Thiết thực kỷ niệm 50 năm giải phóng Miền nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025); tưởng nhớ và tri ân những hy sinh, chiến công vĩ đại của quân và dân ta, sáng 24/4, Bảo tàng Lịch sử và Văn hoá, Khoa Lịch sử, Khoa Khoa học Chính trị và Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức cuộc triển lãm trưng bày ảnh “50 Năm ngày giải phóng Miền nam, thống nhất Đất nước” và toạ đàm giới thiệu 2 cuốn sách: "Tầm nhìn từ lịch sử hoàn thiện các giá trị Việt Nam trong thời đại mới" (của tác giả Thượng tướng, Tiến sĩ Nguyễn Văn Hưởng, Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an) và cuốn sách "30.4.1975 - 50 năm nhìn lại" (của tác giả Kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái, nguyên Tổng hội sinh viên Sài Gòn 1963-1964, người chứng kiến thời khắc lịch sử quan trọng tại Dinh Độc Lập và Đài phát thanh trong ngày 30/4/1975).

Với 40 hình ảnh tư liệu được trưng bày chia thành 4 nội dung đưa người xem đi qua hành trình 20 năm đi đến thắng lợi hoàn toàn và thống nhất đất nước. Nội dung thứ nhất có chủ đề “Cuộc chiến cứu nước vĩ đại”, phản ánh quá trình vượt qua khó khăn, chiến đấu và chiến thắng, dành độc lập, thống nhất non sông. Nội dung thứ hai mang tên “Cuộc sống trong chiến tranh”, phản ánh cuộc sống của nhân dân hai miền trong thời kỳ chiến tranh. Các hình ảnh sẽ giúp công chúng hiểu rõ hơn về sự hy sinh, mất mát của nhân dân hai miền trong 20 năm chiến tranh khốc liệt, qua đó thêm trân quý giá trị của hòa bình. Phần thứ ba là những hình ảnh về “Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”, giới thiệu những hình ảnh của ngày 30/4/1975, khi các đoàn quân tiến vào giải phóng Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh; giải phóng các đảo trên biển, đất nước hoàn toàn được giải phóng, non sông thu về một dải. Nội dung thứ tư có tựa đề “ 50 năm sau ngày đất nước thống nhất”, giới thiệu sự đổi thay của thành phố Hồ Chí Minh 50 năm sau ngày giải phóng.

Phát biểu tại sự kiện ý nghĩa này, GSTS Hoàng Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH và NV, Đại học Quốc gia Hà Nội nhấn mạnh: “Trưng bày và tọa đàm hôm nay là hành động thiết thực của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn trong việc biến hào khí tháng 4 thành niềm tin, động lực để đưa đất nước cùng hướng về phía trước, xây dựng và bồi đắp cho sinh viên khát vọng phát triển đất nước phồn vinh hạnh phúc gắn với xây dựng hệ giá trị quốc gia với sức mạnh con người Việt Nam trong thời kỳ mới”

Sự kiện thu hút sự quan tâm của gần 500 đại biểu và sinh viên. Khán phòng háo hức, sôi động khi phần giao lưu, tọa đàm với tác giả của 2 cuốn sách. Tác phẩm “Tầm nhìn từ lịch sử, hoàn thiện các giá trị Việt Nam trong thời đại mới” của Thượng tướng, Tiến sĩ Nguyễn Văn Hưởng là công trình cung cấp hệ thống quan điểm và giải pháp để phát triển đất nước trong thời đại mới. Từ góc nhìn lịch sử và văn hóa, tác giả đề xuất hệ thống quan điểm và giải pháp nhằm giúp Việt Nam sớm hoàn thiện những giá trị của mình, tiến vào thời đại mới với những nền móng, bệ phóng vững chắc để vươn cao và bay xa.

Chia sẻ tại sự kiện, Thượng tướng Nguyễn Văn Hưởng cho biết, sau khi nghỉ hưu, ông tập trung nghiên cứu và viết sách với tư cách một công dân Việt Nam muốn đóng góp tiếng nói của mình cho sự phát triển đất nước. Những điều ông đau đáu vẫn là những nỗi niềm để làm sao đóng góp kinh nghiệm thực tiễn và trí tuệ của mình một cách hiệu quả nhất cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

Trong cuốn sách “Tầm nhìn từ Lịch sử: Hoàn thiện các giá trị Việt Nam trong thời đại mới”, Thượng tướng Nguyễn Văn Hưởng trăn trở làm thế nào để Việt Nam trở thành quốc gia thịnh vượng trong một thế giới biến chuyển phức tạp như hiện nay. Ông bày tỏ sự vui mừng và tự hào khi nước ta đã đạt được những thành tự to lớn sau đổi mới, là quốc gia hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, có vị thế trong ASEAN. Dù vậy, Thượng tướng Nguyễn Văn Hưởng tâm sự trong lời mở đầu sách: “Việt Nam đã phát triển nhưng vẫn còn ở trình độ thấp. Trải qua 40 năm cải cách, tầm mức của Việt Nam hiện chưa thoả hết khát vọng dân tộc. Những gì đạt được và chưa đạt được nhiều người đã biết. Vấn đề đáng suy nghĩ là có phải chúng ta thiếu tiềm năng không, thiếu nhân lực không, thiếu điều kiện gì không để thực sự vươn lên sánh vai với các cường quốc năm châu như Chủ tịch Hồ Chí Minh mong muốn”.

Nếu như cuốn sách “Tầm nhìn từ lịch sử hoàn thiện các giá trị Việt Nam trong thời đại mới” của tác giả Nguyễn Văn Hưởng là những trăn trở về đường lối, giải pháp căn bản để phát triển đất nước thì tác phẩm “30.4.1975 - 50 năm nhìn lại" của KTS Nguyễn Hữu Thái, lại thu hút độc giả với cái nhìn sâu sắc và nghiên cứu lịch sử về sự kiện 30/4/1975 bằng những câu chuyện sinh động của người chứng kiến thời khắc lịch sử quan trọng tại Dinh Độc Lập và Đài phát thanh trong ngày 30/4/1975.

Sau 50 năm, với Kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái, một trong những nhân chứng đặc biệt chứng kiến thời khắc đất nước thống nhất, những ký ức về không khí sáng 30/4/1975 tại Dinh Độc Lập vẫn còn nguyên vẹn. Giờ đây, ở tuổi ngoài 80, khi nhắc về khoảnh khắc lịch sử ấy, ánh mắt ông vẫn bừng sáng.

Với góc nhìn của nguyên Tổng hội sinh viên Sài Gòn 1963-1964, thông qua cuốn sách, KTS Nguyễn Hữu Thái cung cấp cho chúng ta những tư liệu quý giá để làm rõ các sự kiện quan trọng đã diễn ra tại Dinh Độc lập trong ngày 30/4/1975, đồng thời, cung cấp một số kiến giải mới của tác giả về cuộc chiến.

Chia sẻ với VOV2, KTS Nguyễn Hữu Thái cho biết, thông điệp lớn nhất của ông khi viết cuốn sách là “Mong muốn thế hệ trẻ hôm nay, thế hệ sinh ra trong hòa bình thống nhất đất nước có cái nhìn tổng thể hơn về chiến tranh để có thể bác bỏ những luận điệu tuyên truyền xuyên tạc. Thế hệ hôm nay được sống trong hòa bình hãy hiểu và trân trọng những giá trị mà chúng ta đang có. Khi lá cờ giải phóng được treo lên trên nóc Dinh Độc lập đã chính thức mở ra một kỷ nguyên mới của đất nước ta”.

Trưng bày ảnh kỷ niệm “50 Năm ngày giải phóng Miền nam, thống nhất Đất nước” và Toạ đàm giới thiệu sách: "Tầm nhìn từ lịch sử hoàn thiện các giá trị Việt Nam trong thời đại mới" và "30.4.1975 - 50 năm nhìn lại" mở ra cơ hội để sinh viên được tiếp xúc với các nguồn tư liệu; gặp gỡ và giao lưu với nhân chứng lịch sử. Từ sự tăng cường kết nối cộng đồng nghiên cứu giữa các học giả, nhà nghiên cứu và sinh viên sẽ góp phần khơi dậy tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc trong sinh viên, khuyến khích sự tham gia tích cực vào các hoạt động cộng đồng và nghiên cứu lịch sử hào hùng của dân tộc.