/4 đến 11h30 ngày 30/4/1975), song chiến dịch Hồ Chí Minh, chiến dịch cuối cùng của Quân đội nhân dân Việt Nam trong Cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Mùa Xuân 1975 đã đánh dấu mốc son chói lọi trong lịch sử Việt Nam.
Sau khi đập tan tuyến phòng thủ nhiều tầng, nhiều lớp, bắt đầu từ 17h ngày 26/4/1975 quân chủ lực của ta từ 5 hướng “thần tốc, táo bạo" tiến vào đánh chiếm 5 mục tiêu quan trọng nhất đó là: Bộ tổng tham mưu, sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ tư lệnh Biệt khu thủ đô, Tổng nha cảnh sát và dinh Độc Lập. Đến 11h30 phút ngày 30/4/1975, lá cờ chiến thắng của ta đã tung bay trên nóc dinh Độc Lập, kết thúc chiến dịch Hồ Chí Minh.
Đại thắng này không chỉ đánh dấu chấm dứt 21 năm kháng chiến mà còn kết thúc 117 năm đô hộ của thực dân và đế quốc trên đất nước ta, mở ra thời kỳ độc lập của dân tộc.

Tại cuộc hội thảo khoa học “Nhân tố chính trị, tinh thần - Cội nguồn sức mạnh làm nên đại thắng mùa Xuân năm 1975” nhân kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp với Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng và Cảnh sát biển Việt Nam tổ chức, các đại biểu, diễn giả, cùng các nhà nghiên cứu khoa học khẳng định, chiến thắng của quân và dân ta năm 1975 đã chấm dứt ách thống trị, nô dịch của chủ nghĩa đế quốc, đất nước thoát khỏi họa bị chia cắt, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, đưa cả nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập, tự do, thống nhất đi lên chủ nghĩa xã hội.
Thiếu tướng, PGS.TS Đặng Sỹ Lộc, Giám đốc Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng nhấn mạnh: “Đại Thắng mùa xuân năm 1975 đã ghi vào lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam trang sử vàng chói lọi nhất và đi vào lịch sử thế giới như một sự kiện chính trị quân sự mang tầm vóc của thời đại. Trải qua 21 năm kháng chiến, nhân dân ta đã đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược có quy mô lớn nhất, dài nhất và ác liệt nhất”.
Thắng lợi vĩ đại của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, thêm 1 lần nữa khẳng định sức mạnh đại đoàn kết toàn dân dưới sự lãnh đạo của Đảng là một đảm bảo để đường lối kháng chiến cứu nước giành thắng lợi.
Thiếu tướng TS Trần Minh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và lịch sử Quốc phòng khẳng định: “Đây không chỉ là chiến dịch quân sự quy mô lớn nhất trong lịch sử dân tộc mà còn là đỉnh cao của nghệ thuật chiến dịch Việt Nam với nghệ thuật quân sự đặc sắc. Thứ nhất, nghệ thuật vận dụng các nhân tố lực - thế - thời - mưu trong chiến dịch Hồ Chí Minh”.

Trong suốt chiến dịch Hồ Chí Minh, sự kết hợp giữa tiến công quân sự của bộ đội chủ lực với nổi dậy của quần chúng nhân dân được thực hiện hết sức chặt chẽ, hiệu quả, giúp cho chiến dịch giành thắng lợi trong thời gian nhanh nhất, triệt để nhất và giữ được Sài Gòn còn khá nguyên vẹn khi kết thúc chiến tranh. Thời gian đã lùi xa 50 năm, nhưng bài học về kết hợp giữa nổi dậy với tiến công, tiến công với nổi dậy trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử vẫn mãi là bài học vô giá để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân vận dụng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
PGS.TS Nguyễn Toàn Thắng, Viện Văn hóa và phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cũng khẳng định, chiến dịch Hồ Chí Minh là đỉnh cao thắng lợi và trọn vẹn của văn hóa giữ nước thế kỷ 20. Chiến thắng này đã mở ra một kỷ nguyên mới: “Có thể nói rằng dân tộc chúng ta là một dân tộc yêu nước, yêu hòa bình. Vì vậy, chúng ta đã làm tất cả những gì có thể để bảo vệ Tổ quốc. Khi nói tới đại thắng mùa xuân, nói tới chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử với mệnh lệnh thần kỳ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp “Thần tốc, thần tốc hơn nữa. Táo bạo, táo bạo hơn nữa", tranh thủ từng phút từng giờ xốc tới mặt trận giải phóng miền Nam. Đó là sự kế thừa và phát triển truyền thống văn hóa giữ nước Việt Nam. Đó chính là đỉnh cao của văn hóa giữ nước Việt Nam trong thế kỷ XX”.
PGS.TS Phạm Hồng Tung, Viện Việt Nam học và khoa học phát triển phân tích, thắng lợi của chiến dịch Hồ Chí Minh là thắng lợi vĩ đại của nhân dân Việt Nam. Thắng lợi này có nhiều nguyên nhân, trong đó, nguyên nhân bao trùm là nhờ có đường lối đúng đắn, Đảng đã quy tụ sức mạnh đoàn kết của toàn dân, sức mạnh của 2 miền Nam –Bắc và sức mạnh đoàn kết quốc tế, để lại những bài học giá trị: “Ba bài học rất quan trọng có thể rút ra được những ý nghĩa cũng như những kinh nghiệm lịch sử, vận dụng vào việc lãnh đạo, điều hành đất nước, lãnh đạo cách mạng Việt Nam trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Đó là ba bài học: Bài học dũng cảm chớp thời cơ lịch sử, bài học lãnh đạo, chỉ huy thao lược và bài học phát huy hào khí dân tộc”.

50 năm đã trôi qua, nhưng những bài học của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử vẫn mãi là bài học vô giá để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân vận dụng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Những ngày kỷ niệm trọng đại này là dịp để chúng ta thêm tự hào về truyền thống vẻ vang của dân tộc anh hùng, quân đội anh hùng, của các thế hệ cha anh trong Thời đại Hồ Chí Minh. Càng tự hào chúng ta càng cần tiếp tục phát huy tinh thần, trí tuệ để xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa ngày càng giàu, mạnh./.